Tháng 6/2022, Thái Quỳnh Linh Ngọc (33 tuổi, quê Hà Nội) lên đường đến Ladakh, địa danh nổi tiếng với quang cảnh hoang sơ cùng khí hậu khắc nghiệt tại Ấn Độ. Trong cuộc trò chuyện với Zing, Ngọc kể về hành trình chinh phục thiên nhiên kỳ vĩ tại vùng đất này.
2,5 năm "treo" passport vì dịch Covid-19 khiến dân mê xê dịch như tôi bức bối. Ngay khi có cơ hội, tôi quyết định quay lại những ngày rong ruổi bằng tour khám phá Ladakh.
Tôi biết đến Ladakh thông qua một diễn đàn dành cho dân phượt từ 10 năm trước. Từ đó đến nay, hình ảnh núi non trùng điệp, những tu viện Tây Tạng nằm trơ trọi trên dốc đá cheo leo vẫn khiến tôi thổn thức.
Vùng đất thuộc dãy Himalayas này còn là nỗi ám ảnh của nhiều du khách bởi địa hình và khí hậu khắc nghiệt. Không ít người shock độ cao, thiếu oxy đến chảy máu mũi, thậm chí phải nhập viện khẩn cấp khi đến đây.
Thú thật, dù đã tìm hiểu và chuẩn bị khá kỹ càng, tôi vẫn lo lắng, sợ ngã bệnh trước thời tiết lạ. Song, nỗi lo nhanh chóng tan biến, nhường chỗ cho những trải nghiệm khó quên tại nơi được mệnh danh là “vùng tận cùng của thế giới”.
Vượt đèo cao 5.610 m
Do không rủ được nhiều người quen, tôi và bạn thân ghép đoàn với 6 người lạ có cùng sở thích phiêu lưu. Cả nhóm bay từ Hà Nội đến Delhi, rồi từ đây bay đến thành phố Leh thuộc Ladakh.
Vừa đến nơi, chúng tôi ngay lập tức choáng ngợp bởi khung cảnh trước mắt. Các đỉnh núi tuyết chìm trong mây, những con đường cát trải dài bất tận đẹp hơn mọi bức ảnh tôi từng xem qua.
Tận hưởng vẻ đẹp hùng vĩ chưa được bao lâu, cả đoàn đã phải đối mặt với thử thách địa hình và khí hậu. Vốn là nơi thấp nhất Ladakh, Leh vẫn cao hơn đỉnh Fansipan với độ cao 3.600 m so với mực nước biển. Vài người nôn mửa do shock độ cao, có thành viên còn chảy máu mũi suốt 2 ngày.
Bên cạnh đó, nhiệt độ thay đổi liên tục cũng khiến cả nhóm mệt mỏi. Buổi sáng thường lạnh buốt ở 4 độ C, trưa nắng vã mồ hôi, chiều có gió thốc và tối lại quay về mức 2-4 độ C.
Khí hậu ở đây rất khô. Móng tay tôi giòn gãy, da mũi tróc từng mảng lớn, môi nứt sâu, chảy máu dù đã thoa nhiều lớp son dưỡng. Để giữ sức, cả bọn phải sử dụng miếng dán giữ nhiệt khi lạnh và đội mũ rộng vành lúc trời nắng to.
Có thể nói, đặc sản Ladakh là những cung đường đèo quanh co, khúc khuỷu. Mỗi ngày, tôi đều ngồi xe băng đèo 5-6 tiếng để đến các địa điểm tham quan. Ở đây, thay vì giảm tốc, giữ phanh tránh xe ngược chiều, tài xế thường đạp ga lao thẳng về phía trước.
Nhiều lần, bọn tôi hét toáng lên vì tưởng sắp rơi xuống vực. Di chuyển trên mặt đường gập ghềnh, nhiều sỏi đá khiến cả đoàn vừa thấy kích thích, vừa nơm nớp lo sợ.
Một trong những trải nghiệm khó quên nhất của tôi là chinh phục Khardung La, ngọn đèo cao nhất thế giới với độ cao 5.610 m. Suốt quãng đường gần 40 km, ai cũng đau đầu, hoa mắt vì say xe, say độ cao. Mọi người buồn nôn đến chảy nước mắt, dù gió khô liên tục thốc vào mặt.
