Thời hoàng kim những năm 90 đã qua, cùng với sự ra đời của smartphone và tablet khiến máy tính chỉ còn là ký ức. Tuy nhiên, năm 2020 thực sự là điểm nhấn quan trọng của ngành công nghiệp này trong 10 năm trở lại đây.
Thị trường sôi động
IDC từng dự đoán doanh thu năm 2020 của máy tính cá nhân và các thiết bị tương tự sẽ tăng so với 2019 do lệnh phong tỏa khiến nhiều người phải mua máy tính mới, phục vụ mục đích làm việc và giải trí tại nhà.
Và đúng như dự đoán, trang CNBC báo cáo các nhà sản xuất máy tính đã bán ra khoảng 79,2 triệu sản phẩm trong quý 3/2020, đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong một thập kỷ qua là 12,7%.
Hoặc theo Gartner, thị trường máy tính châu Á Thái Bình Dương có mức tăng trưởng trung bình từng năm chỉ 3,3% cũng đã nhảy vọt gấp 5 lần ở mức 16,5% trong năm 2020.
Cũng theo công ty nghiên cứu này, tỷ lệ tăng trưởng của các hãng máy tính đứng đầu trong năm 2020 là rất ấn tượng như Acer (29,5%), Asus (12,9%), Lenovo (8,3%), Apple (7,3%) và HP (0,7%).
Không thể phủ nhận lý do của xu hướng tăng trưởng nói trên một phần là vì đại dịch Covid-19, đã khiến nhiều người phải ở nhà và dành nhiều thời gian ngồi trước màn hình máy tính.
Nhưng vẫn phải đồng ý rằng, ngành công nghiệp máy tính đã có sự thay đổi để thích ứng với thời đại. Chẳng hạn như việc Google đẩy mạnh chiến lược bán Chromebook như một giải pháp cho việc học từ xa.
Mảng máy tính hấp dẫn trở lại
Google đã làm ra Chromebook từ năm 2011. Những máy tính giá rẻ, đơn giản, bền bỉ, có tính năng kiểm soát cho phụ huynh, phù hợp cho trẻ em học tập tại nhà trong thời gian đại dịch.
Thế nhưng, đây từng là ý tưởng công nghệ ít được quan tâm nhất trong thập kỷ vừa qua, mãi cho đến năm 2020 khi đại dịch bùng phát.
|
Bảng tăng trưởng của một số nhà sản xuất máy tính. Ảnh: Gartner |
Gartner cho biết sản lượng bán ra của Chromebook đã tăng 90% trong quý 3/2020 so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu bao gồm cả Chromebook, tổng thị trường PC toàn cầu tăng trưởng 9%, trong đó Chromebook chiếm 11%.
Tận dụng cơ hội này, Goolge đẩy mạnh hơn nữa việc bán hàng vào các trường học, mang Chromebook đến gần với giáo viên, phụ huynh và học sinh hơn bao giờ hết.
Mặc dù, máy tính sẽ khó quay lại được thời đỉnh cao của mình, tính hấp dẫn bền bỉ của chúng là điều không thể chối cãi.
Năm 2020 đã đưa ra một khẳng định - công nghệ cũ không nhất thiết phải chết, chúng có thể thay đổi để thích nghi.
Sự kiện CES 2020 diễn ra vào tháng 1/2020 đã trình làng nhiều công nghệ mới của laptop và cả PC, cho thấy sự nỗ lực của các nhà sản xuất máy tính nhằm đáp ứng nhu cầu làm việc, giải trí tại nhà.
Máy tính màn hình kép là một ví dụ. Các hãng máy tính như Dell, Lenovo, Intel và Microsoft thi nhau giới thiệu những thiết kế mới nhất của mình đến người dùng: Surface Neo, Surface Duo, Dell Concept Ori, Dell Duet hay Lenovo ThinkPad X1 Fold.
Những thiết bị màn hình đôi này tuy khác nhau về công nghệ nhưng cùng chung một mục đích, đó là tạo thêm nhiều không gian làm việc cho người dùng. Đây là giải pháp tuyệt vời cho những ai hay sử dụng nhiều ứng dụng và thanh công cụ cùng một lúc.
