HIV, căn bệnh thế kỉ chưa có thuốc chữa không chừa lấy bất kì ai. Với người đồng tính mà nói, lây lan HIV hiện đang là một nỗi lo sợ vì tình trạng quan hệ khá bừa bãi, không chú ý đến biện pháp an toàn ở một số bạn trẻ. Sự chủ quan, thiếu hiểu biết trong tình cảm, quan hệ đã dẫn đến nhiều bi kịch, để những chàng trai hay cô gái tuổi đời còn trẻ cảm thấy mờ mịt với tương lai phía trước.
|
Nhiều người đồng tính đang quá chủ quan trong việc bảo vệ bản thân khi quan hệ. |
Mới đây, tâm sự được chia sẻ trên trang Gay Confession của một chàng trai đồng tính mắc căn bệnh HIV đã nhận được sự chú ý của nhiều người.
“Mình năm nay mới 22 tuổi. Cái tuổi khi mà cánh cửa cuộc đời vừa mới chỉ vừa hé ra đã chực khép lại…
Mối tình đầu của mình là khi vừa tròn 18. Mối tình tuổi mới lớn cũng giống như một ngọn lửa: cuồng nhiệt, mạnh mẽ, nó đã giúp mình có thể làm được vô vàn những điều tưởng chừng như không tưởng. Nhưng không ngọn lửa nào có thể cháy mãi. Chúng mình đã “đường ai nấy đi” sau 1 năm. Chính xác là 1 năm 1 tháng. May mắn là sau đó hai đứa vẫn có thể nói chuyện, thỉnh thoảng gặp nhau, nhớ ra ngày sinh nhật của nhau để có thể nhắn vài câu chúc mừng, dù không còn được thân thiết như trước kia.”
2 năm tiếp theo, chàng trai trẻ quen biết 2 người đàn ông nữa nhưng rồi anh nhận ra họ chỉ ham muốn mình về thể xác, tình dục chứ không phải yêu đương chân thật. Anh chàng sống trong vô cảm một thời gian dài cho đến lúc gặp được người đàn ông định mệnh của cuộc đời mình.
“Em kém hơn mình 2 tuổi, em rất ngoan và tốt. Em kể, trước khi gặp mình em cứng đầu lắm, nhưng chẳng hiểu sao có anh ở bên em dường như trở thành một con người hoàn toàn khác. Em học ở xa nhà, chỉ thỉnh thoảng mới về nên ngày nào hai đứa cũng Facetime, nhắn tin các kiểu cho đỡ nhớ. Những lúc được về nhà lại tranh thủ chút thời gian ngắn ngủi ở cạnh nhau. Dù có đôi lần hiểu nhầm, có to tiếng nhưng rồi cả hai vẫn rất tin tưởng và lại nhanh chóng làm hòa với nhau.
Ngày kỷ niệm tròn 5 tháng yêu nhau, em đã khiến mình trở thành “một người đàn ông thực thụ”. Từ ngày ấy có gì đó khiến cho mình cảm thấy mình càng phải có trách nhiệm nhiều hơn, quan tâm, yêu thương em nhiều hơn vậy. Có những lúc, mình đã nghĩ rằng sẽ chẳng điều gì có thể chia cắt tình cảm của hai đứa.”
Ấy thế mà hạnh phúc ngắn chẳng tày gang:
“Nhưng rồi cái ngày đen tối nhất trong cuộc đời mình đã ập đến và đảo lộn mọi thứ. Mình bị ốm đến độ không đi lại được buộc phải nhập viện và kiểm tra tổng quát. Và trong tờ kết quả xét nghiệm máu của mình, bác sỹ ở đó đã nói rằng cháu nên đi đến BV Nhiệt đới Trung ương để làm xét nghiệm khẳng định lại, bởi có một vài yếu tố trong kết quả nghi ngờ cháu đã nhiễm HIV.
