|
Nguyễn Thị Huyền tranh tài tại SEA Games 32. Ảnh: ITN.
|
Năm 2023 khép lại cũng là thời điểm nhiều vận động viên tài năng của thể thao Việt Nam quyết định chia tay đội tuyển quốc gia, để lại sự hụt hẫng về tâm lý cũng như khoảng trống chuyên môn không dễ lấp đầy.
“Nữ hoàng điền kinh” Nguyễn Thị Huyền
Sau 15 năm khoác áo đội tuyển quốc gia, với bộ sưu tập kỷ lục các danh hiệu từ đấu trường trong nước đến quốc tế, tượng đài điền kinh Việt Nam Nguyễn Thị Huyền đã thông báo giã từ sự nghiệp thi đấu ở tuổi 30.
Trong ngày thi đấu cuối cùng tại giải vô địch điền kinh quốc gia 2023, cũng là thời điểm vừa giành Huy chương Vàng nội dung sở trường 400m rào, Huyền nói lời chia tay trong nước mắt.
“Tôi muốn có thêm thời gian chăm sóc gia đình nhỏ bởi sau khi sinh con cách đây 5 năm, tôi đã trở lại tập luyện, thi đấu đến tận bây giờ”, Huyền chia sẻ và đồng thời cho biết, sẽ chuyển sang công tác huấn luyện.
Vào thời khắc mang tính bước ngoặt cuộc đời, Nguyễn Thị Huyền không quên gửi lời tri ân đến người thầy đáng kính (huấn luyện viên Vũ Ngọc Lợi, P.V) và khẳng định lại, nếu không có ông thì cô không có được sự nghiệp như ngày nay.
Nguyễn Thị Huyền đã đi vào lịch sử điền kinh Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Cô gái quê Nam Định hiện giữ kỷ lục là vận động viên Việt Nam đoạt nhiều Huy chương Vàng nhất tại sân chơi khu vực, 13 Huy chương Vàng ở các nội dung 400m, 400m rào, 4 x 400m.
Với giải vô địch châu Á, Nguyễn Thị Huyền cũng xuất sắc đoạt 3 Huy chương Vàng, trong đó 2 thuộc về nội dung 400m rào, 4 x 400m tiếp sức năm 2017 và 1 nội dung 4 x 400m tiếp sức năm 2023 tại Thái Lan, tổ chạy gồm: Nguyễn Thị Ngọc, Hoàng Thị Minh Hạnh, Nguyễn Thị Huyền và Nguyễn Thị Hằng. Ngoài ra, “bà mẹ một con” đã góp mặt tranh tài ở Olympic Brazil năm 2016.
Đặc biệt, vào tháng 1/2019, chỉ 3 tháng sau khi có con gái đầu lòng, Huyền đã trở lại tập luyện. Đến tháng 10/2019, cô tham dự giải điền kinh quốc tế TPHCM và đoạt cú đúp Huy chương Vàng, qua đó mở cửa trở lại đội tuyển Việt Nam. Tại SEA Games 30 - 2019, nữ tuyển thủ sinh năm 1993 đã giành 2 Huy chương Vàng.
“Những khi đi tập huấn, thi đấu, tôi nhớ con da diết, chỉ biết mở điện thoại xem lại các đoạn video của con rồi lấy đó là động lực để phấn đấu. Đời vận động viên có những lúc đơn độc, mệt mỏi kinh khủng nhưng tôi luôn động viên mình không được bỏ cuộc. Tôi cũng mong muốn sẽ truyền đạt cho các học trò kinh nghiệm mà mình rút tỉa được trong 15 năm thi đấu đỉnh cao”, Huyền chia sẻ.
“Nữ hoàng nhảy xa” Bùi Thị Thu Thảo
|
Bùi Thị Thu Thảo không đạt thành tích như kỳ vọng ở ASIAD 19. Ảnh: ITN.
|
Cũng như Nguyễn Thị Huyền, ngay sau khi giải vô địch điền kinh quốc gia 2023 kết thúc, Bùi Thị Thu Thảo chính thức thông báo giã từ sự nghiệp đội tuyển quốc gia. Vận động viên sinh năm 1992 sẽ tập trung điều trị chấn thương. Nếu có thể hồi phục, cô chỉ thi đấu các giải trong nước cho đội điền kinh Hà Nội, nếu không thể thi đấu tiếp thì chuyển sang công tác huấn luyện.
Bùi Thị Thu Thảo là vận động viên xuất sắc, thuộc loại “hiếm” của điền kinh Việt Nam. Sau 18 năm tập luyện và thi đấu, cô gái huyện Ba Vì (Hà Nội) sở hữu bộ sưu tập danh giá.
Trong đó, có thể kể đến Huy chương Vàng SEA Games 2017 với bước nhảy kỷ lục 6,68m và cũng trong năm này, cô giành Huy chương Vàng giải điền kinh vô địch châu Á với thành tích 6,54m.
