Người trẻ Trung Quốc bỏ văn phòng đi bán hàng rong

Google News

Số lượng quầy hàng rong ở Trung Quốc gia tăng trở lại với sự tham gia của nhiều người trẻ - những "cựu" nhân viên văn phòng muốn tìm lối thoát cho cuộc sống công sở áp lực.

Nguoi tre Trung Quoc bo van phong di ban hang rong

Mô hình bán rong lưu động trên xe hơi được người trẻ Trung Quốc ưa chuộng. Ảnh: Beauty de booth.

Vào các buổi tối cuối tuần, Nabi tỉ mỉ trưng bày các món đồ thủ công tự làm tại một khu chợ trời ở thành phố Tây An. Sau đó, cô đợi các nhân viên văn phòng trẻ tuổi ghé qua quầy hàng của mình, hy vọng họ sẽ mua thứ gì đó, theo Sixth Tone.

Nabi (27 tuổi) từng thuộc về thế giới cổ cồn trắng đó. Cô vốn là một kỹ sư kiểm thử phần mềm, dành các ngày làm việc để sửa lỗi và liên tục tham gia các cuộc họp.

Thế nhưng, cô đã nghỉ việc vào tháng 5 để tự kinh doanh như một người bán hàng rong.

“Giờ đây, tôi có thể làm việc ít đi mỗi khi không có tâm trạng, và bắt đầu công việc vào nửa đêm khi nguồn cảm hứng thiết kế xuất hiện. Suốt 4 tháng qua, tôi kết bạn với một số người bán có cùng chí hướng và trao đổi một số ý tưởng, từ các địa điểm bán sinh lời cho đến quan điểm về cuộc sống, tương lai”, cô kể lại.

Nguoi tre Trung Quoc bo van phong di ban hang rong-Hinh-2

Những người bán hàng rong trẻ tuổi bán nước chanh tự làm và các món tráng miệng ở Thượng Hải hồi tháng 7. Ảnh: Jackie Zhu.

Các phố hàng rong sống lại

Được mệnh danh là ngành công nghiệp “huyết mạch của Trung Quốc”, những người bán hàng rong và chợ đêm đang dần trở lại xứ tỷ dân sau nhiều năm bị hạn chế và coi là công việc dành cho tầng lớp thấp kém.

Sự thay đổi đối với mô hình kinh doanh nhỏ này phần nào được thúc đẩy bởi mong muốn thoát khỏi văn hóa làm việc áp lực của người trẻ thành thị Trung Quốc và thử nghiệm triết lý carpe diem (tạm dịch: Hãy cứ tận hưởng cuộc sống hôm nay đã).

Nguoi tre Trung Quoc bo van phong di ban hang rong-Hinh-3

Nhiều bài đăng về quầy bán rong trên mạng xã hội Trung Quốc.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ở các thành phố như Thượng Hải, hình ảnh người trẻ bán cà phê, phụ kiện và tranh vẽ dọc theo những con đường rợp bóng cây và các quán bar di động được thiết lập bên trong ôtô trên những khu phố thời thượng ngày càng dễ thấy, đặc biệt sau khi lệnh phong tỏa kết thúc hồi tháng 6.

Ngày 22/9, Thượng Hải đã bãi bỏ lệnh cấm toàn diện đối với với doanh nghiệp bán hàng rong ven đường sau 20 năm, cho phép họ hoạt động trong các khu vực được chỉ định.

Trong khi đó, các thành phố khác như Nam Kinh đưa ra loạt biện pháp, từ cấp giấy phép hành nghề chính thức đến thúc đẩy hợp tác xuyên ngành tháng này.

Những người bán hàng rong cũng xuất hiện phổ biến trên các nền tảng mạng xã hội. Không chỉ giới thiệu doanh nghiệp của mình, họ chia sẻ kinh nghiệm và động lực kinh doanh.

Một hashtag liên quan đến chủ đề này đã thu hút gần 40 tỷ lượt xem trên Douyin. Còn ở Xiaohongshu, có hơn 1,5 triệu bài đăng của những người bán hàng rong, chia sẻ từ công thức nấu nướng đến kế hoạch kinh doanh của họ nhằm truyền cảm hứng cho người khác.

"Đây là một cộng đồng thân thiết, điều mà tôi chưa từng có ở những công việc trước đây”, Nabi nói.

Sự cứu cánh

Trong khi những người như Nabi trở thành người bán hàng rong để thoát khỏi chốn công sở áp lực, một số khác lại theo đuổi nghề này khi nỗi lo lắng bủa vây.

Trong bối cảnh các hạn chế Covid-19 đã góp phần vào tỷ lệ thất nghiệp cao của giới trẻ thành thị, cũng như gây khó dễ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những mô hình kinh doanh chi phí thấp như bán hàng rong nổi lên như một giải pháp thay thế.

Yang Wen (28 tuổi), đến từ tỉnh Quý Châu, là một trong số đó. Đại dịch khiến một nhà hàng lẩu và quán bar của anh phải đóng cửa. Hiện anh bán đồ ngọt ngoài phố với quầy hàng là cốp xe hơi của mình. Đây là nguồn thu nhập chính của anh và cũng là cách để Yang trả các khoản nợ.

“Gia đình và người thân không bao giờ hiểu được quyết định này của tôi. Họ không nhận ra rằng tôi sẽ không thoát khỏi nợ nần nếu chỉ làm công việc bình thường với mức lương ít ỏi”, anh nói.

Nguoi tre Trung Quoc bo van phong di ban hang rong-Hinh-4

Yang Wan và quầy bán đồ ngọt di động của mình.

Thái độ của gia đình Yang phần nào phản ánh sự khinh thường tồn tại lâu nay ở xã hội Trung Quốc đối với những người bán hàng và bản chất không ổn định của nó. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng điều quan trọng là giới chức thừa nhận giá trị kinh tế của ngành nghề này.

Sau 4 tháng kinh doanh, quầy bán đồ ngọt di động của Yang đã hòa vào nhịp sống thành thị. Anh thường bắt đầu bán vào 20h, chuẩn bị một không gian hấp dẫn với đèn cổ tích, bảng hiệu, bàn ghế kiểu cắm trại.

Quầy hàng rong của Yang trở thành điểm lui tới nổi tiếng của những người trẻ Trung Quốc ở thành phố. Trung bình, anh đón tiếp khoảng 200 khách hàng mỗi ngày, kiếm được hơn 30.000 NDT (4.320 USD) mỗi tháng.

Cùng với đó, anh phải đối mặt với một số khó khăn, như không có giấy phép kinh doanh, nhu cầu tiêu dùng yếu và giá thành nguyên liệu tăng cao.

“Tôi không có kế hoạch duy trì hoạt động kinh doanh này mãi mãi. Nhưng nó sẽ đặt nền tảng vững chắc cho những dự định trong tương lai của tôi”, anh nói.

 

Theo Ánh Dương/Zing