Nữ sinh Ngoại Thương điều phối 200 tình nguyện viên tại SEA Games 31

Google News

Ngọc Huyền cho biết khối lượng công việc khá lớn và dồn dập. Cô cũng cảm thấy áp lực khi lần đầu chịu trách nhiệm điều phối một đội ngũ khổng lồ.

Nguyễn Ngọc Huyền (20 tuổi), sinh viên năm 2 ĐH Ngoại Thương, cảm thấy lạ lẫm và trống trải khi thức dậy vào sáng nay. SEA Games 31 đã kết thúc, đồng nghĩa với việc cô không cần phải có mặt ở Nhà thi đấu Hoài Đức lúc 11h30.

Những ngày vừa qua, Ngọc Huyền giữ vị trí đội trưởng đội tình nguyện, phụ trách phân công và điều phối 200 người hỗ trợ bộ môn judo tại SEA Games.

Chia sẻ với Zing, cô cho biết đây là lần đầu tiên mình làm việc với một đội ngũ lớn như vậy nên không tránh khỏi áp lực.

“Đây còn là sự kiện đại diện cho quốc gia, có quy mô khu vực Đông Nam Á. Tôi đã lo rằng mình chưa đủ kinh nghiệm, chưa đủ chín chắn. Thế nhưng, lòng tin và sự ủng hộ của các thành viên cùng đội đã tiếp thêm khí thế, động lực cho tôi”, cô nói.

Nu sinh Ngoai Thuong dieu phoi 200 tinh nguyen vien tai SEA Games 31

Đây là lần đầu tiên Ngọc Huyền phụ trách một đội ngũ gồm 200 tình nguyện viên.

Đội trưởng được tín nhiệm cao

Vì lịch học bận rộn, Ngọc Huyền bỏ lỡ cơ hội trở thành tình nguyện viên SEA Games ở đợt tuyển đầu tiên hồi đầu năm. Cuối tháng 3, khi nghe tin ban tổ chức cần thêm người hỗ trợ, cô gái hạ quyết tâm “nhất định phải tham gia”.

“Tôi không muốn phí cơ hội được tham gia đóng góp vào sự kiện lớn của quốc gia. Hơn nữa, tôi muốn có thêm nhiều trải nghiệm và kinh nghiệm”, cô chia sẻ.

Vượt xa những tưởng tượng ban đầu của mình, Ngọc Huyền liên tiếp được các tình nguyện viên tín nhiệm bầu chọn làm một trong 5 nhóm trưởng, rồi trở thành đội trưởng phụ trách chung.

Cô thừa nhận khối lượng công việc khá lớn và dồn dập. Ngọc Huyền cùng 4 nhóm trưởng chia nhau thực hiện nhiều đầu việc, như sắp xếp lịch trực, tập hợp và điểm danh các tình nguyện viên, lên danh sách hỗ trợ xe đưa đón và chuẩn bị bữa trưa cho mỗi người…

Nu sinh Ngoai Thuong dieu phoi 200 tinh nguyen vien tai SEA Games 31-Hinh-2

Đội tình nguyện viên của Ngọc Huyền chụp ảnh lưu niệm cùng các VĐV Judo.

“Ban đầu, chúng tôi cũng gặp một số trục trặc. Nhưng dần dần, cả đội nhanh chóng bắt nhịp công việc. Những lời động viên lẫn nhau đã giúp đẩy tinh thần lên rất cao”.

Một trong những sự cố đáng nhớ nhất đối với Ngọc Huyền xảy ra vào ngày thi đấu Judo thứ hai. Khoảng 13h, cô nhận tin nhà hàng phụ trách cung cấp cơm trưa cho các tình nguyện viên đã quên mất đơn giao hàng tại Nhà thi đấu Hoài Đức.

Thời điểm đó cũng đã quá trưa, hàng quán xung quanh nhà thi đấu không nhận phục vụ, hoặc đủ khả năng cung cấp cơm trưa cho 65 người.

