Chiều 23/10 tại Hàn Quốc, võ sĩ Nguyễn Thị Thu Nhi đã bước vào trận tranh đai WBO thế giới hạng mini-flyweight với tay đấm 40 tuổi người Nhật Bản Etsuko Tada. Thu Nhi là nhà vô địch WBO châu Á - Thái Bình Dương, trong khi Tada là đương kim vô địch thế giới tại hạng cân này.
Sau 10 hiệp đấu, võ sĩ Việt Nam đã giành chiến thắng và trở thành tay đấm nữ đầu tiên của Việt Nam giành đai WBO thế giới.
|
Nguyễn Thị Thu Nhi trong khoảnh khắc giành chiến thắng. (Ảnh: WBO) |
Từ Hàn Quốc, Nguyễn Thị Thu Nhi đã chia sẻ với Dân Việt về những cảm xúc của cô sau trận đấu này:
"Tôi mang trái tim Việt Nam để thi đấu"
Cảm xúc của Thu Nhi thế nào khi trở thành tay đấm nữ đầu tiên của Việt Nam giành đai vô địch thế giới WBO?
- Khi được giơ đai chiến thắng, tôi còn nghĩ đây là một giấc mơ, tôi không thể tin được niềm hạnh phúc trước mắt mình. Tôi đem theo lòng nhiệt huyết và trái tim Việt Nam trong từng hiệp đấu và thật may mắn khi đã giành được kết quả mình mong đợi. Với tôi, chức vô địch này vô cùng ý nghĩa.
Trước đối thủ Nhật Bản Etsuko Tada dày dặn kinh nghiệm và đang giữ đai đương kim vô địch, Thu Nhi có nhiều lo lắng khi nhập cuộc?
- Tôi nhập cuộc với một tinh thần rất thoải mái và lạc quan, bởi nếu gặp tâm lý, mình sẽ không thể chơi tốt được. Trong suốt quá trình diễn ra trận đấu, tôi rất tập trung và hưng phấn, không nôn nóng tấn công. Tada là đối thủ khó khăn nhất mà tôi từng đánh, nhưng trong tương lai, có thể sẽ có rất nhiều đối thủ khác mà tôi phải gặp nhằm bảo vệ đai.
Trên trang cá nhân, Thu Nhi dành lời cảm ơn tới ông bầu Kim Sang Bum và HLV Bobur Najmiddinov. Hai người này đã tác động như thế nào tới chiến tích của bạn?
- Ông bầu Kim Sang Bum là người chăm lo cho tôi tất cả mọi thứ cũng như tổ chức giải đấu để giúp tôi nâng cao thành tích. Trước trận đấu, ông luôn tìm cách trấn an tôi, còn bản thân thì liên tục cầu nguyện để tôi giành chiến thắng.
HLV Bobur Najmiddinov là người giúp tôi hình thành lối đánh như hiện tại. Trước khi tham gia giải đấu này, tôi có 2 tháng tập luyện tại đất nước Uzbekistan nhằm trau dồi kinh nghiệm. Khi đó, cùng với ông bầu Kim Sang Bum, HLV Bobur lo cho tôi từng món ăn, vật dụng nhỏ. Tôi gặp khó khăn khi đem thiếu đồ lót nữ, HLV cùng với ông bầu cũng đi mua cho tôi từng chiếc một.
Trước khi tôi bước vào trận đánh, tôi cảm giác như họ còn lo lắng hơn tôi, trái tim của họ như muốn rơi ra ngoài. Khoảnh khắc tôi giành thắng lợi, tôi "hết hồn" khi HLV Bobur cúi đầu xuống để công kênh tôi lên vai. Ở đất nước Uzbekistan của ông, điều này vô cùng cấm kỵ. Tuy nhiên, có lẽ ông đã quên tất cả vì niềm vui chiến thắng.
