(Bài viết dự thi cuộc thi "Cảm tưởng về cà phê - trà Việt" thuộc chương trình "Tôn vinh cà phê - trà Việt" lần 2, năm 2024 do Báo Người Lao Động tổ chức).
Tôi làm việc gần con phố Nguyễn Đình Thi, sát cạnh hồ Tây, nơi tập trung nhiều hàng quán kinh doanh, đặc biệt là các quán cà phê dành cho tất cả mọi người. Trước mặt là "view" hồ Tây nên không khó hiểu con phố này lúc nào cũng đông đúc, nhộn nhịp những vị khách yêu thích nhâm nhi tách cà phê cùng bạn bè, đồng nghiệp hay đối tác…
Với tôi, sau mỗi giờ làm, tôi thường ghé quán cà phê – sách thân thuộc có tên cũng thật giản dị: An.
Không gian cà phê – sách đem đến cảm hứng bất tận.
Có lẽ nhiều người biết đến quán này bởi không gian trang nhã, giản dị, phong cách kiểu Bắc Bộ. Nhưng bên cạnh các lọ gốm đất Bát Tràng, quán cà phê còn như một "Tàng Kinh Các" với đủ mọi đầu sách khác nhau.
Điều tôi thích ở quán cà phê – sách này chính là những tác phẩm văn học cổ điển của châu Âu. Dù giờ đây không theo nghiệp văn nhưng tôi vẫn yêu thích đọc các tác phẩm văn học từ kinh điển đến hiện đại của châu Âu.
Thiết kế giản dị của cà phê – sách.
Trong không gian bình yên, thoáng đãng của An, sau khi gọi tách cà phê nâu truyền thống, tôi bước cầu thang lên tầng 2, tìm một đầu sách văn học mình yêu thích. Vừa chọn sách xong thì nhân viên cũng kịp lúc mang cà phê tới.
Tôi có thói quen hay ngồi uống cà phê ngoài ban công để đọc sách, cũng thỉnh thoảng ngắm hồ, ngắm đường phố nhộn nhịp. Đọc tới đoạn mình yêu thích, rồi tay đưa tách cà phê thơm nồng nhấp một ngụm như càng làm cho sự khoái trá thêm dài lâu.
An mang đến cho tôi cảm giác thật bình yên bên tách cà phê cùng cuốn sách mình yêu thích. Không gian sách và cà phê luôn là cái gì đó hoà quyện như một cặp trời sinh, hấp dẫn đến mãnh liệt…
Theo VƯƠNG LỘC/Người lao động