“Vì không được trực tiếp làm việc với nhà hàng, tôi rơi vào cảnh bị động và hơi hoảng loạn. Tôi cảm thấy rất có lỗi với các bạn. Họ đều phải di chuyển từ sớm, chưa ăn uống gì. Trong khi đó, cả đội sẽ làm việc tới 19-20h”.

Cuối cùng, các nhóm trưởng chia nhau gom các suất ăn từ nhiều hàng quán khác nhau. Mãi đến 15h, cả đội mới được ăn trưa.

“Thế nhưng, thay vì tỏ ra khó chịu hay bực mình, các tình nguyện viên rất thông cảm, thậm chí an ủi ngược lại tôi. Mọi người trở nên gắn kết hơn qua tình huống khó khăn này”.

Thấu hiểu các VĐV

Sau khi mỗi ngày thi đấu kết thúc, đội tình nguyện viên sẽ ở lại dọn dẹp. Đây là cơ hội để Ngọc Huyền được gặp gỡ, trò chuyện và chụp ảnh cùng các VĐV Judo.

Cô cho biết các anh, chị VĐV đều rất niềm nở và dễ thương. Ngoài những lời cảm ơn chân tình, họ còn dành tặng bánh kẹo, đồ ăn vặt cho các tình nguyện viên.

Nu sinh Ngoai Thuong dieu phoi 200 tinh nguyen vien tai SEA Games 31-Hinh-3

Ngọc Huyền chụp ảnh cùng VĐV Judo Trương Hoàng Phúc, người giành HCB ở hạng 66 kg nam.

Chia sẻ với Zing, Ngọc Huyền cho biết trước đây, cô chỉ biết Judo là một môn võ thuật có nguồn gốc từ Nhật Bản. Hiện nay, chỉ sau 5 ngày làm tình nguyện, cô có thể nắm được một số hình thức thi đấu, cũng như thấu hiểu hơn sự hy sinh của các VĐV.

“Trực tiếp xem thi đấu khác hẳn với việc theo dõi qua TV hay đọc báo. Tôi hiểu hơn rất nhiều về nỗ lực của các VĐV khi họ đem huy chương về cho quốc gia.

Khi chứng kiến một VĐV không thể hoàn thành bài thi đấu của mình ở vòng chung kết do chấn thương, tôi thấy nghẹn ngào thay cho chị ấy. Có lẽ vì quá đau đớn, chị không thể cố gắng hơn, dù chỉ một chút nữa”, cô chia sẻ.

Một lần khác, cô và các khán giả đã òa lên khi chứng kiến một VĐV đội tuyển Judo Việt Nam hạ gục đối thủ chỉ trong 16 giây.

“Tôi thực sự không có lời nào để bày tỏ sự ngưỡng mộ với họ. Chỉ 16 giây mà toàn thắng”.

Đó cũng là lý do Ngọc Huyền cảm thấy khá bức xúc khi đọc được những bình luận tiêu cực, chê bai SEA Games trên mạng xã hội. Cô hy vọng bộ phận người dùng Internet này có thể thay đổi quan điểm bằng cách đi xem thi đấu trực tiếp.

Hiện Ngọc Huyền đã trở lại nhịp sống thường nhật, như đi học, đi làm thêm và tham gia hoạt động câu lạc bộ tại trường đại học. Cô cho biết mình vẫn sẽ tiếp tục các hoạt động tình nguyện trong tương lai.

“Tôi đang để mắt đến Olympic Paris 2024. Gần đây, họ đã bắt đầu tìm kiếm tình nguyện viên trên thế giới. Tôi có chút lo lắng khi nghĩ đến chuyện nộp đơn đăng ký. Thế nhưng, tôi nhất định sẽ thử để sau này không hối hận hay nuối tiếc”, cô chia sẻ.

Theo Hồng Chang/Zingnews