Ngoài ra, máy tính để bàn cũng không kém cạnh khi liên tục thay đổi về cả tính năng và công nghệ, đặc biệt nhắm vào giới game thủ.
Các dòng PC như Dell XPS Tower, Microsoft Surface Studio 2, Alienware Aurora Ryzen Edition R10, Dell G5 Gaming Desktop, Apple Mac mini, Intel Ghost Canyon NUC, HP Omen Desktop PC, Lenovo Yoga A940, iMac Pro….với cấu hình mạnh mẽ, bộ nhớ lớn, card đồ hoạ tiên tiến và giá hợp lý, hoàn toàn thoả mãn được cả những người dùng khó tính nhất.
|
5 PC tốt nhất năm 2020 (từ trên xuống dưới): Dell XPS Tower, Microsoft Surface Studio 2, Alienware Aurora Ryzen Edition R10, Dell G5 Gaming Desktop, InteL Ghost Canyon NUC. Ảnh: Surfacepro |
Một số cột mốc đáng nhớ của ngành máy tính trong năm 2020:
- Tháng 1: Microsoft khai tử Windows 7, khuyến cáo người dùng nâng cấp lên Windows 10. Đồng thời, phát hành bản cập nhật bảo mật cho Windows 8 và Windows 10, khắc phục lỗ hổng bảo mật.
Lenovo giới thiệu Yoga 5G, một máy tính xách tay hỗ trợ 5G tại CES. Ngày 8/1, AMD ra mắt CPU Ryzen Threadripper 3990X, có 64 lõi hoặc 128 lõi logic, có bật siêu phân luồng.
- Tháng 2: AMD tiếp tục phát hành Ryzen Threadripper 3990X, CPU 64 lõi đầu tiên cho thị trường tiêu dùng dựa trên vi kiến trúc Zen 2.
- Tháng 3: Dự án Folding at home trở thành hệ thống đầu tiên trên thế giới đạt một exaFLOPS và đạt tốc độ xấp xỉ 2,43 x86 exaFLOPS vào ngày 13/4, nhanh hơn nhiều lần so với siêu máy tính nhanh nhất Summit.
- Tháng 6: Thị phần của hệ điều hành GNU / Linux lần đầu tiên vượt mốc 3%, đạt 3,57%..
- Tháng 8: Elon Musk tiết lộ nguyên mẫu của chip não bộ Neuralink, được thử nghiệm cấy vào lợn. Con chip được mong đợi có thể cấy vào não người, có khả năng đọc và ghi nhớ hoạt động trí não.
Máy tính mang đến hi vọng cho con người
Không chỉ là cải tiến về sản phẩm, ngành công nghiệp máy tính cũng tỏ rõ vai trò của mình trong cuộc chiến chống lại virus.
Chương trình Folding at Home là một ví dụ. Chương trình được đại học Stanford giới thiệu, kêu gọi sự tham gia của người dùng máy tính thông qua giải mã cấu trúc protein, cơ sở để phát triển vaccine.
Để thực hiện việc này, người dùng chỉ cần cài một chương trình từ trang web của đơn vị tổ chức, và bật nó lên. Chương trình sẽ tự động tối ưu tài nguyên của máy tính để vừa giải mã, vừa có thể hoạt động bình thường.
Máy tính càng mạnh, việc phân tích giải mã sẽ càng hiệu quả hơn. Đây cũng chính là động lực để Microsoft phát triển card đồ họa dòng Ampere, mở ra một kỷ nguyên đồ hoạ mới.
|
Trẻ em học từ xa bằng Chromebook. Ảnh: PC World |
Ngoài ra, thị trường còn là sự phát triển của các loại thiết bị điện tử khác như máy tính bảng, laptop, laptop siêu mỏng, điện thoại thông minh, đồng hồ thông minh, với các tính năng như kiểm soát rửa tay, nhận diện người nhiễm bệnh...
Không phải tất cả thiết bị và công nghệ kể trên đều trở thành cơn sốt nhưng qua đó, ta thấy được ngành kỹ thuật số đang thay đổi, phát triển mạnh mẽ, và hơn nữa là tham gia tích cực vào các vấn đề của xã hội.
Theo Sang Trần/Zing