"Này sông ơi, ngọn nguồn của sông là từ nơi đâu?”Ai trong chúng ta chắc cũng từng một lần thầm hỏi câu ấy khi đứng trước dòng sông quê nhà. Trong suốt chiều dài hơn 700 năm lịch sử của vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế, nhiều dòng sông đã gắn tên mình cùng hành trình khai canh lập làng, dựng xây cuộc sống của bao thế hệ kế tiếp nhau. Trong bài viết này, tác giả Nguyễn Khoa Diệu Hà sẽ kể về dòng sông An Cựu. Hãy cùng lắng nghe tiếng đời sống của con người cùng mưa nắng của vùng đất mà sông đi qua.
Trong suốt chiều dài gần 30km từ đầu nguồn Cửa Khâu đến đập Cống Quan, sông An Cựu mang “bộ mặt” đô thị trong khoảng 5km đầu, rồi sông chảy thong dong đi qua những xóm làng rợp bóng tre xanh. Càng về gần biển, sông càng thênh thang giữa những cánh đồng lúa xanh rì và cuối cùng, dòng sông hòa mình vào màu nước biển xanh thẳm của Tổ quốc qua đập Cống Quan.
|
Đập Cửa Khâu – điểm khởi đầu dòng sông An Cựu. Ảnh: Nguyễn Khoa Diệu Hà |
Kỷ niệm với cánh đồng lúa nhận nước mát từ dòng sông An Cựu trong tôi là những ngày đi dạy học của cách đây hơn ba mươi năm. Mỗi sáng, tôi hẹn bạn cùng chờ nhau ở cầu An Cựu rồi đạp xe về trường cấp 2-3 Phú Đa (huyện Phú Vang) theo đường qua cánh đồng Thanh Lam. Đạp xe một quãng đường dài hơn hai mươi cây số trên chiếc xe đạp “cái này kêu, cái kia cũng kêu, chỉ cái chuông là không kêu”, nhiều khi tôi lấy cây lúa hai bên đường làm bạn.
Này là ruộng mạ vừa được cấy xong như em bé vừa biết đứng chập chững; rồi lúa lên xanh mượt mịn như một thảm nhung; một ngày kia lúa tỏa hương thơm thì con gái trong ngần và ở chặng sau cùng, khi đã gom đủ mưa, nắng, dưỡng chất từ đất mẹ, dòng nước tưới mát từ sông Lợi Nông và những giọt mồ hôi ướt đẫm lưng áo bạc màu của bác nông dân, để rồi một sớm mai, cánh đồng bất ngờ khoe những bông lúa sắc vàng mơ non nẻo, rồi bông lúa chín vàng sẫm hơn, càng chín càng cúi đầu, lúc ấy thì tôi biết chỉ độ mươi ngày nữa là mùa vàng thật sự về trên cánh đồng.
Hồi ấy bà con còn gặt lúa bằng liềm, cảnh làng quê yên tĩnh lắm. Ngày mùa, đi trên đường cũng nghe được tiếng trò chuyện lao xao trên cánh đồng. Nhiều lúc tôi đạp xe chậm lại, đi cùng những gánh lúa kĩu kịt trên vai của các chị, chào hỏi “Được mùa không chị?” và tôi nhận được cái gật đầu vui vẻ cùng lúc chị trở vai. Những ngày dạy học ở Phú Đa, vào mùa gặt là tôi được ăn cơm gạo mới thơm ngọt do mệ Ba nấu cho các thầy cô “trên Huế” về dạy ở trường. Tôi nhớ mệ Ba thường nói “Cơm gạo mới ruộng mình đó con, thơm ngon lắm!”. “Ruộng mình” của mệ Ba là những cánh đồng ở Phú Đa lấy nước tưới từ sông An Cựu, đoạn sông này bà con gọi là sông Đại Giang.