Đỉnh cao trong sự nghiệp của Thu Thảo đạt được là Huy chương Vàng ASIAD 2018 tại Indonesia, với thành tích 6,55m. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, điền kinh Việt Nam có Huy chương Vàng tại đấu trường ASIAD.
Tuy nhiên, do lớn tuổi và chấn thương kéo dài, Thu Thảo không thể duy trì phong độ đỉnh cao và thành tích dần đi xuống. Tại SEA Games 32, Thu Thảo giành Huy chương Bạc, thành tích 6,13m; giải vô địch điền kinh châu Á 2023, 6,22m; ASIAD 19, 6,09m; giải điền kinh vô địch quốc gia 2023, 6,30m và chỉ giành Huy chương Bạc.
Mặc dù vậy, với những đóng góp cho điền kinh Việt Nam, việc Thảo tuyên bố chia tay đội tuyển quốc gia đã để lại nhiều tiếc nuối, đồng thời là khoảng trống khó lấp đầy, bởi hiện tại chưa có gương mặt nào có thể thay thế được Thảo “bò vàng” (biệt danh của Thu Thảo) ở nội dung nhảy xa nữ.
“Cô gái chăn bò” Phạm Thị Hồng Lệ
|
Phạm Thị Hồng Lệ để lại ấn tượng về nghị lực tại SEA Games 30. Ảnh: ITN.
|
Đúng vào ngày cuối cùng của năm 2023, trên trang cá nhân, chân chạy Phạm Thị Hồng Lệ đã thông báo về việc chia tay tuyển điền kinh Việt Nam. “Gần 11 năm đến với thể thao, 7 năm liên tiếp được tập trung đội tuyển quốc gia nhưng tôi vẫn đam mê và yêu thích bộ môn này.
Dẫu vậy, kể từ hôm nay (31/12/2023, P.V), tôi chính thức không còn là thành viên của đội tuyển quốc gia. Chấn thương vẫn luôn dai dẳng theo tôi hơn 2 năm qua. Tuy tôi chưa làm được nhiều điều lớn lao cho thể thao nước nhà, nhưng tôi vẫn tự hào khi đã khoác lên mình màu cờ sắc áo và cống hiến hết khả năng mình vì thể thao Việt Nam”, Lệ viết.
Sinh ra trong gia đình nghèo, tuổi thơ là những ngày tháng chăn bò, tìm rau nuôi lợn nên cô gái sinh năm 1998 ở Bình Định đã sớm được hình thành tố chất, ý chí cần có của vận động viên thi đấu đường trường môn điền kinh với các cự ly 5.000m, 10.000m và marathon, đồng thời xác định đến với thể thao chuyên nghiệp như là cánh cửa gia đình thoát nghèo.
Với đội tuyển quốc gia, Hồng Lệ đã giành Huy chương Đồng 10.000m tại SEA Games 2017. Đến SEA Games 2019, Lệ đoạt Huy chương Bạc 10.000m và Huy chương Đồng marathon.
Ở kỳ đại hội khu vực tiếp theo, cô gái Bình Định tập trung vào cự ly 10.000m và giành Huy chương Vàng SEA Games đầu tiên trong sự nghiệp, cùng Huy chương Bạc 5.000m. Tại SEA Games 2023, cô giành Huy chương Bạc 5.000m và 10.000m.
Hồng Lệ luôn được đánh giá cao, và là tấm gương cho nhiều vận động viên trẻ bởi ý chí và nghị lực. Đơn cử như nội dung marathon tại SEA Games 30, Hồng Lệ sau khi về đích ở vị trí thứ 3 đã phải cấp cứu trong phòng y tế, thở bằng oxy.
Trên bục nhận huy chương sau đó, Lệ đã khóc và chia sẻ, ngay cả trong lúc đau đớn và khó khăn nhất, cô chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc. Trong lời chia tay đội tuyển quốc gia, cô gái nhỏ bé quê Bình Định cho biết, đây là quãng thời gian để nghỉ ngơi, yêu thương bản thân và gia đình nhiều hơn, đồng thời phát triển thêm việc kinh doanh của riêng cô.
“Hot boy” thể dục dụng cụ Lê Thanh Tùng
|
Lê Thanh Tùng xịt lạnh để giảm đau và tiếp tục thi đấu tại SEA Games 32. Ảnh: ITN.
|
Tuyển thủ Lê Thanh Tùng cũng lựa chọn trang cá nhân để thông báo quyết định giải nghệ, kết thúc sự nghiệp với nhiều vinh quang và trở lại đơn vị chủ quản TPHCM với nhiệm vụ chuyên môn của mình. Tùng viết: “Tạm biệt Hà Nội sau 11 năm gắn bó.
