Trò chuyện với Vũ Huyền Trang, học sinh lớp 11 Địa, trường THPT Chu Văn An, Hà Nội, người vừa đoạt giải nhất cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên Nhi đồng toàn quốc 2014, chúng tôi không khỏi bất ngờ. Ở tuổi 16, Trang tự tin nói về niềm đam mê nghiên cứu khoa học, về ý tưởng tuổi học trò… Trang bảo: Sáng tạo là không đợi tuổi.
Ý tưởng nhỏ, mơ ước lớn
Chúng tôi hẹn gặp Trang vào 12h sau khi kết thúc ca học sáng ở một quán nước vỉa hè ngay cạnh cổng trường. Trong cuộc trò chuyện bị khống chế về mặt thời gian bởi Trang còn ca học chiều, cô gái có chiếc răng khểnh duyên dáng này kể cho chúng tôi nghe về cơ duyên khiến em đến với nghiên cứu khoa học.
Gia đình em vốn có một xưởng sản xuất kính. Trong những lần bố con trò chuyện, Trang thấy bố có nỗi trăn trở về việc lãng phí nguồn khí nén trong sản xuất. Để sản xuất kính thì cần rất nhiều khí nén. Tuy nhiên, sau quá trình sản xuất một lượng khí nén dư thừa được thải bỏ rất lãng phí và tốn kém.
|
Cô nữ sinh mê nghiên cứu khoa học. |
Vậy là Trang lưu tâm và quyết định thử bắt tay thiết kế mô hình tái sử dụng năng lượng khí nén trong quá trình sản xuất kính dán an toàn. Trang kể, sau này khi đoạt giải kép ở hai cuộc thi (giải nhì toàn quốc cuộc thi Khoa học và Kỹ thuật quốc tế của Intel (Intel Isef) và giải nhất cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên Nhi đồng Toàn quốc 2014), nhiều người thắc mắc, mới đang học phổ thông thì lấy đâu kiến thức để thực hiện đề tài.
Trang cho biết, thực tế đề tài mà em nghiên cứu là dựa trên kiến thức vật lý của lớp 10 chứ không cần phải đòi hỏi những kiến thức rộng lớn, cao siêu. “Cái gì vướng mắc, không hiểu thì em đọc lại kiến thức đã học, tìm hiểu thêm từ sách, internet và tham khảo ý kiến của bố. Có lúc hai bố con tranh luận không có hồi kết. Mặc dù biết mình còn ít tuổi nhưng khi mình đã nắm vững kiến thức thì em rất tin vào ý kiến của mình. Có lần vì tranh luận không thống nhất, bố phải nhờ cả chuyên gia đến để trao đổi”.
Trang kể, ngoài sử dụng kiến thức, Trang phải tự mình đến xưởng sản xuất kính để quan sát thực tế, tự mình thu thập số liệu mới có thể hoàn thiện mô hình. Nhờ mô hình này, lượng khí nén thay vì thải thẳng ra môi trường sẽ được thu gom và tái sử dụng lại. Nhờ việc tái sử dụng này, mỗi mẻ sản xuất đã giảm được 12,5% chi phí sản xuất đồng thời tiết kiệm tối thiểu 15 phút/mẻ.
Trang tâm sự, nhiều người vẫn nghĩ làm khoa học là phải cần những kiến thức cao siêu. Thực tế, những phát minh, ý tưởng đều bắt nguồn từ chính cuộc sống hằng ngày và phục vụ cuộc sống hằng ngày. Vì thế không có giới hạn cho sự sáng tạo và sáng tạo cũng không phải cần phải đợi tuổi. Sản xuất một chiếc điện thoại hay chỉ là cái kẹp tóc đều là những sáng tạo vì cuộc sống. “Cái quan trọng không phải là tuổi tác mà là đam mê nghiên cứu khoa học. Vì thế, đừng ngại mạo hiểm, đừng ngại bắt tay nghiên cứu”.
