Bóng đá nam Trung Quốc đang trải qua chuỗi ngày khủng hoảng thực sự. Thất bại trước đội tuyển Việt Nam đã khiến cho đội tuyển quốc gia nước này hứng chịu chỉ trích dữ dội. Chưa dừng ở đó, sức ép của đội tuyển nam càng tăng lên khi đội tuyển nữ Trung Quốc thành công rực rỡ với chức vô địch giải châu Á.
Bình luận viên Liu Jianhong không ngại ngùng chỉ ra góc khuất của bóng đá Trung Quốc, với hy vọng cứu vãn nền bóng đá.
Thế nhưng, mọi việc chưa dừng lại ở đó. Trong những ngày qua, giới truyền thông Trung Quốc đã vén lên nhiều mảng tối của bóng đá nước này. Cách đây ít ngày, chuyên gia Li Xuan cho rằng các cầu thủ Trung Quốc sử dụng tiểu xảo, cố tình thua đội tuyển Việt Nam.
Tới hôm qua, bình luận viên nổi tiếng ở đài CCTV, Liu Jianhong còn khiến làng bóng đá Trung Quốc rung chuyển khi khẳng định cầu thủ dùng tiền mua suất ra sân ở đội tuyển quốc gia. Tới mức, tờ Sohu bình luận: "Nhiều người ngỡ rằng chính sách nhập tịch sẽ giúp đội tuyển Trung Quốc sánh ngang sức mạnh với Nhật Bản và Hàn Quốc nhưng không phải như vậy. Thậm chí, ngay cả Messi hay C.Ronaldo cũng khó cứu nổi bóng đá Trung Quốc khi nền bóng đá trong nước đang bị nhấn chìm bởi những quy định bất thành văn".
Bình luận trên mạng xã hội Weibo, bình luận viên Liu Jianhong đã vạch trần câu chuyện mờ ám của bóng đá Trung Quốc. Ông chia sẻ: "Bạn có biết không? Ở thời điểm này, suất vào đội tuyển quốc gia có khung giá rõ ràng. Thậm chí, bạn chỉ cần chuyển khoản, rồi muốn ra sân bao nhiêu trận tùy thích".
Đội tuyển Trung Quốc sử dụng nhiều cầu thủ nhập tịch thời gian qua.
Nhưng theo ông Liu Jianhong, tình trạng này không chỉ xuất hiện ở đội tuyển quốc gia, mà còn lan rộng ra nhiều cấp độ khác nhau. Giờ đây, những người làm công tác huấn luyện đang xem bóng đá trở thành công cụ kiếm tiền.
Bình luận viên nổi tiếng này tiết lộ thêm: "Có một người đàn ông từng nhắn riêng cho tôi. Ông ta có một cậu con trai chơi bóng rất khá. Nó bắt đầu làm quen với bóng đá từ năm 6 tuổi. Khi ông ấy gửi con đến học viện để thi tuyển, thằng bé đã khiến những HLV vô cùng hài lòng về trình độ của nó.
Thế nhưng, đến buổi tối hôm ấy, một HLV đã liên lạc để ra giá với ông bố. Sau đó, ông đã phải bỏ cuộc. Không phải vì ông ấy thiếu tiền mà vì hiểu rằng, nếu muốn con trai theo con đường đá bóng chuyên nghiệp thì sẽ phải chi ra số tiền rất lớn.
Giờ đây, các học viện bóng đá ở Trung Quốc coi bóng đá là công cụ để kiếm tiền. Còn nếu muốn vào đội tuyển quốc gia thì cũng cần phải đi cửa này, cửa kia. Giờ đây, bóng đá Trung Quốc đã vào được vòng loại thứ ba World Cup nhờ những cầu thủ nhập tịch nhưng tôi tự hỏi rằng trong tương lai, chúng ta sẽ dựa vào đâu khi mà những cầu thủ trẻ phải dùng tiền để được thi đấu".
Bóng đá Trung Quốc đang xuất hiện nhiều vấn đề thời gian qua.
Trong một bài viết khác, tờ Sohu lo ngại rằng việc không phát triển được lứa trẻ có thể khiến đội tuyển Trung Quốc ngày càng bị bỏ lại: "Các cầu thủ ở Nam Mỹ hay châu Phi xem bóng đá là công cụ đổi đời. Nhưng ở Trung Quốc, khi mà đồng tiền đang chi phối những quyết định chọn người thì nó sẽ tàn phá ghê gớm nền bóng đá.
Ngay cả đứa trẻ đó có tài năng thiên bẩm như Messi mà không có tiền thì cũng không có nhiều cơ hội chơi bóng đỉnh cao. Bóng đá trẻ là một chuỗi liên kết. Bọn trẻ phải qua vòng lựa chọn cấp trường, cấp tỉnh, rồi mới tới cấp quốc gia. Nếu không có tiền thì ngay cả Van Dijk, C.Ronaldo cũng mắc kẹt lại. Giờ đây, người ta đang hiểu ngầm rằng khi không có tiền hay nghèo thì đừng nghĩ tới việc chơi bóng. Liệu tương lai của bóng đá Trung Quốc sẽ đi về đâu?".
Theo H.Long/Dân Trí