Nhà vô địch Olympia 2010: "Ai cũng hỏi các quán quân thành đạt chưa"

Google News

Sau 12 năm vô địch Olympia, Phan Minh Đức cho rằng bản thân chưa thành công.

Nha vo dich Olympia 2010:

 

Sau khi vô địch Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 10, Phan Minh Đức (sinh năm 1992, Hà Nội) sang Australia theo học ngành Tài chính - Kế toán tại Đại học Swinburne. Tại đây, anh tiếp tục lấy bằng thạc sĩ ngành Chính sách ngân hàng và có nghiên cứu về Kinh tế lượng. Hiện Đức là nghiên cứu sinh ngành Kinh tế, tham gia giảng dạy ở Australia đồng thời phát triển dự án giáo dục tại Việt Nam.

Đã 12 năm trôi qua, tôi vẫn nhớ y nguyên cảm giác đứng trên sân khấu Olympia 2010, không chỉ ở trận chung kết năm mà tất cả vòng thi. Với tôi, một cuộc thi có loại trực tiếp thì vòng nào cũng là chung kết.

Tất nhiên, ở trận thi cuối cùng, mọi thứ sẽ khác hơn rất nhiều, từ việc chương trình được phát sóng trực tiếp với hàng triệu người xem đến điểm cầu truyền hình tại các trường.

Những điều này mang đến cảm xúc rất mạnh và khó quên.

“Sức nặng” của vòng nguyệt quế

Sau thời điểm vô địch, mọi người nhìn tôi với mặc định là “Phan Minh Đức Olympia” chứ không phải Phan Minh Đức đơn thuần nữa.

Tôi không phủ nhận việc đó có đôi chút áp lực, nếu không muốn nói là tương đối lớn.

Nhiều lúc, áp lực lại đến từ những sự quan tâm như “Các quán quân Olympia đang làm gì? Đã thành đạt hay chưa? Đã có cống hiến hay đóng góp gì chưa? Còn học giỏi không?”.

Nha vo dich Olympia 2010:

Phan Minh Đức là cựu học sinh THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Anh là nhà vô địch Olympia đầu tiên đến từ Hà Nội.

Theo tôi, có sự nhầm lẫn tương đối phổ biến: Đường lên đỉnh Olympia là cuộc thi kiến thức dành cho học sinh chứ không phải tìm kiếm nhân tài học thuật.

Các thí sinh tham gia, cho dù thắng cuộc hay chưa đạt thành tích, đều là những học sinh có năng lực, trong đó nhiều người rất giỏi. Tuy nhiên, từ những học sinh giỏi đến với sự thành đạt, thành công là khoảng cách rất xa và phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Vậy nên, tôi mong mọi người hãy nhìn cuộc thi với góc độ nhẹ nhàng và kỳ vọng nhỏ hơn để vòng nguyệt quế khi các thí sinh đội lên được giảm đi “sức nặng”.

Tuy vậy, việc trở thành quán quân Olympia không phải chỉ mang cho tôi áp lực. Nhờ danh hiệu này, tôi có nhiều cơ hội tham gia dự án xã hội hoặc làm khách mời cho dự án của các bạn học sinh, sinh viên. Từ đó, tôi có thêm trải nghiệm và góc nhìn hơn.

Thành thật mà nói, tôi học được rất nhiều từ các bạn trẻ hay còn gọi là thế hệ Gen Z bây giờ.

Ngoài ra, sự hợp tác trong công việc hoặc kết bạn ngoài cuộc sống cũng dễ dàng hơn một chút ở giai đoạn đầu. Sau đó, tôi vẫn phải chứng minh bản thân.

Ở góc độ truyền thông, các quán quân Olympia được ưu ái và xuất hiện nhiều cũng là sự thuận lợi.

Không phải về nước mới là cống hiến

Tôi thấy một điều là bất kỳ bài đăng nào liên quan đến Olympia thì đều có bình luận “Cuộc thi tìm kiếm nhân tài cho Australia”.

