Những trào lưu ăn uống "hot" nhờ mạng xã hội. Chưa cần biết món ăn đó như thế nào, nhưng bỗng một ngày khắp facebook, người người nói về món ăn đó, nhà nhà đăng ảnh món ăn đó lên trang cá nhân, thế là nhiều người trẻ lập tức lùng sục địa điểm, "lập team" đi ăn món mới. Sau khi đến địa điểm ăn vặt đó, họ lại tiếp tục chụp hình rồi đăng lên trang cá nhân facebook. Cứ như thế, nhiều món ăn vặt đột nhiên nở rộ, được săn đón nhiệt tình.
Thế nhưng, vì chỉ là trào lưu nên những món ăn nổi tiếng này cũng không tồn tại được lâu và cũng dần biến mất khi giới trẻ không còn ưa chuộng. Hãy cùng điểm qua những món ăn "sớm nở chóng tàn" đã từng khuấy đảo giới trẻ Sài Gòn nhé!
Xoài lắc và "tùm lum lắc"
Đầu năm ngoái, những món ăn họ nhà "lắc" đã từng "làm mưa làm gió" khuấy đảo thị trường. Con đường Đặng Văn Ngữ và khu vực bờ kè đường Trường Sa (phường 14, quận Phú Nhuận) luôn chật kín người mua xoài lắc. Cứ thấy xe xoài lắc của anh chủ Hải (cha đẻ món xoài lắc) vừa tới con hẻm trên đường này thì hàng chục người vây kín để mua xoài.
Rồi món ăn này lan rộng ra khắp Sài Gòn, từ quận 1 đến Bình Chánh, Bình Tân, đâu đâu người ta cũng bán xoài lắc.
Vì dễ làm nên xoài lắc được bày bán ở khắp đường phố Sài Gòn, nhưng cũng vì số lượng người kinh doanh món ăn này quá nhiều, lại trong thời gian dần "bão hòa" nên số lượng khách mua ít dần.
Chưa dừng lại, họ nhà "lắc" lại tiếp tục "đẻ" thêm cóc lắc, khoai tây lắc. Tuy nhiên món "lắc" bây giờ đã không còn được quan tâm nữa. Cho đến hiện tại số lượng xoài bán ra mỗi ngày cũng chỉ tương tương, có khi thấp hơn thời điểm lúc trước, thậm chí thời gian bán phải kéo dài hơn nhiều so với lúc còn "hot".
Bánh mì nướng muối ớt
|
Bánh mì nướng muối ớt đã từng thành trao lưu ăn vặt "hot" không hề thua kém xoài lắc. (Ảnh: Internet) |
Sau xoài lắc không lâu, chính là "cơn sốt" ăn vặt bánh mì nướng muối ớt. Món ăn có nguồn gốc từ An Giang này du nhập vào Sài Gòn từ giữa năm 2016 và bất ngờ nổi lên thành món ăn vặt đường phố "hot" một thời của giới trẻ Sài Gòn.
Bánh mì nướng muối ớt hầu như có mặt khắp mọi ở các quận huyện của thành phố. Lúc ấy, ngoài địa điểm bán nhiều nhất ở đường Lê Quang Sung (quận 6) thì hầu như ở các quận huyện khác trong thành phố đã bắt đầu bày bán bánh mì nướng muối ớt. Thậm chí có con đường chỉ cách vài chục mét đã có quầy bán bánh mì kiểu này như đường Phan Văn Trị, Phạm Văn Đồng (quận Bình Thạnh), Lê Văn Thọ (quận Gò Vấp)…
Sở dĩ bánh mì nướng muối ớt trở thành trào lưu lúc đó là món này "lạ" và có những biến tấu để hợp khẩu vị của người Sài Gòn. Khi "đổ bộ" đến Sài Gòn, bánh mì nướng với muối ớt sau đó được thêm các gia vị làm cho bánh vừa ngọt, vừa mặn rất hấp dẫn. Lúc ấy, đi đến đâu cũng thấy bán bánh mì nướng muối ớt, không những người lớn tuổi mà còn có các bạn trẻ cũng mở bán món ăn đang "hot" này".
Đã là trào lưu thì sẽ có lúc phải thoái trào, dù có một bước khởi đầu vô cùng hành tráng tại Sài Gòn nhưng do không chịu đổi mới về hình thức lẫn chất lượng, cũng như sở thích ăn uống "sớm nắng chiều mưa" của giới trẻ nên món bánh mì nướng muối ớt cũng phải cùng chung số phận "thất sủng" với món xoài lắc.
Mì cay 7 cấp độ
|
Lúc còn "hot", nhiều người phải xếp thành hàng dài để chờ thưởng thức món mì này. (Ảnh: Internet) |
Có thể nói năm 2016 chính là một năm bội thu của những trào lưu ăn vặt của giới trẻ Sài Gòn. Mì cay 7 cấp độ cũng không ngoại lệ, thậm chí khi mới "hot", món này đã tạo thành một trào lưu "check-in" khiến giới trẻ "thích mê" trên mạng xã hội.
Khi mới du nhập vào Việt Nam, mì cay 7 cấp độ ngay lập tức trở thành cơn sốt trong giới trẻ nhờ công thức lạ vào thời điểm đó: món ăn mới + thử thách. Hàng loạt quán mì với những thương hiệu ăn theo kiểu Hàn Quốc nhanh chóng mọc lên, như Sasin, Naga, Seoul... ở mọi ngóc ngách Sài Gòn, đặc biệt chiếm cứ những điểm bán gần trường đại học và khu vui chơi lớn.
Nhưng không tồn tại được nhiều mùa như trà sữa hay pho-mai que, mì cay 7 cấp độ thoái trào quá nhanh khiến không ít nhà đầu tư lỗ nặng vì lỡ bỏ tiền mở hệ thống lớn. Chất lượng không tương xứng, món ăn thiếu đặc trưng... là những điểm yếu chí mạng của trào lưu này.
Mặc dù dễ làm và buôn bán có lời như vậy nhưng nghề kinh doanh theo phong trào nhất thời này chỉ để kiếm lời trong thời gian ngắn chứ không thể lâu dài được. Bên cạnh đó, một cách giải thích khác cho sự thoái trào của các trào lưu này là do tâm lý giới trẻ thường thích cái mới, muốn trải nghiệm thử một lần nên việc hành động theo đám đông là điều dễ hiểu, và một khi có một món ăn khác hấp dẫn, mới lạ hơn tất nhiên những món cũ đành phải "nhường ghế" cho những món mới hấp dẫn hơn lên ngôi.
Mặc dù biết những dạng trào lưu này chỉ là hiệu ứng đám đông đa phần đến từ mạng xã hội nhưng cũng là sự phản ánh gu ẩm thực đa dạng của đa phần giới trẻ Sài Gòn nói riêng và họ cũng đang hứng thú chờ đợi món ăn "lên ngôi" kế tiếp là gì.
Theo KL/TT&VH