Hôm đấy trời khá âm u. Mình ra về mà như thể cả cái tiền đồ trước mặt đang tối sầm lại. Mình về nhà lùa cho qua nửa bát cơm rồi lên phòng nằm. Khi mẹ về, mẹ cầm tờ kết quả trên tay rồi vào phòng, câu đầu tiên mẹ hỏi mình:
- Có phải con “bị” đồng tính không? (xin lỗi những bạn nào dị ứng với chữ “bị” này nhé, nhưng đó là nguyên văn lời mẹ hỏi mình)
Mẹ phải nhắc lại câu đó tới hơn chục lần, trên tay là tờ kết quả; còn mình chỉ biết nằm im nhìn mẹ không nói câu gì. Không biết phải chăng lúc đó dường như cái can đảm, cái sự “đàn ông” nhất trong con người đã khiến mình có đủ dũng khí ngồi dậy ôm lấy mẹ rồi nói: “Mẹ ơi, mẹ thương con…”
Cả hai mẹ con lúc đó mắt ướt nhòe. Tay mình vẫn giữ chặt cánh tay của mẹ. Vừa khóc mẹ vừa nói: “Mẹ tuy học không nhiều nhưng đâu phải mẹ không đọc, không biết đâu. Bây giờ chuyện đó (đồng tính) đã rất bình thường. Mẹ nuôi con lớn tới chừng này mà lại không hiểu, không biết con thế nào hay sao. Mà giờ con lại mang bệnh mang tật trong người…”
Mẹ còn hỏi mình một vài câu nữa nhưng dường như lúc ấy nước mắt chúng đang chảy ngược trong đầu, cứ nhòa dần, nhòa dần… Mình chỉ nhớ lời mẹ dặn chuyện này không được nói với bố hay tiết lộ với họ hàng, làng xóm; chỉ hai mẹ con được biết với nhau thôi.
Vậy là mình đã chính thức “come out” với mẹ trong cái tình cảnh như thế. Thương mẹ lắm, nhưng giữa cái lúc gần như mọi thứ đã hoàn toàn sụp đổ vậy, mình lại cảm thấy một chút hạnh phúc, một chút nhẹ lòng. Đó là bởi mẹ đã chấp nhận con người thực sự của mình.”
Sau đó, chàng trai quyết định đưa người yêu đi xét nghiệm và may mắn kết quả là âm tính (3 tháng sau đi xét nghiệm lại vẫn nhận được kết quả âm tính). Vì không muốn ảnh hưởng đến người yêu, chàng trai đã quyết định nói lời chia tay để bước vào quá trình chữa bệnh và đó cũng là lúc những đau khổ, dày vò của căn bệnh HIV mang lại.
“Ngay hai ngày sau, mình bắt đầu đến nhận thuốc ARV tại Trung tâm y tế của Quận. Trong vòng hai tháng đầu tiên mình chưa quen thuốc nên bị tác dụng phụ, dị ứng nổi khắp người. Đi trên đường còn không vững, đầu óc lúc nào cũng như quay cuồng cả ngày lẫn đêm. Lên giảng đường giữa cái tiết trời ngột ngạt vẫn cứ kín mít áo dài tay để che đi những vết nổi mẩn bởi dị ứng. Mọi đồ dùng sinh hoạt cá nhân như bàn chải đánh răng, dao cạo râu được mình cất sâu trong cặp, trên người lúc nào cũng “thủ” sẵn một vài tấm băng urgo để phòng những khi chẳng may xây xước hay vô tình chảy máu. Ban ngày đi học, đi làm vẫn luôn cố tỏ ra vui vẻ, tươi cười. Khi màn đêm dần xuống chỉ còn lại một mình thì trùm kín chăn, chiếc gối thì lúc nào cũng đẫm nước.
Sinh nhật lần thứ 22 của mình cũng trùng vào ngày đến lấy thuốc lần thứ 2. Nhưng lần này mình gặp phải một ông bác sỹ khác, không tâm lý giống như lần đầu. Ông ta nhìn bệnh án, rồi dè bỉu mình, đại loại ông ta cho rằng đồng tính là một căn bệnh, rồi không hiểu tại sao mấy đứa như bọn mày lại thích trai… Trên đường về cho tới chỗ làm thêm, những câu nói đó cứ quanh quẩn, ám ảnh trong đầu óc mình.
