Trong suốt 5 thập kỷ qua, chưa ai nhìn thấy Hello Kitty hờn dỗi hay mỉm cười. Không có ngoại lệ nào trong sinh nhật lần thứ 50 (ngày 1/11) của cô mèo mang tính biểu tượng này.
Theo El País, suy cho cùng, chính việc không có miệng đã làm nên thành công cho Hello Kitty. Sanrio, công ty Nhật Bản sở hữu thương hiệu này, cho biết không miệng, không biểu cảm đồng nghĩa với việc mọi người có thể diễn giải cảm xúc của cô mèo này theo bất kỳ cách nào họ muốn. Tuy nhiên, những tranh cãi liên quan đến nữ quyền cũng xuất phát từ chính chi tiết này.
"Dễ thương" và "thành công"
Hello Kitty do họa sĩ truyện tranh Nhật Bản Yuko Shimizu tạo ra vào năm 1974.
Kể từ đó, Sanrio đã kiếm được khoảng 7,9 tỷ USD hàng năm từ nhân vật này. Con mèo với chiếc nơ lớn đặc trưng xuất hiện trên mọi thứ, từ áo phông và đồng hồ, đến máy nướng bánh mì, máy bay cá nhân. Rất nhiều người nổi tiếng muốn thể hiện tình yêu của họ dành cho Hello Kitty như Lady Gaga, Dua Lipa và Steven Tyler.
Tại lễ kỷ niệm sinh nhật Hello Kitty, Silvia Figini, Giám đốc điều hành của công ty Sanrio, nhắc đi nhắc lại hai từ "dễ thương" và "thành công".
|
Hello Kitty đã phát triển thành "biểu tượng dễ thương" trong suốt 50 năm qua. |
Figini ca ngợi khả năng của Hello Kitty trong việc “duy trì ổn định” trên thị trường, khẳng định rằng nhận thức về thương hiệu đã tăng 90% trong một năm và đã có “sự tăng trưởng theo cấp số nhân” trong 4 năm.
Bà cũng nói với khán giả rằng sự nổi tiếng của Hello Kitty cũng ngày càng tăng đối với người lớn và nam giới. Những người tham dự buổi lễ hầu hết vẫn là phụ nữ trẻ, nhưng rải rác trong đó có một số người đàn ông tóc bạc.
Một khảo sát ước tính rằng nhân vật này hiện xuất hiện trên khoảng 50.000 sản phẩm. Tuy nhiên, không thể tính toán được lượng khán giả chính xác. Giống như nhiều nhân vật hư cấu khác, Hello Kitty được gắn cho các phẩm chất "tôn trọng, đồng cảm, kết nối và tử tế".
Những tranh cãi
Trong suốt bài phát biểu của mình, Figini không nhắc đến "mèo". Sanrio thậm chí từng chỉ trích nhà nhân chủng học Christine Yano từ Đại học Hawaii vì sử dụng từ này cho Hello Kitty.
Công ty giải thích rằng Kitty là "một cô gái sống ở ngoại ô London, cùng bố mẹ, chị gái song sinh, Mimmy và mơ ước trở thành nhà thơ". Lập luận chính cho việc không coi Hello Kitty là một con mèo là vì "cô ấy đi, ngồi giống như một sinh vật hai chân".
Điều này cũng tương tự như lập luận chuột Mickey không phải là chuột vì mặc quần và nuôi một con chó cưng, Winnie the Pooh cũng không thể là một con gấu vì nó nói tiếng Anh rất trôi chảy.
Tuy nhiên, cuộc tranh luận lớn nhất về Hello Kitty không phải chuyện là mèo hay không, mà ở vấn đề trao quyền.
10 năm trước, tạp chí Time đã nêu vấn đề trong bài viết có tiêu đề "Return to the sexist past or icon of empowerment?" (tạm dịch: Quay trở lại quá khứ phân biệt giới tính hay biểu tượng của sự trao quyền?). Đối với một số người, Hello Kitty đã cải thiện cuộc sống của hàng triệu cô gái. Để thay thế cho sự thống trị của Barbie ở Mỹ, Hello Kitty đã khiến các cô gái trẻ châu Á cảm thấy được hòa nhập hơn. Nhân vật này đã truyền bá văn hóa "kawaii" (dễ thương) của Nhật Bản, tập trung vào lòng tốt và hạnh phúc. Nói tóm lại, Hello Kitty đã phổ biến quyền tự do muốn trở nên dễ thương và "nữ tính".
Tuy nhiên, theo những người phản đối, Hello Kitty chỉ là sản phẩm của một chế độ phụ hệ luôn muốn phụ nữ xinh đẹp và trầm lặng. Chủ nghĩa nữ quyền đã đấu tranh để tạo ra tiếng nói cho Hello Kitty.
Một bài xã luận trên The Japan Times năm 2004 thậm chí còn chỉ trích việc UNICEF sử dụng hình ảnh Hello Kitty trong chương trình quyên góp giáo dục cho trẻ em gái: "Ai đó nên giải thích tại sao một con mèo không miệng có thể trở thành người phát ngôn và làm thế nào một hình ảnh thể hiện sự phục tùng của phụ nữ lại có thể giúp phá bỏ định kiến về giới".
Giữa hai luồng tranh luận, quan điểm thứ 3 xuất hiện: Hello Kitty chỉ là thú vui, sở thích.
Còn đối với Figini, Hello Kitty là bậc thầy về kinh tế. "Chúng tôi là những người tiên phong trong việc bắt đầu hợp tác trong tất cả lĩnh vực". Thời gian gần đây, Hello Kitty đã có thêm hợp đồng với Primark, Bershka, Casio và gia hạn hợp tác với adidas.
Sau tiệc sinh nhật lần thứ 50, Hello Kitty tham gia các cuộc triển lãm ở châu Á và London, cũng như xuất hiện tại các tuần lễ thời trang Paris, Milan. Bất cứ nơi nào cần mình, Hello Kitty sẽ đến đó và không bao giờ mở miệng phàn nàn về lịch trình.
Theo Lê Vy/Znews