|
Dàn phù rể chăm chú lắng nghe để giải bài thi IELTS.
|
Ngày 4/10, video dàn phù rể trong một đám cưới ở Trung Quốc được yêu cầu hoàn thành phần nghe bài thi IELTS mới được rước dâu đã lan truyền khắp các diễn đàn mạng xã hội.
Theo trang 163, đám cưới được tổ chức vào ngày 3/10 ở Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc). Màn nghe tiếng Anh là một thử thách trong phần "náo hôn" khi nhà trai tới rước dâu.
Zheng, nhiếp ảnh gia của đám cưới và là người chia sẻ đoạn clip, cho biết cả cô dâu và chú rể đều đã tốt nghiệp và đang theo học tiến sĩ tại Đại học Bắc Kinh - một trong những ngôi trường nổi tiếng nhất Trung Quốc. Dàn phù dâu và phù rể, đều là bạn bè thân thiết, cũng có trình độ học vấn thuộc hàng "học bá".
Khác với phần "náo hôn" trong đa số đám cưới khác, như bắt nhà trai uống rượu, cõng cô dâu hay hôn chân, nhà gái lần này đưa ra thử thách thú vị và văn minh hơn.
Thử thách thú vị này do các phù dâu nghĩ ra.
Các phù dâu đã bật file ghi âm bài thi nghe IELTS và để dàn phù rể làm bài ngay tại chỗ, hoàn thành tốt mới được rước dâu. Zheng cho biết sau khi kiểm tra, đa số đáp án của phù rể đều đúng.
Sau khi lan truyền trên mạng, màn náo hôn đặc biệt đã khiến số đông dân mạng thích thú. Nhiều người ủng hộ ý tưởng này, bởi phù hợp với hoàn cảnh của hai bên và không gây ra tình huống phản cảm.
Bên cạnh đó, nhiều người bày tỏ sự thán phục trình độ của dàn phù rể, bởi không phải ai cũng đủ kiến thức để hoàn thành thử thách khó nhằn này, giúp chú rể rước được vợ về nhà.
Náo hôn (naohun) là tục lệ xuất hiện từ thời nhà Hán và tồn tại ở Trung Quốc hàng nghìn năm. Theo tục này, những khách bên nhà trai sẽ khuấy động hôn lễ bằng cách trêu chọc cô dâu, chú rể và cả các phù dâu.
Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, tục náo hôn bị biến tướng và không còn phù hợp, nhiều lần gây nên nỗi ám ảnh cho không ít cô dâu trong ngày đám cưới. Có trường hợp đôi tân lang, tân nương bị làm nhục bằng nhiều trò chơi khăm như trói lên cây, ép uống rượu...
Chính quyền nhiều địa phương ở Trung Quốc đã phải đưa ra quy định để ngăn chặn các trò đùa phản cảm, thô tục trong đám cưới.
Tháng 4/2021, Bộ Nội vụ Trung Quốc đã chỉ định 15 khu vực thí điểm để cải cách tục lệ hôn nhân ở nước này, bao gồm quận Vũ Hầu của Thành Đô. Quy định yêu cầu tập trung vào cải cách hủ tục kết hôn, tích cực tu dưỡng và thực hành các giá trị cốt lõi, ủng hộ việc hình thành một định hướng giá trị hôn nhân và gia đình đúng đắn trong toàn xã hội.
Ngày nay, nhiều người trẻ không còn làm theo các hình thức náo hôn phản cảm. Trong phần nghi lễ truyền thống này, họ đưa ra các ý tưởng sáng tạo, văn minh để tạo thêm niềm vui trong ngày trọng đại.
Theo Đinh Phạm/ Zing