Nghệ sĩ 8X mai mối khoa học với nghệ thuật

Google News

(Kiến Thức) - Là dân CNTT, nghệ sĩ thị giác Triệu Minh Hải mang đến sự kết hợp thú vị, đầy thách thức giữa nghệ thuật và khoa học.  

Máy tính có cảm xúc
Ấn tượng đầu tiên khi gặp nghệ sĩ thị giác Triệu Minh Hải là trông không giống nghệ sĩ. Trẻ, quần bò, áo khoác gió bình thường. Trông anh Hải giống “dân” làm kỹ thuật hơn là một nghệ sĩ lãng tử. Giữa không gian của phòng triển lãm “LatcarFFractal”, triển lãm cá nhân đầu tiên của mình, anh Hải say sưa kể cho chúng tôi nghe về việc đem khoa học vào nghệ thuật.
Anh Hải kể: Vốn xuất thân là người làm phần mềm, nhưng sau một thời gian sống thoải mái với nghề kỹ sư lập trình, anh lại nhận thấy “mọi thứ đều vô nghĩa và tẻ nhạt”. Vậy là ở tuổi 25 – 26, cái tuổi mà những người trẻ đã bắt đầu quá trình lập nghiệp thì Hải lại bỏ tất cả để rẽ sang một hướng khác là học mỹ thuật. Có điều, trong không gian mỹ thuật của mình, thay vì chọn một con đường dễ đi, Hải, với sự hăng hái và “ngông cuồng” của tuổi trẻ, sự tò mò về những chân trời mới, đã quyết định đi theo một con đường chông chênh hơn, đấy là vẽ tranh theo một phương pháp nhất quán là kế thừa từ hình học phân dạng (Fractal). 
Nghe si 8X mai mói khoa học vói nghẹ thuạt
Nghệ sĩ thị giác Triệu Minh Hải. Ảnh: Trần Hải.
Thấy gương mặt hiện đầy sự bối rối của chúng tôi trước một khái niệm mới lạ, anh Hải giải thích: Fractal là một khái niệm do nhà toán học nổi tiếng Mandelbrot đưa ra chỉ những hình, hiện tượng thiên nhiên có hình dáng gồ ghề, không trơn nhẵn, gấp khúc hay đứt gãy. Cơ chế của nó là khi ta chia một vật thể Fractal ra thành những phần nhỏ thì nó vẫn có được đặc tính đồng dạng giống như vật thể mẹ. Trong nghệ thuật, những nghệ sĩ trên thế giới thường sử dụng máy tính để tính toán các đối tượng mang cấu trúc phân dạng và hiển thị kết quả tính toán này dưới số hoá và media...
Chỉ tay vào những bức vẽ bằng chì của mình trong phòng triển lãm, anh Hải giải thích thêm, Fractal trong tranh của anh chính là sự lặp đi lặp lại của các chi tiết đồng dạng. Ví dụ như để vẽ một bức tranh 1m35 x 1m90 anh sử dụng khoảng 500.000 nét chì giống nhau gần như y hệt. Sự khác nhau giữa các nét chì cỡ khoảng 1cm này chỉ là sự quay ngang, quay dọc, quay trái, quay phải... Thử thách lớn nhất của quá trình thực hành nghệ thuật này là cho dù đã có mường tượng mơ hồ về những cấu trúc mà mình sử dụng vẫn cần một quá trình thực hành để nhân số lượng đến mức đủ để sự giao thoa của chúng hình thành những hình thể ban đầu. Khi những hình thể đó không phù hợp với ý tưởng, câu trả lời cho tác phẩm có thể coi như chấm dứt. Và quá trình lại bắt đầu từ đầu.
“Để tạo ra những tác phẩm này, tôi đã phải biến mình như một cái máy tính có cảm xúc, vừa phải có cái đầu lạnh để duy trì tính quy luật trong các nét vẽ, vừa phải có trái tim nóng của nghệ sĩ để tạo ra sự tinh tế cho tác phẩm”, anh Hải chia sẻ.
Sai thì sửa, hỏng thì làm lại