Sông An Cựu đi qua địa bàn 20 phường, xã, trong đó có nhiều vùng lúa đạt năng suất cao của tỉnh Thừa Thiên Huế như Thủy Dương, Thủy Phương, Thủy Thanh, Phú Lương... Ngày xưa, mỗi vụ lúa được mùa, các vua nhà Nguyễn đều có thơ mừng. Ngày nay, những cánh đồng mùa vàng của năm xưa vẫn tiếp tục đứng nhất, nhì tỉnh, là bài ca vui của nền nông nghiệp mới. Theo dòng An Cựu tôi cũng có hành trình tìm hiểu những cánh đồng được tưới nước từ dòng sông.
|
Hai lão nông Lê Văn Thạnh, Trương Quang Diên và tác giả trên cánh đồng lúa An Đông. Ảnh: Nguyễn Khoa Diệu Hà |
Gắn bó với công việc đồng áng hơn năm mươi năm, hai lão nông Lê Văn Thạnh và Trương Quang Diên, năm nay gần 75 tuổi, là hai lão nông “thứ thiệt” của Hợp tác xã Nông nghiệp An Đông (thành phố Huế). Nhà ở cạnh dòng sông nên với họ, sông An Cựu là kỷ niệm cả một đời người, từ lúc tóc còn xanh cho đến nay tóc đã bạc.
Những ngày hè, tuổi thơ tinh nghịch của cả hai ông và bạn bè trên dòng An Cựu là tắm sông, thi bơi, thi lặn. Kể chuyện xưa, hai lão nông cười như trẻ nhỏ, ông Trương Quang Diên tiếc nuối: “Bây giờ thì nước máy về đến tận nhà, sông An Cựu đã xanh, sạch trở lại nhưng cũng không còn ai tắm sông nữa, trên vài bến nước dọc đôi bờ chỉ còn các mệ, các chị rửa rau cho buổi chợ sớm, chợ chiều”. Ông Diên cũng kể về những vạn đò trên sông An Cựu: “Nếu không có chính sách tái định cư thì họ tội lắm, cứ đến mùa mưa lũ, nhiều đêm nghe tiếng kêu cứu từ những vạn đò. Bây giờ biết bà con mình an cư ổn định, tôi cũng mừng”.
Tháng Sáu, lúa hè thu vừa được hơn tháng tuổi, đủ nước nên xanh một màu tươi mát. Tôi nghe trong gió hương thơm dịu nhẹ, man mác, ngạc nhiên hỏi hai lão nông là sao lúa chưa trổ bông mà cánh đồng thơm thế này, cả hai ông cười nói: “Lá lúa nó cũng thơm. Đây là giống lúa mới HT1, thơm lắm”.
Khoát một vòng tay rộng chỉ về phía những thửa ruộng xa xa, đan xen là những khu chung cư cao tầng đang được xây dựng, lão nông Lê Văn Thạnh nói: “Ngày xưa, cả vùng này là cánh đồng rộng lớn, lúa trồng hai vụ mà chưa khi nào thiếu nước, tất cả đều lấy nước từ nguồn sông An Cựu. Cây hoa màu gì cũng đều nhờ nguồn nước sông An Cựu mà xanh tốt”. Giọng ông bỗng chùng xuống: “Những ruộng lúa này đã nằm trong quy hoạch, rồi đây những khu nhà cao tầng sẽ được xây lên, cũng là quy luật phát triển thôi nhưng nghĩ không làm ruộng nữa thì.. hơi buồn”.
Vùng cánh đồng An Cựu này ngày xưa nổi tiếng với giống lúa gạo De “Tôm rằn bóc vỏ bỏ đuôi/Gạo De An Cựu mà nuôi mẹ già”, giống gạo De xưa, nay không còn, thay vào đó là những giống mới như HT1, JO2... gạo cũng rất thơm ngon. Ở đây vẫn còn cánh đồng gọi là “ruộng Chúa”, trước chỉ dành riêng trồng lúa cung cấp cho hoàng gia. Cả dòng sông và cây lúa trên vùng đất này đều có câu chuyện kể của riêng mình.
