Giữa tuần, Anh Thư (22 tuổi) và hội bạn đại học có hẹn đi cà phê cùng nhau. Cả nhóm chọn một quán cà phê trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 1) vì nơi đây nổi tiếng với không gian rộng, có nhiều góc đẹp để chụp ảnh check-in.
Tuy nhiên, trái với kỳ vọng của hội bạn, quán rất đông khách. Đặc biệt, một số ekip gần chục người, mang theo cả vali quần áo, thiết bị chuyên nghiệp đi chụp lookbook tạo nên cảnh tượng lộn xộn, ồn ào.
"Nhiều bạn đem theo quần áo, đồ trang điểm vào nhà vệ sinh chuẩn bị 15-30 phút chưa thấy ra. Muốn đi vệ sinh thực sự phải đợi rất lâu. Chưa kể những nhóm này chụp hình còn chiếm chỗ, chiếm thời gian hơn khách thông thường nhiều lắm", Thư nói với Zing.
Khôi Nguyên, nhân viên quán cà phê này, cho biết hiện tại quán vẫn chưa có quy định gì về việc chụp ảnh của khách. "Tuy nhiên thời gian gần đây quán nhận được nhiều phản hồi không hay nên có lẽ sẽ sớm có quy định cụ thể về vấn đề này".
Các quán cà phê ở TP.HCM với phong cách trang trí độc đáo không chỉ là điểm check-in thu hút giới trẻ mà còn được các ekip chuyên nghiệp lựa chọn chụp hình sản phẩm.
Thế nhưng, nhiều chủ quán cà phê "sống ảo" cho biết họ chủ yếu kinh doanh dịch vụ ăn uống nên không muốn không gian quán xá bị biến tướng thành studio của các nhóm chụp hình thương mại.
Để khoanh vùng khách hàng, một số nơi đã ra quy định cấm hoặc đánh phí chụp ảnh thương mại với mức giá dao động từ vài trăm cho đến vài triệu đồng mỗi giờ quay phim, chụp ảnh.
|
Các quán cà phê "sống ảo" luôn đông khách, thường full bàn vào cuối tuần.
|
"Vui lòng không thay quần áo"
Khi bước vào quán cà phê Đá Bào Concept (đường Tú Xương, quận 3), khách hàng có thể thấy 3-4 tấm bảng lưu ý về việc chụp ảnh tại quán như: "Vui lòng không thay quần áo", "Chúng tôi chỉ hỗ trợ chụp ảnh kỷ niệm khi khách đến uống cà phê", "Vui lòng liên hệ hotline khi chụp ảnh thương mại".
Minh Khuê, quản lý của Đá Bào Concept, cho biết quán không thu phí khách đến ăn uống và chụp hình cá nhân với mục đích kỷ niệm. Nhưng với những ekip có khi gần chục người, mang theo máy móc, quần áo đến thay đồ, trang điểm chụp hình thì sẽ chịu phụ thu 1,5 triệu đồng/giờ.
"Lúc mới mở chúng tôi không có quy định như vậy. Nhưng sau khi quán trở nên hot trên mạng, nhiều nhãn hàng đến chụp sản phẩm, khách khứa phàn nàn nhiều quá, chúng tôi mới nghĩ ra cách làm như vậy. Thứ nhất là để hạn chế khách chụp thương mại, thứ hai là tránh gây phiền phức, ảnh hưởng cho những khách hàng bình thường", quản lý quán nói với Zing.
|
Quán cà phê ở quận 3 có nhiều bảng lưu ý khách chụp ảnh thương mại.
|
Tương tự, Tuân Trần, co-founder của quán cà phê Dalaland (đường Trần Ngọc Diện, TP Thủ Đức), cho biết quán chỉ tính phí đối với những khách chụp hình thương mại, PR sản phẩm. Khi khách thay từ bộ trang phục thứ 2 trở lên, quán sẽ thu 300.000-500.000 đồng.
Ngoài ra, tùy theo thương hiệu và yêu cầu đặc biệt như chọn vị trí, khung giờ, quán sẽ linh động đưa ra mức giá khác nhau. Còn lại các hoạt động chụp gia đình, check-in kỷ niệm bình thường thì không thu phí.
"Việc khách đến đây để chụp thương mại, thậm chí mang cả vali đựng trang phục, giày dép để thay đổi tạo hình cho từng concept cũng rất phổ biến. Ở đây hiếm xảy ra tình trạng khách lén thay đổi trang phục nhiều lần, giấu đồ nghề để tránh phải trả phí. Nhân viên sẽ thường xuyên quán xuyến để đảm bảo mọi người tác nghiệp không ảnh hưởng tới người khác", anh nói.