Tại đây tôi đã tập luyện và thi đấu đạt nhiều thành tích cao mang vinh quang về cho thể thao Việt Nam! Từ một chàng trai trẻ vô lo vô nghĩ, bây giờ đã trở thành một người đàn ông có trách nhiệm, biết lắng nghe và thấu hiểu ngoài đời sống lẫn trong sự nghiệp thể thao.
Thành công của ngày hôm nay là một quá trình không phải chỉ một mình tôi mà có được, đằng sau đó là cả một tập thể hùng mạnh và sự đoàn kết chung tay tạo ra”.
Sinh năm 1995, Lê Thanh Tùng đến với thể dục dụng cụ từ rất sớm và bắt đầu nổi lên từ năm 2015, giành 2 Huy chương Vàng SEA Games tại Singapore. Và đến ngày chia tay, anh đã có tổng cộng 7 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc và 4 Huy chương Đồng SEA Games.
Năm 2017, Tùng làm nên lịch sử khi là vận động viên Việt Nam đầu tiên giành Huy chương Vàng giải vô địch thể dục dụng cụ châu Á, nội dung nhảy chống. “Hot boy” của đội tuyển thể dục dụng cụ Việt Nam này cùng Đinh Phương Thành đã giành quyền tham dự Olympic Tokyo 2020.
Bên cạnh thành tích ấn tượng, Tùng còn là mẫu người kiên trì, nỗ lực vượt qua khó khăn khi nhiều năm qua, anh luôn thi đấu trong tình trạng chấn thương dai dẳng.
Lê Thanh Tùng đã 2 lần được nhận Huân chương Lao động hạng Ba và 5 lần nhận bằng khen của Thủ tướng, bằng khen của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL cùng các bằng khen của Cục TDTT, đơn vị chủ quản TPHCM.
Trước khi nói lời chia tay đội tuyển quốc gia, anh cũng có sự chuẩn bị kỹ càng cho tương lai trong vai trò huấn luyện viên thể dục dụng cụ và đã tốt nghiệp đại học với chuyên ngành huấn luyện thể thao.
“Dị nhân” bóng đá nữ Trần Thị Thùy Trang
|
Trần Thị Thùy Trang nhận danh hiệu 'Quả bóng Bạc Việt Nam 2022'. Ảnh: ITN.
|
Trần Thị Thùy Trang đã nói lời chia tay đội tuyển nữ Việt Nam sau khi tham dự World Cup nữ 2023 tại New Zealand. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cuộc chia ly dường như không mong muốn này.
Có ý kiến cho rằng, việc không được ra sân ở Vòng chung kết World Cup nữ 2023 và sau đó, Trang không có tên trong danh sách tập trung đội tuyển nữ Việt Nam chuẩn bị ASIAD 19 khiến nữ cầu thủ sinh năm 1988 quyết định từ giã đội tuyển.
Thùy Trang từng được trang chủ FIFA nhận định là 1 trong 5 cầu thủ đáng xem của đội tuyển nữ Việt Nam tại World Cup nữ 2023. Vậy nên, sau khi cùng đội tuyển nữ Việt Nam trở về từ New Zealand, Thùy Trang đã không giấu được những giọt nước mắt khi không được ra sân phút nào ở sân chơi danh giá này.
Dù vậy, Thùy Trang cho biết cô tôn trọng quyết định của huấn luyện viên Mai Đức Chung và đây là thời điểm thích hợp để cô tập trung cống hiến cho bóng đá nữ TPHCM, tạo điều kiện cho các cầu thủ trẻ khác có cơ hội lên tuyển.
Trần Thị Thùy Trang là một trường hợp khá đặc biệt, thậm chí thuộc loại hiếm của bóng đá Việt Nam. Trước khi được gọi lên đội tuyển nữ Việt Nam (năm 2014), Thùy Trang đã tốt nghiệp Trường Đại học Thể dục Thể thao TPHCM (năm 2010), từng khoác áo đội tuyển futsal nữ Việt Nam giành 2 Huy chương Bạc ở các kỳ SEA Games 2011 và 2013.
Trong màu áo đội tuyển nữ Việt Nam, Thùy Trang được ví như “người không phổi”. Ở vòng loại World Cup nữ 2023, cô ghi dấu ấn lớn, góp công đưa đội tuyển nữ Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử tham dự giải đấu hàng đầu thế giới này.
Đến nay, sau 11 năm khoác áo đội tuyển quốc gia, cô sở hữu bảng thành tích đáng nể với 4 Huy chương Vàng SEA Games; 3 lần vô địch Đông Nam Á… và đoạt Quả bóng Bạc Việt Nam năm 2022.
Trong cơ thể cô gái nhỏ bé này vẫn còn đó 6 con vít cố định xương vai của chấn thương xảy ra hơn 10 năm về trước. Những con vít này, theo bác sĩ lấy ra sẽ rất đau, vì chúng đã ở sâu và lâu bên xương của Thùy Trang.
Theo Khánh Vy/Giáo dục & Thời đại