|
Sông Lợi Nông từ trên cầu Lợi Nông nhìn xuống. Ảnh: Nguyễn Khoa Diệu Hà |
Tôi đứng trước cánh đồng lúa Thủy Dương (thị xã Hương Thủy) cùng ông Huỳnh Đức Long, 51 tuổi. Những ngày này, bà con đi làm sớm để tránh nắng, bón phân đợt này xong là chờ lúa trổ đòng, ông Long cho biết “Sông An Cựu đi qua làng tôi, bà con gọi là sông Lợi Nông. Đúng là Lợi Nông thiệt, cả cánh đồng bát ngát thế này mà nước vẫn đầy đủ cho lúa hè thu, thử hỏi có niềm vui nào lớn hơn”. Làm ruộng mùa hè mà không lo thiếu nước, những người làm nông sẽ hiểu câu nói này có giá trị to lớn như thế nào. Tôi hỏi ông về năng suất, ông cho biết bình quân đạt từ 3 tạ - 3,5 tạ/sào, tương đương 60-70 tạ/ha- cũng tùy thuộc vào giống lúa nhưng đạt như vậy là năng suất cao.
Sông An Cựu vừa nhận nước từ dòng chính sông Hương, vừa nhận nước từ sông Vực, sông Phú Bài nên nguồn nước rất dồi dào. Dòng nước từ sông An Cựu tỏa đi khắp các cánh đồng vùng phía Nam Huế nhờ vào hệ thống sông nhánh nhỏ (hói) và kênh cách ly bao phủ khắp các cánh đồng. Mùa hè nắng chói chang nhìn những dòng mương nhỏ đầy nước chảy im lìm quanh các thửa ruộng xanh, cái nắng nóng như cũng trôi tuột đi. Anh Võ Xuân - người vận hành Trạm bơm điện Sư Lỗ Đông- Cầu Long (huyện Phú Vang) đưa chúng tôi đi thăm trạm bơm. Hai ống thép rộng đưa dòng nước có màu bùn đất chảy ào ạt ra dòng kênh chính. Trạm bơm của anh có hai người thay nhau trực. Mùa hè cần nước nhiều, một kỳ bơm sẽ là 3 ngày 3 đêm liên tục, 24/24 giờ, sau đó là nghỉ 3-5 ngày để bảo dưỡng máy. Gần ba mươi năm vận hành trạm bơm, làm riết rồi anh yêu luôn tiếng máy, tiếng nước chảy ào ào.
“Phải yêu nghề chơ không yêu nghề làm sao sống nổi. Lương tháng có 6 triệu đồng, tui cũng làm thêm một mẫu ruộng, vợ chồng cùng chăm chỉ làm ăn, khéo léo cũng đủ nuôi ba đứa con ăn học”, anh Xuân vừa nói vừa đưa mắt tha thiết nhìn cánh đồng trước mặt rồi nhìn con kênh dẫn nước đang chảy im lìm bên cạnh. Anh cảm kích: “Tôi biết ơn dòng sông An Cựu- Lợi Nông, đó là ân nhân của nhà nông, là người bạn của tôi bao nhiêu năm qua!”
Đoạn sông An Cựu đi qua địa bàn huyện Phú Vang, bà con gọi tên sông là Đại Giang. Phải nhờ flycam bay mới thấy hết được vẻ đẹp của sông An Cựu ở đoạn cuối gần 20km trước khi đổ ra đầm Hà Trung, rồi ra biển. Càng về cuối, lòng sông càng rộng. Dòng sông uốn mình mềm mại đi giữa cánh đồng mênh mông với hàng trăm ô ruộng, mặt trời chiếu hàng ngàn tia nắng xuống mặt nước lấp lóa, nước và lúa như đang trong một điệu múa nhịp nhàng, tôi bỗng ước mình là cánh chim, bay lên, chao liệng để ngắm nhìn cho thỏa.
Khúc sông này là bầy vịt nuôi lông trắng xóa đang bơi lội kêu cạp cạp, khúc sông kia là một rớ cá nhà ai đang phơi lưới. Ông Nguyễn Đa - một lão nông ở xã Vinh Hà - huyện Phú Vang, đưa tay chỉ cánh đồng trước mặt nói với tôi: “Ruộng đồng nơi đây gần phá, gần biển, nếu không nhờ dòng nước sông Đại Giang tưới bồi thì làm răng cây lúa tươi tốt như vậy được. Tất cả nhờ nguồn nước ngọt mát lành của sông mà làm nên ruộng vườn, mùa màng no ấm của bà con tui”.
