Làng hương Quảng Phú Cầu thuộc địa phận xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hoà, Hà Nội. Hàng trăm năm qua, nơi đây vẫn gắn liền với nghề làm hương truyền thống. Đó không chỉ là kế sinh nhai mà còn dần trở thành biểu tượng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Vốn trước kia, nghề làm tăm hương chỉ xuất hiện chủ yếu ở khu vực thôn Phú Lương Thượng. Lâu dần, nghề làm tăm hương đã lan rộng khắp thôn Đạo Tú, Cầu Bầu và sau cùng đến nay, xã Quảng Phú Cầu với diện tích lớn đã trở thành một trong những làng nghề làm tăm hương nổi bật nhất ở vùng ngoại ô Thủ đô Hà Nội.
Ngày nay, khi đến tham quan làng hương Quảng Phú Cầu, mọi người sẽ dễ dàng bắt gặp những nét đẹp in đậm dấu ấn của một vùng làng quê đồng bằng Bắc Bộ ngày trước nhưng đồng thời vẫn được chấm phá sự hiện đại.
Làng hương Quảng Phú Cầu thuộc địa phận xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hoà, Hà Nội. Hàng trăm năm qua, nơi đây vẫn gắn liền với nghề làm hương truyền thống.
Thống kê của UBND xã Quảng Phú Cầu, từ tháng 2/2023 đến nay, trung bình mỗi ngày, Quảng Phú Cầu đón hơn 100 lượt khách du lịch tới thăm quan. Vào những dịp nghỉ lễ, hay thời tiết dịu mát, lượng khách tăng lên tới 200 khách/ngày.
Ngay từ khu vực cổng làng, du khách đã có thể cảm nhận nhịp sống tất bật, hối hả của người dân nơi đây. Bằng chứng là hình ảnh những chiếc xe với đủ các chủng loại từ thô sơ đến hiện đại, lũ lượt nối đuôi nhau vận chuyển những bó hương đi khắp nơi buôn bán trên những con đường nhỏ quanh co uốn lượn dẫn vào làng.
Trong hành trình khám phá Làng hương Quảng Phú Cầu, du khách sẽ có cơ hội ngồi lại cùng người dân địa phương, nghe họ kể về những điều kiện tiên quyết để làm nên những bó hương hoàn chỉnh.
Nguyên liệu dùng để làm hương phải được lựa chọn cẩn thận bởi nghề này vốn mang nhiều yếu tố tâm linh, thế nên người dân không dám làm qua loa, sơ sài.
Phần vầu dùng để làm tăm hương phải đủ “tuổi”, trải qua quá trình sàng lọc kỹ càng mới được mang đi hoàn thiện. Ngày nay, người dân đã ứng dụng máy móc để hoàn thành các đơn hàng, dù lớn hay nhỏ, không như trước kia, các công đoạn vót dầu được thực hiện thủ công bằng tay.
Theo chị Lê Thị Anh, xã Quảng Phú Cầu, trung bình mỗi tháng, cơ sở của gia đình tôi sản xuất khoảng 10 tấn hương thành phẩm và xuất khẩu khoảng 15 tấn mỗi chuyến.
Có thâm niên gắn bó gần 20 năm với nghề làm tăm hương, chị Lê Thị Anh, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hoà, Hà Nội, cho biết: “Trước kia, việc làm hương hoàn toàn thủ công nên khá vất vả nhưng hiện nay, nhờ áp dụng máy móc, công nghệ hiện đại nên thành phẩm hương được tạo ra đều và đẹp hơn, năng suất cũng được cải thiện đáng kể. Trung bình mỗi tháng, cơ sở của gia đình tôi sản xuất khoảng 10 tấn hương thành phẩm và xuất khẩu khoảng 15 tấn mỗi chuyến. Nhờ đó, thu nhập của gia đình luôn duy trì ở mức ổn định. Ngoài ra, cơ sở còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với ngày công trung bình từ 200.000 - 400.000 đồng/ngày”, chị Anh cho biết thêm.
Ngày nắng đẹp, người dân sẽ mang hương ra phơi để tránh ẩm mốc. Lúc này, hình ảnh những bó hương nhiều màu sắc tựa đóa hoa khổng lồ được phơi khắp sân nhà, sân đình và cả các bãi đất trống như vẽ nên bức tranh rực rỡ dưới nắng vàng. Khi gió lên, khắp làng cứ thoang thoảng mùi thơm dịu nhẹ của tăm hương khiến mọi người càng thêm thư thái, dễ chịu.
Tăm hương nơi đây có kích thước lớn, đầu chụm vào nhau và phần chân xòe tròn, lại sử dụng màu vàng và đỏ chủ đạo nên càng bắt mắt và nổi bật hơn cả. Chẳng thế mà những năm gần đây, làng hương Quảng Phú Cầu đã trở thành điểm du lịch, tham quan hấp dẫn của nhiều du khách trong và ngoài nước.
Những năm gần đây, làng hương Quảng Phú Cầu đã trở thành điểm du lịch, tham quan hấp dẫn của nhiều du khách trong và ngoài nước.
Nghệ nhân Nguyễn Hữu Long cho hay: “Cơ sở của gia đình tôi là tiên phong đầu tư vào phát triển sản xuất kết hợp du lịch. Khách vào tham quan, chụp ảnh, gia đình tôi chỉ thu 50.000 đồng/người/lượt. Việc làm này vừa tạo thêm thu nhập, vừa quảng bá thương hiệu làng nghề nên cũng có một vài hộ gia đình khác đang triển khai mô hình tương tự”.
Em Nguyễn Hoà Bình, sinh viên trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền nói: “Em có cơ hội được đến đây cùng các bạn chụp ảnh vừa phục vụ cho bài tập vừa là cơ hội để có trải nghiệm làm hương, văn hoá tâm linh của dân tộc. Thường ngày ở nhà, bố mẹ vẫn dùng hương thắp cúng tổ tiên nhưng em cũng chưa được hiểu hết giá trị của nó cho tới khi được đến đây”.
Du khách đến với làng hương Quảng Phú Cầu vừa có cơ hội tìm hiểu giá trị văn hóa mà còn được trải nghiệm công đoạn làm nghề thú vị, mua sắm các sản phẩm đặc trưng và sở hữu cho mình vô vàn bức ảnh check-in độc đáo, nhiều màu sắc.
Theo Thanh Hoài/Công luận