Về tới nhà cũng đã tối muộn, mẹ thấy mình về liền vội vội vàng vàng cất dọn hàng (đợt đó ngoài giờ hành chính nhà mình có nhận gia công ít đồ, có hôm nửa đêm mới xong việc) để chạy ra ngoài mua chai nước ngọt và ăn gà rán mừng sinh nhật con trai. Trên đoạn đường chỉ vài chục mét mà mẹ bị tụt huyết áp, có lẽ do mải làm và lo nghĩ quá nhiều, chai nước ngọt trên tay mẹ bị rung lắc. Mẹ hối thúc mình mở nhanh chai nước ngọt để mẹ uống một ngụm để tăng lại lượng đường trong người. Khi mình vừa mở nắp ra, do cái chai bị rung lắc đến độ trào bọt tung tóe, ướt lên khắp mặt và quần áo mình, lên cả chồng hàng dở dang. Chẳng hiểu sao lúc ấy mọi cảm xúc bị dồn nén bấy lâu cũng thừa dịp bùng lên, mình chỉ tay một cách giận dữ vào đống hàng đang làm dang dở: “Bỏ hết, bỏ hết đi!” rồi như một đứa trẻ mếu máo chạy thẳng vào nhà vệ sinh. Nhìn hình ảnh của bản thân trong tấm gương, lau nước mắt, nước mũi, quệt thật nhanh những giọt nước ngọt còn dính trên áo quần, mình đi ra ngoài rồi ngồi xuống mâm cơm, hình như mắt vẫn đỏ hoe, giọng hơi run run nhưng vẫn mỉm cười: “Đùi gà ngon quá, mẹ nhỉ?”…”
Cuối confession, chàng trai nhắn nhủ đến những người có hoàn cảnh giống mình không nên quá bi quan về cuộc đời. Anh khuyên mọi người hãy luôn sử dụng bao cao su khi quan hệ để bảo vệ an toàn cho bản thân và những người yêu thương xung quanh mình đồng thời mong xã hội, cộng đồng có cái nhìn thiện cảm hơn với những người có HIV.
Confession trên sau khi đăng tải đã lấy khi nước mắt của rất nhiều người. Bạn Đức Nhân bình luận: “Đang làm, chui vào kho ngồi đọc. Nước mắt chảy không ngừng. Thấy bản thân mình trong ấy, thấy cả người mẹ bao la bất chấp tất cả để yêu thương của mình trong ấy. Đồng cảm với anh! Hãy cố mạnh mẽ anh nhé!”
Đồng thời có rất nhiều bạn trẻ gửi lời động viên đến chàng trai không may trên. “Cuộc sống không quan trọng bạn sống được bao lâu. Nó chỉ quan trọng bạn sống như thế nào và ra làm sao, tất cả là ở bạn. Không ai có thể buộc bạn sống như vậy như kia nếu bạn không muốn. Dù là bệnh thế kỷ nhưng giờ cũng có người được chữa khỏi và vài năm nữa sẽ rất rất nhiều người thoát khỏi nó, trong đó có bạn. Mong rằng bạn sống lạc quan yêu đời như đúng cái tuổi của mình, cái tuổi yêu thương, tuổi đang hoài bảo. Và cũng chúc bạn tìm được người có thể yêu thương và chấp nhận bạn tất cả. Cố lên bạn nhé”, đó là lời nhắn nhủ của bạn Già Minh.
Câu chuyện của confession này cũng chính là nỗi lòng của rất nhiều người đồng tính hiện nay đang mắc phải. Sự kì thị của của xã hội đối với người đồng tính vốn chưa hết, sự kì thị với người bị HIV càng gay gắt hơn. Vì vậy những ai ở trong hoàn cảnh này sẽ cảm thấy bi quan, bất lực, muốn buông xuôi tất cả. Tuy nhiên điều quan trọng nhất trong mỗi sự việc vẫn là thái độ của bạn đối với chuyện đã xảy ra. Hãy nhớ rằng, an toàn của bản thân là do bạn tự bảo vệ lấy. Trong các mối quan hệ đừng quá chủ quan để rồi hối hận. Khi bạn cô đơn và bế tắc nhất, bạn sẽ nhận ra rằng gia đình luôn là điểm tựa vững chắc nhất, bố mẹ vẫn là người quan tâm và lo lắng cho bạn hơn tất cả.
Theo Nhật Lệ/Saostar