|
Sông An Cựu đổ ra đầm Hà Trung, qua đập Cống Quan (xã Vinh Hà, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế). Ảnh: Nguyễn Khoa Diệu Hà |
Mặt trời trải một màn nắng mịn như tơ vàng xuống cánh đồng. Hoàng hôn về chầm chậm, cánh đồng mang một vẻ đẹp thênh thang, tĩnh lặng, tôi đưa mắt nhìn về phía đầm Hà Trung mênh mông thấy mình như lạc vào chốn xưa, hình dung những ngày đầu cha ông đi mở cõi, bao gian nan kể mấy cho vừa. Tôi nghĩ về những chuyến tuần du trên sông An Cựu, thăm thú ruộng đồng, đời sống dân tình của các vua đầu triều Nguyễn, như còn nghe tiếng thơ của vua Minh Mạng (vị vua ở ngôi 21 năm, có 18 lần tuần du trên sông Lợi Nông): “Ngoài quách thung dung mới dạo quanh/ Nhọc nhằn ngụ chút khuyến nông tình/ Mắt trông vời vợi đồng tươi tốt/ Lòng thấy lâng lâng lúa mới xanh/ Mòng mọng đã đền người gắng sức/ Dồi dào cũng thỏa nguyện công thành” (“Đi tuần sông Lợi Nông xem cấy lúa, làm thơ” - Lê Nguyễn Lưu, Nguyễn Công Trí dịch).
An Cựu là dòng sông chứa nhiều điều kỳ lạ trong số phận. Dòng sông tự nhiên bị nhầm là sông đào, bị bồi lấp rồi được khai thông và hồi sinh ngoạn mục, bị ô nhiễm rồi được phục hồi. An Cựu là dòng sông vừa mang khuôn mặt đô thị, vừa mang khuôn mặt làng quê. Nếu cuối sông có tiếng thơ vua, tiếng hát ca được mùa thì đầu sông vang vọng Hịch tướng sĩ của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, dáng hình nhà yêu nước Phan Bội Châu trong mười lăm năm cuối đời ông bị Pháp an trí ở Huế trong ngôi nhà tranh đầu dốc Bến Ngự, những bản tình ca yêu thương con người, yêu thương hòa bình của người nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn trong ngôi nhà của gia đình ông ở đầu cầu Phủ Cam.
Tôi muốn kể về tiếng Hịch vang vọng trong đền Tân Phẩm Linh Từ thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, xây dựng năm 1857 bên dòng An Cựu, bởi lẽ khi nhìn thấy bài hịch viết bằng chữ Nôm ở hai bên cánh cổng “Dụ chư tì tướng hịch văn” của Hưng Đạo Vương và bức tranh vẽ cảnh vua Trần họp các bô lão ở điện Diên Hồng, tôi cảm xúc quá tự hào về lịch sử đất nước mình. Bà Nguyễn Thị Thanh Sung, năm nay bước sang tuổi 90 đang chăm sóc đền thờ, nói trong niềm thành kính “Trước đây hàng năm, vào ngày 20/8 âm lịch, lễ húy nhật của ngài, người khắp nơi theo sông An Cựu về dự đông lắm, làm nên cảnh thuyền bè đậu san sát ở khúc sông này”.
Lịch sử đôi khi được kể từ những trang đời dân dã như thế, tôi bỗng mong tour du lịch trên sông An Cựu sẽ sớm được hình thành như mong muốn của nhiều nhà nghiên cứu Huế. Con sông dài 30km nhưng chứa trong đó một phần lịch sử Huế trong hai thế kỷ XIX, XX từ thủy lợi, nông nghiệp, kiến trúc cung đình, kiến trúc dân gian cho đến những con người nổi tiếng đã từng in bóng nơi đây.
Tôi kết thúc hành trình khám phá, tìm hiểu về sông An Cựu, lòng thơm mát cả hương đất đai, mùa màng từ dòng nước của sông, ánh mắt ngời sáng niềm hạnh phúc của những cư dân vạn đò sông An Cựu, của những người nông dân ngày đêm chăm bẵm trên cánh đồng.
Theo Nguyễn Khoa Diệu Hà/Vietnamnet