Dù vậy, không ít người, đặc biệt là giới trẻ cho biết đã có không ít trải nghiệm thất vọng vì tin theo những video review, bài chia sẻ này…
Khác xa thực tế
Mỗi năm, Trần Hoa Phương (25 tuổi, nhân viên kinh doanh) đều cùng người yêu cố gắng sắp xếp công việc để có vài chuyến du lịch. Do thích đi du lịch tự túc thay vì theo mua tour, cô gái trẻ thường nghiên cứu kỹ điểm đến bằng cách đọc nhiều review trên mạng, hỏi thêm người thân, bạn bè từ cách di chuyển, lưu trú, thời tiết, món ăn ngon đến những rủi ro có thể xảy ra để lên lịch trình cụ thể. Cẩn thận là thế, nhưng không ít lần cặp đôi rơi vào cảnh “dở khóc dở cười”.
Trong chuyến đi Đà Lạt năm ngoái, Phương cùng người yêu và nhóm bạn của mình quyết định trải nghiệm hái dâu tây. Cả nhóm đã xem nhiều review về vườn dâu và cũng kiểm tra kỹ thời gian để đi đúng mùa ra trái. Tuy nhiên, sau khi bỏ công thuê xe máy chạy hơn chục cây số đường đèo dưới thời tiết âm u, tới nơi cả vườn dâu chỉ còn lèo tèo vài trái và khung cảnh cũng hoàn toàn khác so với hình ảnh trên review.
|
Trần Phương cùng người yêu có trải nghiệm không hề mong muốn khi đi du lịch theo lời khuyên trên mạng xã hội |
Trong một lần khác khi đi du lịch Sa Pa vào một thời điểm được cộng đồng gợi ý là vắng người và thời tiết “chiều lòng người”, Phương thậm chí đã không thể sử dụng tấm vé cáp treo với giá 750.000 đồng của mình. Lượng khách du lịch quá đông đúc ngay cả khi là ngày trong tuần khiến trải nghiệm của cả nhóm không được như mong đợi.
Theo Trần Phương, trong thời đại công nghệ số hiện nay, mọi thông tin du lịch có thể dễ dàng tìm kiếm trên internet, từ các hội nhóm chuyên review, vlogger đến trang web của công ty lữ hành. Ở đó, hình ảnh và đánh giá về đồ ăn, khung cảnh, thời tiết… của các địa điểm đều được chia sẻ cụ thể. Tuy nhiên, không phải tất cả đều phản ánh đúng thực tế.
“Không ít nội dung được trả tiền nên mọi thứ đều được thổi phồng quá mức. Đó có thể là bài quảng cáo của điểm du lịch hoặc sự cạnh tranh không lành mạnh từ đối thủ. Một số dựa trên quan điểm cá nhân, trải nghiệm riêng nên có thể với người này là đẹp, là ngon nhưng cá nhân khác thì không hoặc vào mùa hè thì đẹp, mùa đông lại không.
|
Các video, bài review đi du lịch trên mạng xã hội đang khiến nhiều người rơi vào tình cảnh "dở khóc dở cười' khi làm theo
|
Ngoài tham khảo thông tin từ nhiều nguồn, mọi người luôn cần sẵn sàng tâm lý có thể có những khác biệt trên thực tế so với review để tránh cảm giác hụt hẫng và giúp chủ động hơn trong việc đón nhận trải nghiệm”, Phương chia sẻ.
Không đúng như kỳ vọng
Từng nhiều lần đi theo gợi ý của người khác, Nguyễn Hạnh Huyền (24 tuổi, nhân viên ngân hàng) nhận thấy việc một địa điểm trở nên hot nhờ trên mạng rồi đông người kéo đến theo, cũng góp phần vào gây ra câu chuyện thực tế khác xa review.
“Những bài review, clip thường đi kèm tiêu đề “nhất định phải đến”, “không thể bỏ qua” ban đầu nghe cũng hấp dẫn, nhưng mà để mình tin hoàn toàn thì có lẽ là không.
