1. Hà Nội mùa đông, nhiệt độ có lúc chỉ mười độ, kèm theo mưa, lạnh tê người. Ai cũng co ro, dù đã trang bị đầy đủ đồ giữ ấm từ chân đến đầu. Vậy mà sáng hôm đó, dưới mưa phùn lất phất, khi tôi và nhóm bạn đang ngồi ăn sáng trên phố Hàng Trống thì thấy vài cô gái ập đến...
|
Nhiều cô gái ăn mặc rất thoáng, bất chấp đó là kiểu thời trang phản cảm - Ảnh minh họa |
Chao ôi, nhìn họ mà thấy lạnh… phát sốt, phát rét. Ai đời, mưa, rét như vậy mà họ vẫn mặc mini juýp ngắn cũn cỡn, chân cũng không buồn đi thêm đôi tất mỏng. Áo thì trễ, hở hết cả cổ và mảng ngực trắng ngần…
Mấy bác gái ngồi bàn bên nhìn thấy các cô vội vàng hỏi, giọng rất quan tâm: “Mấy cháu, mặc như vậy có lạnh không?”. Một cô hồn nhiên đáp: “Thời trang đập tan thời tiết!” rồi bật cười. Cô khác nguýt dài rồi thản nhiên nói: “Xì… Rõ là bà già lắm chuyện, người ta mặc thế nào thì việc gì đến bà chứ?”… Mọi người nghe thấy đều lắc đầu, chặc lưỡi, ngán ngẩm.
Chưa hết, mấy cô ngồi ăn và nói năng rổn rảng, từ ngữ không đẹp tung “búa xua”. Lẽ ra mặc váy ngắn, các cô cũng phải ý tứ khi ngồi, nhưng không, họ xoạc chân như thể đang mặc quần kín đáo, miệng chém gió, tay vung tít mù, chẳng quan tâm đến chuyện, đang lộ hết cả vùng nhạy cảm…
|
Kiểu thời trang khiến người nhìn... nóng mắt - Ảnh minh họa |
2. Gần nhà tôi có chị đã U50, nhưng ăn mặc thì xì tin lắm. Chuyện mặc trẻ trung thì cũng chẳng có gì đáng nói vì thực ra tính chị cũng trẻ hơn nhiều so với tuổi. Nhưng điều khiến mọi người trong xóm dị nghị là chị có thể mặc quần đùi, áo hai dây (thả rông ngực) từ nhà ra phố, tung tẩy cứ như thể trong mắt chị chẳng có ai.
Hàng xóm láng giềng nhìn thấy chị đều tròn mắt. Thậm chí, các bà còn thì thầm bàn tán: “Không hiểu nhà chị kia đứt dây thần kinh xấu hổ hay sao mà mặc vậy ra đường?”; “Ăn mặc mát mẻ như thế ra đường, bảo sao xã hội không loạn?”... Bọn con trai mới lớn thì bị mẹ cốc cho lủng đầu khi lỡ dán mắt nhìn chị lúc lắc mông qua lại.
Có lần một bà đánh liều góp ý với chị ta. Không tiếp thu thì chớ, chị còn nổi khùng lên nói: “Các bà thấy ngứa mắt thì đừng có nhìn!”, “Tôi mặc thế nào là quyền của tôi!”… Như để khẳng định cái quyền của mình và thách thức mọi người, hôm sau chị sẵn sàng mặc thoáng hơn, hở bạo hơn… Tất nhiên vì muốn bình yên, sau lần chị chửi đổng ầm ĩ, chẳng ai dại gì góp ý cho chị thêm lần nữa.
3. Tôi còn nhớ như in hồi học phổ thông, hôm đó, ngày mặc đồng phục nhưng một bạn gái cá tính trong lớp đã mặc một chiếc quần jeans trắng, áo ngắn cũn hở cả rốn. Lũ con gái nhìn bạn đầy ngưỡng mộ, còn bọn con trai thì khen bạn như thể đang đi biểu diễn thời trang…
Nhưng cô giáo chủ nhiệm lại gọi riêng bạn ra nói chuyện và rất nhanh sau giờ ra chơi, chúng tôi đã lại thấy bạn mặc đồng phục. Mãi sau này mới biết, hôm đó cô đã phân tích để bạn hiểu: “Ăn cho mình, mặc cho người”- trang phục chỉ đẹp khi mặc đúng lúc, đúng nơi.
Cô đã nói, bộ quần áo hôm đó bạn mặc rất thời trang, nhưng nó không hợp với môi trường học đường. “Có thể khi em đi chơi cùng bạn bè, đi picnic cùng gia đình thì trang phục đó sẽ được điểm mười, nhưng đến trường học, nếu buộc phải chấm điểm, cô sẽ cho em điểm dưới trung bình”.
Bạn kể lại với bọn con gái chuyện này và tủm tỉm cười: “Đừng để mọi người phải nhắc bọn mình: “Ở đây mát quá nhé, các bạn!”. Chuyện của bạn, nhưng cũng đã trở thành bài học với bọn con gái trong lớp.
Giá như ai cũng ý thức được chuyện ăn mặc có thể là sở thích của người này, nhưng lại ảnh hưởng tới người khác thì chắc chắn sẽ không để hình ảnh mình trở nên xấu xí hơn trong mắt những người xung quanh…
Theo Hải Giang/PNVN