Khi gọi nước, khách sẽ được nhân viên thông báo trước để tránh gây hiểu nhầm. Chủ quán nói thêm đa số khách đến Dalaland để chụp ảnh cá nhân, lưu lại khoảnh khắc đẹp của bản thân. Đó cũng là điều quán muốn hướng đến.
"Nếu khách hàng đã trả phí để chụp ảnh, việc họ chụp bao lâu không phải là vấn đề nữa. Chỉ cần các bạn có ý thức, không thay đổi bố cục cảnh quan, phá hoại cây cảnh trong quán để có được tấm hình đẹp hay ảnh hưởng tới khách khác là được. Trường hợp đó, nhân viên buộc phải đến nhắc nhở", chủ quán cho biết.
|
Khách mang theo nhiều quần áo đến quán cà phê chụp ảnh check-in.
|
Biện pháp bất đắc dĩ
Đam mê chụp ảnh, Trang Nhung (18 tuổi) thường cùng bạn bè đến các quán cà phê "sống ảo" nổi tiếng trong thành phố để ngắm nghía, check-in.
Khi lựa chọn quán xá, cô chú trọng nhiều vào không gian, các góc chụp ảnh thay vì quá bận tâm đến chất lượng đồ ăn thức uống.
Nhung không ngạc nhiên khi thời gian gần đây một số quán cà phê đưa ra quy định thu phí chụp hình thương mại. Bản thân cô cũng hoàn toàn ủng hộ chính sách này.
|
Trang Nhung thường đến các quán cà phê có không gian độc đáo ở TP.HCM để chụp ảnh. Ảnh: @hi.trag.
|
"Tôi nghĩ quán có đầu tư về trang trí, xây dựng concept chụp hình thì phụ thu vài trăm mỗi giờ chụp hình là điều dễ hiểu. Tất nhiên, chỉ nên thu phí với các nhãn hàng chụp sản phẩm. Còn những khách đã trả tiền nước thì họ có quyền trải nghiệm không gian, chụp hình kỷ niệm", Nhung nói.
Thanh Thi và Nhã Thư (21 tuổi, huyện Cần Giờ) thỉnh thoảng chạy xe máy hơn một tiếng tới trung tâm thành phố vào dịp cuối tuần. Họ cũng thường ghé các quán cà phê nổi tiếng trên mạng xã hội để chụp hình, để dành đăng Instagram, Facebook.
Tuy nhiên, điều khiến cả hai thấy phiền nhất chính là gặp phải các ekip chụp lookbook tại các quán cà phê "sống ảo".
"Mỗi quán thường chỉ được 1-2 góc chụp hình đẹp. Khách nhiều khi phải xếp hàng chờ đợi nhưng gặp các nhóm chụp quần áo, giày dép thì có khi họ chụp mất cả tiếng đồng hồ. Nhà vệ sinh lúc nào cũng lộn xộn vì cảnh chen chúc vào thay đồ, trang điểm", Thanh Thi kể.
Chỉ sau một tháng khai trương, Sori cafe & more - quán cà phê nằm trong khuôn viên biệt thự kiểu Pháp trên đường Tú Xương, quận 3 - phải đưa ra quy định phụ thu 500.000 đồng/giờ chụp hình thương mại.
Đặng Hoàng Duy, quản lý của Sori cafe & more, cho biết đây là "biện pháp bất đắc dĩ" vì quán đã nhận được quá nhiều lời phàn nàn của khách trong thời gian qua.
|
Giới trẻ yêu thích các quán cà phê có concept trang trí mới lạ.
|
"Lúc quán mới mở, lượng khách đến chụp đông hay lâu mấy chúng tôi cũng không tính phí. Nhưng càng về sau càng có nhiều khách đến uống nước, chụp hình bình thường nhắn lại là các nhóm chụp thương mại thay đồ lâu, chiếm chỗ quá, nên buộc lòng chúng tôi phải tính phí để hạn chế bớt".
Hoàng Duy cho biết vào những ngày cuối tuần, khách ngồi kín bàn. Những ekip mang theo cả vali quần áo, máy móc, đèn đuốc chuyên nghiệp đều được nhân viên nhắc nhở về quy định trước khi order nước tại quầy.
"Một số khách khá khó chịu khi được nhắc nhở, nhưng chúng tôi cũng muốn rõ ràng ngay từ đầu, tránh phiền phức về sau. Sắp tới, quán cũng sẽ in bảng thông báo treo ngay trước cửa, quầy nước hoặc nhà vệ sinh để làm rõ vấn đề này", Hoàng Duy cho hay.
Theo Huệ Lâm-Phương Thảo/Zing