Không ngại đi ngược
Trang kể, sau khi đoạt giải, nhiều người nghĩ em là học sinh chuyên Lý, nên mới có đủ kiến thức để làm mô hình. Tuy nhiên, Trang cho biết, mô hình mà em nghiên cứu chỉ áp dụng kiến thức vật lý cơ bản, chứ không đòi hỏi kiến thức chuyên sâu, vì vậy chỉ cần nắm chắc kiến thức đã học ở lớp và chịu khó tư duy là có thể làm được. Thực tế, Trang không học Lý mà học chuyên về một môn mà nhiều người vẫn coi là môn phụ: Môn Địa lý.
Cô học sinh chuyên Địa kể, ở nước ta, các môn học thường được “ngầm” hiểu là có môn chính, môn phụ. Các môn chính mà đúng hơn là các môn tự nhiên như toán, lý, hóa luôn là mục tiêu hướng tới của các bạn học sinh. Ngay trong gia đình, hầu hết các bậc phụ huynh cũng chỉ nhắc nhở con em mình làm toán, lý, hóa chứ mấy ai nhắc học địa, sử, giáo dục công dân...
Tuy nhiên, dường như đi ngược với suy nghĩ thông thường, Trang cho hay, ngay từ bé em đã không có khái niệm môn chính, môn phụ. “Với em môn học nào cũng có cái hay riêng của nó. Học Địa em được “lãi” rất nhiều bởi đây là môn học tổng quát, nó không chỉ cung cấp các kiến thức khoa học xã hội mà em còn học được nhiều kỹ năng liên quan đến khoa học tự nhiên. Mỗi tiết học với em đều thật sự sinh động và hứng thú”, Trang tâm sự.
Cần kỹ năng mềm
Trong suốt buổi nói chuyện, ở tuổi 16 nhưng Trang luôn thể hiện sự tự tin, nói năng lưu loát và duyên dáng. Trang kể, trước đây Trang cũng khá nhút nhát, thiếu tự tin, ở chỗ đông người hay đỏ mặt, nói năng lắp bắp. Trang kể, tại cuộc thi Intel Isef, khi phải lên thuyết trình, Trang run cầm cập, mất hơi, nói lắp bắp đến nỗi sau này khi xem lại “clip” mà gia đình ghi lại Trang cảm thấy vô cùng xấu hổ.
“Em tự hỏi, tại sao mình lại thiếu tự tin và kém giao tiếp đến như thế. Vậy là quyết định học. Ngày nào em cũng đứng trước gương để tập đọc, có những câu đọc đi đọc lại hàng trăm lần cho đến khi nói trôi chảy. Nhờ đó em tự tin hơn, đến lần thuyết trình sau, em đã vững vàng đứng trước ban giáo khảo”.
Trang kể, ở nhà trường hiện nay học khá nhiều môn, nhưng lại không có môn nào dạy về kỹ năng mềm. Ngoài ra học sinh lại học theo phương pháp thụ động, cô hỏi – trò trả lời vì thế học sinh vừa yếu các kỹ năng mềm, lại thụ động, lười suy nghĩ, lười tư duy, không chịu sáng tạo, nhút nhát trong giao tiếp...
“Chúng em được nhồi nhét quá nhiều kiến thức nhưng các kỹ năng như ứng phó khi gặp sự cố, thể hiện trước người khác... thì lại không được học. Đây thật sự là một thiệt thòi bởi ví dụ, trong nghiên cứu khoa học, một công trình nghiên cứu có xuất sắc đến đâu, nhưng việc viết hồ sơ, thuyết trình quá kém thì cũng khó đảm bảo sự thành công”, Trang khẳng định, việc tiếp cận các kỹ năng mềm này phải thực hiện ngay khi còn là học sinh chứ không chờ đến khi học đại học xong, ra trường đi làm mới học. Như vậy là quá muộn.
Mục tiêu trước mắt của em là học thật tốt và tìm kiếm học bổng để đi du học. Khi còn trẻ, em muốn được trải nghiệm, khám phá và tích lũy tri thức. Tất nhiên, đi rồi em sẽ trở về. Em yêu quê hương Việt Nam và muốn được cống hiến cho đất nước mình.
Hoa Na