Kết thúc cuộc họp với khách hàng ở văn phòng, Ayaka Kizu, nhà thiết kế web ở Tokyo, có thể tháo phần băng dán y tế trên cánh tay phải ra, để lộ hình xăm một con kỳ lân nhiều màu sắc.
Cô gái 28 tuổi là một trong số ngày càng nhiều thanh niên chống lại định kiến lâu đời của Nhật Bản đối với hình xăm, vốn thường bị đánh đồng với tội phạm có tổ chức, theo New York Times.
Được truyền cảm hứng từ những người có ảnh hưởng Nhật Bản và nghệ sĩ nước ngoài, năm 19 tuổi, Kizu quyết định xăm hình trăng lưỡi liềm lên đùi phải để thể hiện sự yêu thích dành cho bộ truyện tranh Sugar Sugar Rune. Sau đó, cô xăm thêm 5 hình nữa.
Vì đã bắt đầu đi làm thêm từ khi học đại học, Kizu phải tìm cách che đi các hình xăm của mình. Ví dụ, cô xõa tóc để che đi một hình ở sau tai. Trừ một số môi trường làm việc thoải mái, việc để lộ hình xăm về cơ bản vẫn bị cấm.
"Đau lòng thật, nhưng miễn là tôi giấu chúng khi làm việc, tôi không bận tâm. Tôi muốn trông thời trang và chỉ đơn giản là quyết định xăm chúng".
Với mỗi lần lên mạng, giới trẻ Nhật Bản lại tiếp xúc nhiều hơn với những hình xăm của các ca sĩ, người mẫu nổi tiếng, dần xóa bỏ sự kỳ thị đối với nghệ thuật xăm và mạnh dạn thách thức những kỳ vọng của xã hội về ngoại hình.
|
Kizu phải dùng băng cá nhân che đi hình xăm ở cánh tay khi làm việc.
|
Cởi mở
Theo Yoshimi Yamamoto, nhà nhân học văn hóa tại Đại học Tsuru, hiện có khoảng 1,4 triệu người Nhật Bản trưởng thành có hình xăm, gần gấp đôi so với con số năm 2014.
Năm 2020, Tòa án Tối cao Nhật Bản ra phán quyết những người không phải chuyên gia y tế được cấp phép có thể thực hiện xăm hình. Theo một cuộc khảo sát do một công ty công nghệ thông tin thực hiện vào năm 2021, 60% người ở độ tuổi 20 trở xuống tin rằng các quy tắc chung liên quan đến hình xăm nên được nới lỏng.
Ở các thành phố lớn như Tokyo và Osaka, việc để lộ hình xăm ngày càng phổ biến với nhân viên dịch vụ ăn uống, nhân viên bán lẻ hay người làm việc trong ngành thời trang. Takafumi Seto (34 tuổi) mặc chiếc áo phông khoe những hình xăm từ mực đen và đỏ trên tay khi đang làm nhân viên pha chế tại một quán cà phê thời thượng ở Shinjuku.
|
Seto bắt đầu xăm hình nhiều khi chuyển tới Tokyo sinh sống.
|
Phần lớn hình được Seto xăm sau khi chuyển từ một vùng ngoại ô phía Tây Nhật Bản đến Tokyo 10 năm trước. Bà anh không biết về những hình xăm này, vì vậy, anh chỉ về thăm bà vào mùa đông, khi có thể mặc áo dài tay.
“Tôi nghĩ rằng rào cản đối với việc xăm hình đã giảm bớt. Trên Instagram, mọi người khoe hình xăm của họ. Bây giờ, hình xăm 'OK' rồi".
Hiroki Kakehashi (44 tuổi), thợ xăm nổi tiếng với nhiều phụ nữ ở độ tuổi 20 nhờ những hình nhỏ cỡ đồng xu, cho biết khách hàng của anh hiện nay đến từ nhiều ngành nghề khác nhau: nhân viên chính phủ, giáo viên trung học, y tá.
"Họ thường xăm ở những chỗ có thể che đi, nhưng có nhiều người xăm hình hơn tưởng tượng".
Thay đổi
Hình xăm có lịch sử lâu đời tại Nhật Bản và thường được gắn liền với hình ảnh tội phạm có tổ chức. Đến năm 1948, loại hình nghệ thuật này mới được hợp pháp hóa nhưng sự kỳ thị vẫn còn.