Tôi cố gắng ngồi vào giữa, hạn chế nhìn xung quanh mà vẫn xây xẩm. Dù vậy, cả nhóm vẫn cố gắng tỉnh táo để ngắm nhìn cũng như chụp lại nhiều cảnh thiên nhiên hùng vĩ dọc đường đi.
Sống chậm ở Ladakh
Trước đây, Ấn Độ trong mắt tôi chỉ toàn những điều xấu xí. Song, định kiến ban đầu đã bị thay đổi trong những ngày ở Ladakh.
Người dân ở đây đa số theo Phật giáo Tây Tạng, tính tình hòa nhã, thân thiện và hiếu khách. Nhiều lần cả nhóm ghé chợ tham quan, dù không mua gì vẫn được tiểu thương nhiệt tình đón tiếp.
Họ sẵn sàng trò chuyện với tôi cả tiếng đồng hồ, dạy cách phân biệt các loại len địa phương, giới thiệu đặc sản và các địa điểm đẹp. Khi khách hàng bỏ quên tư trang, họ cất giữ cẩn thận, chờ người quay lại trao tận tay.
Thêm một điều đặc biệt là dân Ladakh sống và làm việc rất thong dong. Rất khó để tìm được ai đang vội vàng, tất tả. Dường như cuộc sống trên núi cao tách biệt hoàn toàn khỏi những lo toan, phiền muộn thường gặp ở đô thị.
Theo tôi, vùng đất này bình yên nhờ mang đậm màu sắc tâm linh huyền bí. Đến các tu viện nghìn năm tuổi, lòng tôi dịu lại trong tiếng kinh cầu vang vọng khắp không gian. Tôi được xoay hàng trăm bánh xe luân xa chứa câu chú cầu an, giải trừ năng lượng tiêu cực. Một nhà sư còn tặng tôi chiếc khata, loại khăn lụa ban phước độc đáo của Tây Tạng.
Không Internet, ít sóng điện thoại, tôi cảm nhận rõ sự nhỏ bé của bản thân giữa đại ngàn. Trước chuyến đi này, tôi stress kéo dài vì những vấn đề cá nhân và công việc. Những tổn thương được xoa dịu khi tôi sống chậm lại, tiếp nhận nền văn hóa mới.
Tôi sẽ nhớ mãi khoảnh khắc quyết định buông bỏ muộn phiền khi đứng trước hồ Pangong. Mặt nước xanh biếc trải dài như vô tận khiến tôi lâng lâng, trong đầu bật lên câu hát yêu thích “Ladies and gentlement, we are floating in space” (tạm dịch: chúng ta đang lơ lửng trong không gian). Tấm biển ghi dòng chữ “think clean” (tạm dịch: nghĩ thông suốt) giữa hồ giúp tôi nhẹ nhõm, trân trọng hiện tại hơn.
Tiếp tục lên đường
Có thể nói, một tuần ở Ladakh khiến tôi như được tái sinh. Những pha thót tim trên đèo cao, ngất ngưởng trong cơn say xe và đắm chìm giữa tu viện nghìn năm nhắc nhở tôi về sự hữu hạn của cuộc sống. Ngày về Việt Nam, tôi tràn đầy năng lượng tích cực, yêu bản thân hơn bao giờ hết.
Hiện tại, tôi đã nghỉ công việc văn phòng, dùng toàn bộ thời gian để theo đuổi đam mê chinh phục các cung đường trên thế giới. Dựa trên kinh nghiệm đi qua gần 20 quốc gia, vùng lãnh thổ, tôi cũng nhận tư vấn, xây dựng lộ trình cho anh chị em yêu thích phượt, du lịch tự túc.
Đến hết năm 2022, tôi muốn thực hiện tour Mỹ-Canada hoặc Australia-New Zealand, thăm núi lửa Bromo (Indonesia). Nếu thu xếp được thời gian và đủ tài chính, tôi sẽ trekking đến Everest Basecamp cho thỏa ước mơ của một phượt thủ.
Cuối cùng, tôi muốn nhắn nhủ đến những người trẻ đang chuẩn bị đến đất thiêng Ladakh. Hãy đi và cảm nhận nơi này theo cách riêng, đừng để những review du lịch làm ảnh hưởng đến trải nghiệm bản thân. Thiên nhiên, con người và văn hóa Ladakh sẽ xoa dịu nỗi buồn và giúp bạn hiểu thêm về ý nghĩa cuộc sống.
Theo Hồng Anh/Zingnews