Phố đi bộ Nguyễn Huệ
Dạo phố Đi bộ Nguyễn Huệ trong buổi sớm mùng 1. Ảnh: TTXVN
Phố đi bộ Nguyễn Huệ nằm trên con đường Nguyễn Huệ, thuộc địa bàn Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh, kéo dài từ trụ sở Ủy ban nhân dân thành phố đến Bến Bạch Đằng.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ từ lâu đã trở thành nơi vui chơi tấp nập, nhộn nhịp thu hút khách du lịch vào mỗi dịp Tết đến.
Vào ngày mùng 1 Tết, phố đi bộ Nguyễn Huệ có thể vắng vẻ hơn thường ngày, bạn có thể dạo chơi tận hưởng không khí Tết ở Sài Gòn.
Nhà thờ Đức Bà
Nhà thờ Đức Bà Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Phương Vy/TTXVN
Nhà thờ Đức Bà tọa lạc ngay ở trung tâm thành phố Hồ Chí Minh, nằm ở số 1, Công Xã Paris, Phường Bến Nghé, Quận 1. Hiện nay, nhà thờ đang là điểm du lịch nổi tiếng, được nhiều người biết đến ở thành phố Hồ Chí Minh.
Lối kiến trúc của nhà thờ rất độc đáo, cổ kính mang đậm phong cách Châu Âu nên luôn thu hút du khách khi tới tham quan và khám phá.
Vào dịp Tết ở nhà thờ Đức Bà rất yên tĩnh và thanh tịnh. Mùng 1 Tết đến nhà thờ du khách sẽ được thoải mái chụp ảnh ở những góc chụp ảnh thần thánh lưu lại những bức ảnh xinh đẹp để khoe với bạn bè.
Hơn nữa, du khách sẽ được hòa mình vào không gian trong lành của trời xuân cùng thư giãn và vui chơi tẹt ga cùng với bạn bè và người thân.
Đường mai vàng và phố Ông Đồ
Phố ông Đồ - khu vực Nhà Văn hoá Thanh niên Tp. Hồ Chí Minh (đường Phạm Ngọc Thạch và Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1). Ảnh: Phương Vy-TTXVN
Lễ hội Tết Việt Giáp Thìn 2024 do Nhà Văn hoá Thanh niên TP.HCM tổ chức đã chính thức khai mạc với nhiều hoạt động xuyên suốt đến Mùng 5 Tết Nguyên đán.
Đây là năm thứ 17 Lễ hội Tết Việt được tổ chức với hàng trăm gốc mai vàng rực rỡ cùng các gian hàng Phố ông đồ dọc theo cung đường Phạm Ngọc Thạch - Nguyễn Thị Minh Khai (Quận 1).
Ngoài không gian đường mai, Phố ông đồ còn có những hoạt động khác như không gian nghệ thuật sắc màu ngày tết, khu vực tái hiện nấu bánh chưng, các tiểu cảnh mang đậm nét văn hoá ngày Tết, hoạt động tình nguyện…. Xuyên suốt Lễ hội còn có nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc như hát bội, biểu diễn lân sư rồng, hoạt động vui chơi, mua sắm, ẩm thực, viết thư pháp, xin câu đối…
Đường sách Tết
Không gian bán sách tại Lễ hội Đường sách Tết. Ảnh: Hồng Giang - TTXVN
Lễ hội Đường Sách Tết Giáp Thìn – năm 2024 chính thức khai mạc vào lúc 17 giờ 00 ngày 07 tháng 02 năm 2024 (nhằm ngày 28 tháng Chạp âm lịch) và kéo dài xuyên suốt đến hết ngày 14 tháng 02 năm 2024 (tức Mùng 5 Tết) tại tuyến đường Lê Lợi (từ Nguyễn Huệ đến bùng binh Quách Thị Trang), Quận 1.
Lễ hội Đường sách Tết Giáp Thìn 2024 có sự tham gia của hơn 20 đơn vị đồng hành. Các nhà xuất bản, công ty sách chăm chút, đầu tư khi mang đến hơn 3000 tựa sách, tương đương khoảng 59.000 quyển và nhiều chương trình diễn ra trong khuôn khổ Lễ hội.
Lễ hội Đường Sách Tết Giáp Thìn 2024 với thiết kế đại cảnh trống đồng Đông Sơn hơn 300m2 mang biểu tượng thiêng liêng của tinh hoa văn hóa truyền thống và lịch sử ngàn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam, kết hợp cùng tiểu cảnh linh vật hình rồng ấn tượng đánh dấu sự trở lại của con giáp Thìn sau vòng chu kỳ 12 năm.
Cùng với đó, Lễ hội Đường Sách Tết Giáp Thìn năm 2024 tăng hơn về về quy mô so với Lễ hội Đường sách Tết Quý Mão 2023 với tổng diện tích lên đến 11.200 m2
Theo An Ngọc/bnews