Yakuza, hay xã hội đen Nhật Bản, thường có “wabori” từ cổ đến mắt cá chân - loại hình xăm khắc tay truyền thống ở Nhật Bản. Vì hình ảnh những tổ chức tội phạm này, nhiều khu nghỉ dưỡng suối nước nóng, bãi biển hay phòng tập gym cấm những người có hình xăm. Các công việc văn phòng cho phép xăm hình vẫn ít ỏi, nhiều công ty cấm ứng viên "dính mực".
Hình xăm cũng được xem là một trong những điều vi phạm chuẩn mực về vẻ ngoài mà người Nhật Bản mong muốn và những người đi chệch hướng chuẩn mực đó có thể bị phạt.
Năm 2016, hai nhân viên lái tàu điện ngầm từng nhận đánh giá tiêu cực sau khi từ chối cạo râu. Năm 2017, một nữ sinh trung học có mái tóc nâu tự nhiên ở Osaka kiện chính quyền sau khi bị phạt vì không nhuộm đen.
|
Nhiều địa điểm công cộng ở Nhật Bản như phòng gym, suối nước nóng không tiếp người có hình xăm.
|
Tuy nhiên, các quy định đang dần được nới lỏng sau khi vấp phải nhiều sự phản ứng.
Năm 2019, Coca-Cola Nhật Bản thông báo sẽ cho phép nhân viên mặc quần jeans và giày thể thao để "khuyến khích tính cá nhân". Tháng trước, Hội đồng Giáo dục Tokyo thông báo gần 200 trường công lập sẽ bỏ 5 quy định về ngoại hình, bao gồm yêu cầu học sinh để tóc đen hay quy định loại đồ lót.
Về xăm hình, vụ việc dẫn đến quyết định đột phá của Tòa án Tối cao Nhật Bản bắt đầu vào năm 2015, khi Taiki Masuda (34 tuổi) thợ xăm ở Osaka, bị cảnh sát phạt tiền vì vi phạm đạo luật hành nghề y.
Nghệ nhân này từ chối trả số tiền phạt 300.000 yen (3.750 USD) vì cho rằng điều này “đồng nghĩa với việc thừa nhận xăm là có tội và tất cả nghệ nhân xăm hình đều là tội phạm” đồng thời đưa vụ việc ra tòa.
|
Hình xăm đang dần được đón nhận ở Nhật Bản, nhất là trong giới trẻ.
|
Sau đó, một nhóm thợ xăm kỳ cựu, nhà cung cấp và luật sư cùng thành lập Tổ chức Thợ xăm Nhật Bản. Với sự tư vấn của hai bác sĩ, nhóm cung cấp khóa học online về vệ sinh và an toàn. Tổ chức này hiện đàm phán với Bộ Y tế, mong muốn chính phủ khuyến khích tất cả thợ xăm tham gia khóa học.
Cẩn trọng
Tán thành cách tiếp cận dần dần với xã hội, một số thợ xăm Nhật Bản kỳ cựu cũng lo ngại việc một số người thuộc thế hệ trẻ phớt lờ các quy định về cấm xăm hoặc xem nhẹ những đặc ân mới được nhận.
"Chúng ta cần cư xử đúng mực và tuân theo các quy tắc. Hình ảnh tốt cần thời gian dài để xây dựng còn ấn tượng xấu có thể tạo ra trong chốc lát", Asami, thợ xăm 50 tuổi, nói. Anh mới được đăng ký tập gym trở lại ở phòng tập địa phương 2 năm trước.
|
Asami hy vọng giới xăm mình cẩn trọng để ngày càng được xã hội chấp nhận.
|
Một trong những người trẻ vừa bước vào thế giới xăm hình là Rion Sanada (19 tuổi). Cô có hình xăm đầu tiên cách đây không lâu. Dù bắt đầu tìm công việc toàn thời gian, cô không cảm thấy quá lo lắng.
“Tôi sẽ chỉ đi làm ở nơi tôi có thể che tay và chân trong trang phục rộng. Bây giờ, hình xăm phổ biến hơn nhiều rồi. Tôi sẽ làm việc ở những nơi như vậy đến khi xã hội bắt kịp và tôi được tự do khoe ra hình xăm".
Theo Zing