Tự nhận mình không phải là người có khả năng thiên bẩm, anh Hải kể thêm, mọi thứ anh có được là do niềm khát khao tìm kiếm những cái mới và sự kiên trì. Anh Hải ví dụ, khi làm việc đòi hỏi phải sử dụng một hàm toán nào mà anh không hiểu, thì bằng mọi cách anh phải hiểu được thì thôi chứ không có ý định bỏ cuộc nửa chừng. Hay như khi đọc cuốn “Lược sử thời gian” của nhà khoa học nổi tiếng Stephen Hawking, để hiểu, anh đã kiên trì đọc đi đọc lại đến vài chục lần, đọc đến khi nào hiểu mới thôi. 
Nghe si 8X mai mói khoa học vói nghẹ thuạt-Hinh-2
 Ảnh: Trần Hải.
“Với cách nghĩ ấy tôi đến với mỹ thuật”, anh Hải mỉm cười chia sẻ: “Vẽ thực chất cũng là sự thực hành về mặt kỹ thuật. Mà đã là kỹ thuật thì có thể học được. Cái gì không biết thì học, sai thì sửa, hỏng thì làm lại. Khi bước chân vào vẽ, mới đầu tôi vẽ “lại” những gì người ta đã vẽ trước, sau đó, khi có kỹ thuật tôi làm những thứ của riêng mình. Và một điều quan trọng nhất là người làm nghệ thuật, tôi muốn mang vẻ đẹp của nghệ thuật, tình yêu của mình với nghề và sự trung thực trong quá trình thực hành đến với những người yêu nghệ thuật. Sự chia sẻ bằng nghệ thuật quan trọng hơn nhiều lần kỹ nghệ để tạo ra nó”.
Làm nghề một cách chuyên nghiệp
Mọi người thường nghĩ, nghệ sĩ là hay “ngẫu hứng”, sống “bê tha” “tâm hồn treo ngược cành cây”... Tuy nhiên, Hải không cho phép mình ngẫu hứng thái quá bởi nghệ thuật đối với anh chắc có lẽ không phải sở thích nhất thời mà là một công việc nghiêm túc đòi hỏi sự khắt khe và dấn thân. Công việc ấy để đi xa được, một điều kiện sống còn là phải hài hoà được các mối tương quan xung quanh giúp ta bình yên trong tâm trạng và tự do trong suy nghĩ.
 Anh Hải cho hay, để có tiền nuôi dưỡng những dự định về nghệ thuật, anh không ngại làm bất cứ công việc gì. Trong mấy năm qua, anh làm trợ giảng, làm tình nguyện viên, hỗ trợ kỹ thuật cho các dự án liên quan đến nghệ thuật. “Nhiều người hỏi tôi có kiếm sống được bằng bán tranh không. Thực tế bây giờ tôi còn đang kiếm tiền để nuôi những dự định nghệ thuật thì thật khó để có tiền từ những tác phẩm của mình. Khi làm trưng bày, nói là không màng đến lợi nhuận, đến việc bán được tranh là không đúng, nghệ sĩ thì ai cũng mong tranh của mình đến được với công chúng. Nhưng tôi không đặt mục tiêu quá xa như thế, tôi chỉ muốn mình đặt được viên gạch đầu tiên để từ đó tạo ra năng lượng để làm tiếp, để đi tiếp”.
Cuộc triển lãm cá nhân mang tên “LatcarF Fractal” của Hải diễn ra từ ngày 22/11 - 14/12/2014. Triển lãm đã thu hút 200 người tại buổi khai mạc và tổng cộng khoảng 1.000 người tham quan.  
Sinh năm 1982, Triệu Minh Hải là nghệ sĩ thị giác sống và làm việc tại Hà Nội. Các thực hành của anh bao gồm vẽ tranh và sắp đặt. Tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật năm 2013, sau một thời gian hoạt động trong lĩnh vực khoa học – kỹ thuật, Hải đặc biệt quan tâm đến mối quan hệ giữa nghệ thuật và khoa học. Kiến thức của cả hai lĩnh vực được anh tận dụng một cách tài tình để tạo nên các tác phẩm vừa cuốn hút về mặt thị giác, vừa giàu ý nghĩa về nội dung.


Lê Lan