Xin khẳng định một điều thế này: Australia (hay châu Âu, Mỹ) có rất nhiều nhân tài, giỏi và thành công hơn chúng tôi gấp nhiều lần.

Ở Việt Nam là nhà vô địch Olympia, nhưng khi đến Australia, chúng tôi là du học sinh bình thường như hàng nghìn người khác. Chúng tôi vẫn phải cố gắng, phấn đấu từng ngày, thậm chí còn áp lực hơn để đáp ứng được kỳ vọng của mọi người.

Hơn nữa, mọi người chỉ nhìn việc các quán quân Olympia sống tại Australia nhưng đâu biết được thực sự họ đã đóng góp gì về vật chất hay tri thức cho Việt Nam? Bản thân những anh chị thành công, thành đạt tại đây cũng là sự đóng góp về việc giới thiệu hình ảnh Việt Nam với bạn bè quốc tế rồi.

Nha vo dich Olympia 2010:

Nhà vô địch Olympia 2010 hiện tiếp tục con đường học thuật tại Australia.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo quan điểm của tôi, không nhất thiết cứ phải về Việt Nam sinh sống và làm việc mới có thể cống hiến cho đất nước.

Bản thân tôi nếu về nước có thể đóng góp trực tiếp bằng cách đi làm, đóng thuế hoặc tạo ra sản phẩm, dịch vụ hay giá trị nào đó. Nhưng nếu ở Australia, tôi cũng làm được những việc tương tự và đóng góp cho Việt Nam ở góc độ tài chính.

Khách quan mà nói, về nước làm việc sau khi đi du học cũng có đôi chút khó khăn.

Khó khăn ở đây không phải là về cơ sở vật chất hay điều kiện mà về những rào cản khác như sự thích nghi và tính phù hợp.

Việc học tập tại một nền giáo dục, môi trường và bắt đầu công việc tại một môi trường khác là thách thức lớn, đòi hỏi thời gian để có thể thích nghi.

Nếu là nhà tuyển dụng trong nước, tôi chắc chắn ưu tiên chọn sinh viên học trong nước thay vì du học sinh mới vừa tốt nghiệp và trở về.

Tôi nghĩ rằng đây là một trong rất nhiều yếu tố để các bạn cân nhắc khi trả lời câu hỏi rằng mình sẽ tiếp tục lập nghiệp như thế nào, ví dụ như khoảng cách với gia đình, cơ hội việc làm, khả năng tài chính, môi trường sống, chuyện tình cảm cá nhân. Đây là quyết định hoàn toàn thuộc về cá nhân và không nên có sự phán xét đúng sai cho lý do mà mỗi người đưa ra.

Tôi cũng đã suy nghĩ rất nhiều về việc về nước hay ở lại, nhưng quyết định còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Quan trọng nhất có lẽ là công việc và phát triển sự nghiệp. Ở Việt Nam hiện tại, có rất nhiều tiềm năng để phát triển nên việc quay trở về cũng là lựa chọn khả thi.

Thêm nữa là vấn đề gia đình. Hiện tại, tôi vẫn còn độc thân nên lựa chọn sẽ dễ dàng hơn nhưng sau này khi có gia đình chắc hẳn cũng cần suy nghĩ nhiều hơn.

Nha vo dich Olympia 2010:

Nha vo dich Olympia 2010:

Phan Minh Đức cho rằng về nước hay ở lại sau khi du học là quyết định lớn của mỗi cá nhân và không nên có sự phán xét đúng sai.

Từng về giảng dạy ở trường đại học tại Việt Nam, tôi thấy môi trường học thuật trong nước đang có bước chuyển biến tích cực, phát triển rất nhanh và thu hút được nhiều anh chị giảng viên từ khắp nơi trên thế giới trở về giảng dạy.

