Hôm 13.3, ông Hoàng Văn Phúc từ chức huấn luyện viên đội Sài Gòn. Người tạm lên thay ông dẫn dắt đội bóng chính là Chủ tịch Vũ Tiến Thành. Ông Thành sẽ ngồi cabin, chỉ đạo trực tiếp đội ở vòng 2, khi đội làm khách trên sân Đà Nẵng.
Chuyện lãnh đạo đội bóng can thiệp về mặt chuyên môn với huấn luyện viên trưởng vốn hay xảy ra ở V.League. Với những chiến lược gia được đào tạo bài bản, tự trọng nghề nghiệp cao, việc bị “lấn sân” là sự xúc phạm rất lớn.
Còn nhớ ở V.League 2019, huấn luyện viên Nguyễn Đức Thắng bất ngờ thôi nhiệm vụ ở đội Thanh Hóa, ngay trước vòng 14. Lúc đó, đội bóng xứ Thanh đang đứng thứ 4 trên bảng xếp hạng, hồi sinh ngoạn mục sau khởi đầu rất bết bát.
Nguyên nhân cho việc này nằm ở chỗ ông Thắng và bầu Đệ không tìm được tiếng nói chung. Chiến lược gia sinh năm 1976 không được toàn quyết quyết định về chuyên môn, do bị can thiệp quá sâu khi lãnh đội đòi kiểm soát mọi thứ.
|
HLV Nguyễn Đức Thắng từng giúp Thanh Hóa bay cao nhưng sau đó từ chức vì bị bầu Đệ can thiệp về chuyên môn. Ảnh: VPF.
|
Về điều này, bầu Đệ cũng không phủ nhận. Trong chương trình Góc khuất của On Sports, ông chia sẻ: “Bóng đá phải có huấn luyện viên. Tuy nhiên, tôi rút ra sau 6 năm là nửa tin nửa không. Có những người toàn tâm toàn ý hết mình nhưng có những HLV chỉ làm vì cá nhân và tách rời Hội đồng quản trị, như là tôi chỉ mua pháo cho họ đốt mà không có quyền tham gia vậy”.
Với các huấn luyện viên ngoại làm việc tại V.League rất ác cảm điều này và tự đặt ra nguyên tắc với lãnh đạo đội ngay từ đầu. Ông Chung Hae-seong từng nói thẳng điều này trên báo Hàn Quốc, khi còn dẫn dắt HAGL.
“Lãnh đạo đội bóng có thể nói thế này hoặc thế kia nhưng sẽ chẳng hiệu quả gì nếu ông ta can thiệp vào việc lựa chọn cầu thủ hay chiến thuật. Do vậy tôi đã đề nghị lãnh đội không ngồi ghế huấn luyện ngay từ đầu và họ đã lắng nghe yêu cầu của tôi", ông Chung cho biết trên tờ Sports Seoul.
Đây là câu chuyện có thật, khi ở Hoàng Anh Gia Lai bao năm qua Trưởng đoàn Tấn Anh luôn ngồi ghế đầu trong khu kỹ thuật và có tiếng nói quyết định. Khi ông Chung làm, việc đầu tiên làm là yêu cầu lên khán đài để rồi mâu thuẫn nảy sinh, ông phải ra đi.
Nguyên tắc này được duy trì khi ông đến làm việc tại đội TP.HCM. Chủ tịch Nguyễn Hữu Thắng vốn là cựu huấn luyện đội Sông Lam lẫn đội tuyển Việt Nam, đương nhiên rất rành chuyên môn. Tuy nhiên, ông Thắng không bao giờ ngồi cabin với ông Chung. Nhiệm vụ dẫn dắt, chỉ đạo đội bóng do huấn luyện viên toàn quyền quyết định.
Thanh Hóa từ lúc chia tay huấn luyện viên Nguyễn Đức Thắng đã thi đấu rất chật vật, suýt phải xuống hạng. Rõ ràng việc người điều hành lấn sang làm chuyên môn thường không mang đến kết quả tích cực nào. Nhưng không phải chủ tịch đội bóng nào cũng hiểu và tôn trọng công việc của huấn luyện viên trưởng.
Theo Bích Thùy / Lao Động