Ông bầu và HLV của tôi đều rất có tâm, họ tác động rất nhiều tới tâm lý thi đấu của tôi. Tôi luôn nghĩ trong đầu: "Họ đã bỏ công rất nhiều, tôi phải làm tốt để những nỗ lực đó trở nên hoàn hảo".
|
HLV Bobur Najmiddinov công kênh Thu Nhi trong khoảnh khắc giành đai. *(Ảnh: WBO) |
Không thể chỉ dùng sức để giành chiến thắng
Cơ duyên nào đã khiến Thu Nhi gặp gỡ ông bầu Kim Sang Bum?
- Năm 2015, khi ông Kim Sang Bum tổ chức giải bán chuyên nghiệp đầu tiên tại Việt Nam, ông có mời tôi tham gia thi đấu một trận nhỏ. Tiếp đó, vào năm 2018, tôi đánh giải Victory 8. Sau trận đấu này, ông bầu liên hệ với tôi và mời tôi qua lò boxing Cocky Buffalo. Tôi liền nhận lời với mong muốn cải thiện thành tích, tạo được dấu ấn cho sự nghiệp thể thao của mình.
Việc giao tiếp với ông bầu và HLV nước ngoài có khiến Thu Nhi gặp nhiều khó khăn?
- Tôi không biết tiếng Anh nhiều, thời gian đầu tôi vừa nói vừa dùng động tác tay, cũng may các ông đều hiểu (cười). Một thời gian sau, tôi tiến bộ hơn và có thể ghép các từ lại, đương nhiên không đúng ngữ pháp, nhưng đủ để giao tiếp thông thường.
Việc có một huấn luyện viên nước ngoài hướng dẫn khiến lối chơi của Thu Nhi thay đổi thế nào so với thời gian thi đấu nghiệp dư?
- Lúc mới tham gia vào Cocky, tôi cũng bỡ ngỡ trước lối đánh mà các HLV chỉ dẫn. Tuy vậy, sau mấy tháng, tôi liền nhận ra lối đánh này vô cùng tinh tế. Đây là cách đấu sử dụng đầu óc chứ không phải bản năng, không lấy sức ra đè người. Sang thi đấu chuyên nghiệp, mình không thể lấy sức để giành chiến thắng bởi người ta phải khỏe như mình hoặc hơn mình mới lên sàn đấu. Kể cả trong trận đấu hôm qua, HLV Bobur cũng đưa ra những chiến thuật rất thông minh, giúp tôi phản đòn hợp lý chứ không tấn công ào ạt.
"Tôi tập mười mấy năm vẫn chưa hiểu hết về boxing"
Trải qua một thời thơ ấu nhiều vất vả, đến khi nào Thu Nhi quyết định gắn bó với boxing?
Cuối năm lớp 7, tôi bắt đầu tập võ cổ truyền để được cộng thêm điểm trong kỳ thi trung học. Thầy giáo ở quận liền nhận ra tôi có năng khiếu nên chuyển tôi qua lớp boxing. Lúc đầu, tôi chỉ đi tập chung với bạn bè cho vui. Nhưng sau khi vào lớp boxing, tôi bắt đầu có những người bạn mới, những anh chị tiền bối và nhận ra bộ môn này rất thú vị. "Chỉ có vỏn vẹn 6 đòn đánh, tại sao có nhiều người tại luyện tập say mê tới 20 năm?", câu hỏi này khiến tôi rất tò mò. Cũng bởi vậy tôi quyết tìm ra đáp án và theo đuổi tới bây giờ.
Vậy hiện tại, Thu Nhi đã tìm ra câu trả lời cho thắc mắc khi đó?
- Boxing là bộ môn rất giàu tư duy và sáng tạo. Dù chỉ có 6 đòn đánh đó nhưng mỗi võ sĩ có thể biến hóa theo những combo khác nhau. Bạn có thể bị knock-out trong vòng 1,2s, cũng chỉ cần sơ hở một chút là có thể thua ngược dù đang dẫn điểm. Tôi tập tới mười mấy năm vẫn chưa tìm hiểu hết được nó nên tới giờ vẫn luôn hứng thú.