Ví dụ như ở Đà Lạt, tiệm bánh Cối xay gió là nơi check-in nổi tiếng, hầu như ai đi Đà Lạt về cũng có ảnh chụp ở đó. Như nhiều du khách khác, mình cũng tò mò. Tuy nhiên, khi đến tận nơi, mình khá hụt hẫng vì không có gì đặc sắc, cộng với cảnh tượng mọi người đứng chen chúc, xếp hàng chờ chụp ảnh nên mình chọn rời đi luôn”, Hạnh Huyền nhớ lại.
|
Hạnh Huyền khá hụt hẫng khi các điểm đến du lịch không đúng như trong miêu tả tại các bài review
|
Theo Hạnh Huyền, nếu các điểm tham quan đẹp như trên hình và đông vừa phải, cô sẽ nán lại chụp hình. Còn không, cô sẵn sàng bỏ qua, đến địa điểm tiếp theo để không phí thời gian, thay vì cố có tấm ảnh “sống ảo” giống những người khác. Vấn đề về ăn uống cũng lặp lại lần nữa đối với cô gái trẻ trong lần tới Hội An hồi tháng 6 vừa qua.
“Đến Hội An, mình cũng thử một vài chỗ bán cơm gà, bánh mì nổi tiếng nhưng cảm nhận chung là bình thường và khá đắt, du khách ăn là chính. Còn những quán ăn ngon, đông người địa phương tới lại thường rất ít được nhắc tới trong các bài review phổ biến”, Huyền nói.
Vì vậy, để chuẩn bị cho chuyến đi Thái Lan sắp tới, Huyền cho biết cô vẫn tham khảo từ review từ cộng đồng. Bên cạnh đó, cô gái trẻ cũng sẽ lên YouTube và các nền tảng mạng xã hội khác để tìm kiếm các video quay cảnh ngoài thực tế, có các góc khác nhau, thay vì chỉ xem ảnh.
Giống như Trần Phương hay Hạnh Huyền, trước mỗi chuyến đi du lịch, Ngọc Long (24 tuổi, nhân viên bán hàng) thường tìm kiếm trong các hội, nhóm review du lịch trên mạng xã hội để xem các địa điểm tham quan nổi tiếng, cùng với các địa chỉ ăn ngon nên thử. Sau đó, Long sẽ lựa ra những nơi thấy hứng thú và phù hợp nhất với lịch trình. Dù vậy, chàng trai trẻ vẫn không tránh khỏi vài lần “thất vọng” vì thực tế khác xa với đánh giá trên mạng.
“Trong chuyến đi vào TP Hồ Chí Minh, mình ghé tới một quán cà phê khá nổi tiếng, có đông người check-in và dành nhiều lời khen về không gian lẫn chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, theo trải nghiệm cá nhân, mình thấy nhân viên không được nhiệt tình, menu không đa dạng, đồ uống có giá cao mà lại không ngon”, Long kể.
|
Ngọc Long cho biết sẽ không quá kỳ vòng vào các bài review du lịch như trước
|
Theo Long, hình ảnh “sống ảo” mà người review đăng tải là yếu tố thu hút khiến chàng trai trẻ và hội bạn cho quán cà phê vào lịch trình du lịch.
“Góc đẹp để chụp ảnh check-in có lẽ là điểm duy nhất mình thấy người review viết chính xác. Còn bên ngoài những chỗ có đầu tư thiết kế, trang trí trong quán, mình thấy những góc khác không được chú trọng, bàn ghế lộn xộn”, Long chia sẻ.
Sau vài lần hụt hẫng vì đi theo review, Long cho biết khi đi du lịch, anh vẫn có thể đến địa điểm hot trên mạng, nhưng không còn đặt quá nhiều kỳ vọng. Thay vào đó, Long sẽ đi với tâm thế trải nghiệm xem bên ngoài có giống như những gì mình đã đọc không. Ngoài ra, với cùng một địa điểm, chàng trai trẻ sẽ tìm đọc những bài đánh giá khác nhau và dành thời gian đọc cả phần bình luận bên dưới để xem ý kiến của người khác.