Theo một cây viết từ The New York Times, ngoài Brazil, không quốc gia nào sản xuất nhiều cà phê hơn Việt Nam. Khi thực dân Pháp du nhập loại đồ uống này từ thế kỷ XIX, ngành kinh doanh hiện có trị giá 3 tỷ USD và chiếm gần 15% thị trường toàn cầu. Điều này giúp Việt Nam trở thành "gã khổng lồ" cà phê của Đông Nam Á.
|
Một quán cà phê tồn tại hơn 70 năm gây chú ý du khách quốc tế. Ảnh: The New York Times.
|
Đặc biệt, trong những năm gần đây, chất lượng hương vị cà phê ở Việt Nam dần được cải thiện bởi giống cây trồng Arabica hợp với dân sành sỏi ngày càng lan rộng. Trước đó, nước ta phổ biến loại cây trồng Robusta rẻ hơn, dễ canh tác lâu năm.
Nhờ nguồn cung cấp từ cây trồng chất lượng cao, hoạt động kinh doanh bán lẻ cà phê ở TPHCM ngày càng tấp nập. Đặc biệt, tín đồ cà phê từ Mỹ hết sức ấn tượng với một cơ sở nhỏ bé mở cửa suốt ngày đêm để cung cấp loại đồ uống giúp khách hàng tỉnh táo. Nổi tiếng với tên gọi cà phê Vợt, cửa hàng tồn tại từ 70 năm trước luôn được du khách ghé qua mỗi dịp đến thăm TPHCM.
Hằng ngày, trong khi nhân viên hối hả dỡ các hộp sữa đặc, vợ chồng ông bà chủ Phạm Tuyết, Đăng Côn mải miết pha cà phê trong chiếc vợt vải qua nồi nước nóng đặt trên bếp than làm từ vỏ bom B-52 đã qua sử dụng. Theo bà Tuyết, lửa từ bếp than chưa tắt kể từ khi lò được đốt lần đầu tiên vào những năm 1960. Trong khi đó, cửa hàng có từ những năm 1950 khi chỉ là một xe đi bán rong.
PV Tiền Phong từng có cơ hội trò chuyện với người pha chế vào cuối tháng 8/2023, chủ cửa hàng giải thích rằng hương vị hấp dẫn với du khách trong nhiều thập kỷ qua bởi hạt cà phê được trộn từ 3 loại khác nhau, sau đó rang thơm thủ công và pha chế trong chiếc vợt vải. Đặc biệt, cách pha này nhìn rất đơn giản nhưng không hề dễ dàng, phải luyện tập trong suốt thời gian dài mới có thể thuần thục.
|
Cách pha chế cà phê của cửa hàng hết sức độc đáo. Ảnh: Trần An. |
Đến với quán cà phê, du khách có thể lựa chọn trải nghiệm theo sở thích bao gồm sữa đá, sữa tươi/bạc xỉu đá, cà phê sữa nóng, cà phê đen nóng. Đặc biệt, cửa hàng này được mệnh danh là quán cà phê không ngủ. Vào ban đêm, dòng người đi bộ và xe máy chờ cà phê mang đi gần như không ngớt. Được thúc đẩy bởi nhu cầu tăng cao, cửa hàng phục vụ hơn 500 cốc mỗi ngày với giá 20.000 đồng/cốc.
Theo Trần Đình/Tiền phong