Là một cô gái, Thu Nhi có gặp nhiều khó khăn khi chơi boxing?. Bộ môn này có khiến bạn gặp nhiều đau đớn, chấn thương trong suốt quá trình luyện tập?
Nghe có vẻ khó tin nhưng trong mười mấy năm nay, tôi chưa lần nào chấn thương nặng. Chỉ đôi khi tôi bị trầy xước tay chân nhẹ, đau nhức cơ thể. Hoặc có những thời điểm, như bất kỳ cô gái nào khác, tôi cũng bị mỏi mệt, đau người nhưng vẫn phải vượt qua để tập luyện và duy trì phong độ.
Trong trận ngày hôm qua, tôi bị va chạm phần mặt và đầu. Tuy vậy, điều này cũng bình thường thôi. Những trận đấu mà gương mặt tôi lành lặn lại là những trận không quan trọng.
Có bao giờ Thu Nhi thấy xót xa khi kết thúc trận đấu và nhìn lại gương mặt mình trong gương?
- Có lẽ tôi là người cá tính mạnh. Tôi không cố tình xóa sẹo mà hay để lại những chiến tích đó để trông... ngầu hơn. Khi mọi người hỏi về chúng, tôi thường nói: "Đây chính là danh dự của tôi đấy, nhờ vết sẹo này tôi có những thứ như thế này…"
|
Thu Nhi và võ sĩ người Nhật. (Ảnh: WBO) |
"Tôi mong sớm có nhà tài trợ"
Gia đình có ủng hộ Thu Nhi theo nghiệp boxing không, khi đây là một môn thi đấu đối kháng rất dễ gây chấn thương cho cơ thể, dù nặng hay nhẹ?
- Từ nhỏ, tôi không ở với gia đình. Tôi muốn làm gì đều tự bản thân mình quyết định. Khi tôi tập boxing, những người hàng xóm cũng nói với gia đình tôi rằng sao lại để con gái đi tập võ, cắt tóc ngắn như con trai vậy. Tôi cũng không quan tâm họ nói gì, bởi tôi tin vào con đường mình lựa chọn.
Sau khi đoạt chức vô địch, người đầu tiên tôi gọi về là mẹ. Thấy tôi bị đau ở mặt và đầu, mẹ nói: "Mày đánh nốt trận này thôi rồi mày về đi, mẹ không cần những đồng tiền bằng máu này nữa". Tôi nghe liền bảo mẹ mình bận rồi tắt máy. Thật ra, tôi biết mẹ thương tôi, tôi sợ mình sẽ khóc theo mẹ.
Tôi cũng ít bạn bè ở ngoài, đa số chỉ chơi trong giới với nhau. Tôi cũng không thấy buồn bã vì công việc chính là niềm vui của mình rồi.
Boxing chuyên nghiệp chưa được biết tới rộng rãi tại Việt Nam. Liệu điều này có ảnh hưởng tới thu nhập của Thu Nhi thời điểm hiện tại?
- Tôi hi vọng rằng sau chiếc đai thế giới của tôi, boxing chuyên nghiệp tại Việt Nam sẽ được biết tới nhiều hơn. Bởi trước đó, ở nước ta, hiện tại mới chỉ có boxing nghiệp dư phát triển. Thời gian sắp tới, tôi cũng hi vọng mình sẽ có thêm nhà tài trợ. Thật ra, tôi đánh giải này tiền đấu cũng không có nhiều. Hiện tại, thu nhập của tôi cũng chỉ vừa đủ cho tôi chi tiêu và biếu mẹ.
Một lời nhắn nhủ mà Thu Nhi muốn dành tới mọi người sau chiến thắng?
- Thông qua báo Dân Việt, tôi muốn dành lời cám ơn chân thành tới những khán giả đã cổ vũ cho tôi. Tôi cũng muốn nhắn gửi tới các nhà tài trợ là: "Mọi người ơi, tôi đang ở đây nè" (cười). Mong mọi người hãy sát cánh cùng tôi để boxing Việt Nam phát triển hơn.
Cảm ơn những chia sẻ của Thu Nhi!
Theo Yên Fong/Dân Việt