Về trình độ hay khả năng của các bạn sinh viên, theo tôi, không có sự khác biệt quá lớn. Từ kinh nghiệm cá nhân, tôi thấy sinh viên Việt Nam nhìn chung rất chăm chỉ và thường thể hiện rõ sự cố gắng trong các môn học. Mặt khác, sinh viên Australia hay các nước phương Tây mạnh dạn và nhỉnh hơn đôi chút trong những hoạt động liên quan tới thuyết trình hay thảo luận.

Điểm khác biệt dễ thấy nhất giữa hai nhóm sinh viên mà tôi trực tiếp giảng dạy là sự chủ động tiếp cận giáo viên/đội ngũ giảng dạy. Có lẽ do khác biệt về văn hóa, các bạn sinh viên Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung thường giữ khoảng cách nhất định với thầy cô. Trong khi đó, tôi không nhận thấy điều này ở các bạn sinh viên phương Tây.

Đóng góp cho giáo dục

Mong muốn của tôi là được hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và giúp các bạn trẻ có nhận thức đúng đắn về định hướng nghề nghiệp trong tương lai.

Sử dụng nền tảng mạng xã hội là phương thức hiệu quả để tôi tiếp cận gần hơn với các bạn thông qua các group, fanpage, talkshow mà tôi tạo lập và tổ chức. Đối với tôi, đây vừa là cách để khẳng định bản thân, vừa giúp chia sẻ và đóng góp giá trị tới cộng đồng, xã hội.

Ngoài công việc riêng, tôi đang cùng một số bạn du học sinh xây dựng và phát triển dự án giáo dục hướng nghiệp. Hiện tôi hoạt động chủ yếu trên fanpage Hello Phan Đức đây và group Ra trường làm gì - Hướng nghiệp 4.0. Đây là 2 kênh chính để tôi tiếp cận gần hơn tới các bạn học sinh, sinh viên.

Trong năm vừa qua, tôi đã thực hiện chuỗi tọa đàm hướng nghiệp “Future Talk” nhằm giúp các bạn trẻ có cái nhìn cụ thể hơn về ngành nghề mình quan tâm. Năm nay, tôi và cộng sự cũng có nhiều dự án khác đang phát triển, rất mong nhận được sự ủng hộ của mọi người.

Nha vo dich Olympia 2010:

Phan Minh Đức cho hay do tình hình dịch bệnh, Tết Âm lịch năm nay, anh sẽ chỉ gặp gỡ một số người bạn và không có hoạt động gì đặc biệt.

Bước ra từ sân chơi Olympia, tôi nghĩ mình chưa thành công ở cả góc độ chủ quan và khách quan.

Quan điểm của tôi về sự thành công là tạo ra được nhiều giá trị, có thể vô hình hoặc hữu hình, có thể đo lường được bằng con số, của cải, vật chất hay bằng những ý nghĩa xã hội, đóng góp cho sự phát triển chung. Nhưng dù theo thước đo nào, tôi cũng chưa tạo ra được quá nhiều giá trị.

Tôi hy vọng thông qua những dự án đang thực hiện có thể phần nào giúp ích được các bạn học sinh, sinh viên trong tương lai.

Tôi sang Australia 10 năm rồi. Trước đây, khi chưa có dịch bệnh, tôi về thăm gia đình khá nhiều, gần như Tết năm nào cũng về.

Năm nay, Australia và Việt Nam chưa mở đường bay thương mại một cách rộng rãi. Hơn nữa, tôi cần hoàn thành một số công việc nên không thể về quê hương ăn Tết. Cũng hơi buồn một chút.

Cá nhân tôi nghĩ cho dù đi xa đến đâu hay bao lâu chăng nữa, tôi vẫn là người Việt Nam. Và cũng giống như bao người Việt khác, Tết là dịp để đoàn viên, sum vầy bên gia đình.

Dù có từ Australia hay ở đâu về, cũng giống như các bạn đi học, đi làm xa nhà khác, đó là cảm giác rất khó diễn tả bằng lời. Ai đi xa sẽ hiểu.

Theo Zingnews.vn