38 môn tranh tài tại SEA Games 32, Campuchia (thi đấu từ ngày 5 đến 17/5/2023) đã được xác định nhưng chắc chắn đoàn thể thao Việt Nam (VN) dẫn đầu Đông Nam Á tại SEA Games 31 sẽ không vui vì mất đi nhiều môn sở trường mang lại nhiều huy chương.
Dù phía Campuchia đưa vào môn võ Vovinam nhưng đấy là mỏ vàng hiếm hoi so với nhiều môn gặt hái HCV tại SEA Games 31 của thể thao VN đã bị loại khỏi SEA Games 32.
Hai môn mà thể thao VN thống trị ở khu vực nổi trội là vật và bắn súng sẽ không có cơ hội tranh tài ở Đại hội thể thao Đông Nam Á. Khá ngạc nhiên khi đây là hai môn tranh tài trong hệ thống thi đấu Olympic nhưng chủ nhà đã loại bỏ, cũng đồng nghĩa làm giảm đáng kể số HCV của thể thao VN.
Có ý kiến cho rằng Vovinam được đưa vào SEA Games 32 Campuchia mang tính quảng bá nhưng luật bất thành văn những môn cần quảng bá thì phải “chia huy chương” để có tính phổ cập chứ nói như những nhà điều hành thể thao thì môn của mình mà mình “ăn dày” thì ai chơi nữa.
Thể dục dụng cụ cũng là môn mạnh của thể thao VN tại các kỳ SEA Games mà gần nhất là SEA Games 31 ở Hà Nội cũng không có cơ hội thi đấu tại SEA Games 32, Campuchia.
Tuy nhiên, trong nhóm thể dục chủ nhà vẫn đưa vào thi đấu thể dục nghệ thuật và Aerobic. Hai môn mà Philippines cực mạnh với những VĐV nhập tịch từ Mỹ.
|
Thể dục dụng cụ, một trong những mỏ vàng của thể thao VN, không có cơ hội tranh tài khi chủ nhà Campuchia “loại” khỏi nội dung thi đấu. Ảnh: CTV |
38 môn mà Campuchia thông qua Hội đồng SEA Games 32 chốt lại gồm điền kinh, các môn dưới nước gồm bơi lội, bóng nước, nhảy cầu, bơi nghệ thuật, cầu lông, bóng chuyền, billiards, quyền Anh, thể hình, cờ, xe đạp, bóng chày, khiêu vũ thể thao, đấu kiếm, floorball, bóng đá nam và nữ, golf, thể dục nghệ thuật, aerobic, hockey, trượt ván, judo, karate, võ tổng hợp (MMA), chạy vượt chướng ngại, bi sắt, pencak silat, thuyền buồm, cầu mây, quần vợt, soft tennis, bóng bàn, thể thao điện tử, taekwondo, đua thuyền truyền thống, ba môn phối hợp, bóng chuyền, cử tạ, wushu, đô vật và teqball.
Trong 38 môn chính này có tổng cộng 608 nội dung tranh HCV. Đây cũng là số nội dung tranh tài kỷ lục dù ít môn thi đấu hơn. Chẳng hạn, so với SEA Games 30 tại Philippines năm 2019 thì số môn thi đấu ít hơn nhưng số nội dung tranh HCV thì lại nhiều hơn 608 so với 530 ở Philippines. Còn nếu so với SEA Games 31 Hà Nội năm 2022 thì VN cũng tổ chức nhiều môn hơn (40 môn) nhưng số nội dung tranh tài chỉ là 521 nội dung khác với Campuchia 38 môn nhưng có đến 608 nội dung tranh tài.
Trong số các môn thi đấu, chủ nhà Campuchia ban đầu rất quyết liệt với kế hoạch đưa môn võ truyền thống Bokator của người Khmer (môn võ được công nhận là di sản văn hóa thế giới) vào thi đấu SEA Games 32 nhưng bất thành. Được biết trước đây một số quốc gia như Singapore, Malaysia có lời phàn nàn về chủ nhà Campuchia đưa quá nhiều môn võ đối kháng vào thi đấu và đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến Campuchia “gọt giũa” lại. Ngay cả môn võ gậy của Philippines cũng không được đưa vào nội dung thi đấu SEA Games 32.
Do “bị tước” mất một số mỏ vàng đáng kể như vật, bắn súng, thể dục dụng cụ… nên SEA Games 32 này sẽ là thách thức rất lớn cho đoàn thể thao VN từ vô địch toàn đoàn ở SEA Games 31 đặt mục tiêu tốp Đông Nam Á.
Một tháng rưỡi sau khi SEA Games 32 kết thúc, ASEAN Para Games lần thứ 12 sẽ diễn ra từ ngày 3 đến 9/7/2023.
Bóng đá nam và nữ được chuẩn bị bốn sân thi đấu
Chủ nhàCampuchia đã chuẩn bị bốn sân thi đấu cho bóng đá nam và nữ SEA Games 32 gồm sân chính trong tổ hợp Morodok, sân “Hoàng tử” (sân nhà của CLB Visakha), sân CLB Quân đội Hoàng gia Campuchia và một sân cũ bỏ hoang nay được chủ nhà cải tạo lại.
Theo Tân Phước/Đời sống pháp luật