Cách Hà Nội khoảng 280 km, Cao Bằng là một tỉnh miền núi, phía Đông Bắc Việt Nam. Nơi đây nổi tiếng và thu hút du khách bởi phong cảnh sơn thủy hữu tình.
Tạm quên những bãi biển trải dài, đầy nắng của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, những con suối, ngọn thác và núi hùng vĩ tại Cao Bằng sẽ giúp bạn thư giãn đúng nghĩa với khung cảnh xanh mát, nên thơ.
Check-in thác nước đẹp nhất
|
Thác Bản Giốc đánh dấu biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Ảnh: Minh Phụng, Linh Xinh. |
Nhờ sở hữu vẻ đẹp hùng vĩ tựa chốn tiên cảnh, thác Bản Giốc (tỉnh Cao Bằng) được tạp chí du lịch Mỹ Travel + Leisure vinh danh trong top 21 thác nước đẹp nhất thế giới năm 2024.
Bản Giốc không chỉ là ngọn thác hùng vĩ nhất Việt Nam mà còn là thác nước tự nhiên lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Du khách đến đây sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng dòng nước trắng xóa đổ từ độ cao trên 30 m qua nhiều tầng thác, chảy xuống dòng sông Quây Sơn trong xanh giữa bốn bề núi rừng.
Thời điểm tốt nhất để ghé thăm Bản Giốc từ tháng 5-9. Du khách đến đây có thể trải nghiệm nhiều hoạt động ngoài trời như chèo thuyền kayak, đi bộ đường dài, đạp xe, câu cá, gặp gỡ các dân tộc thiểu số, tham dự lễ hội địa phương.
Chiêm ngưỡng Núi Mắt Thần
|
Núi có lỗ thủng đường kính 50 m, độc nhất vô nhị, được gọi là mắt của Thần Núi. Ảnh: Minh Phụng. |
Núi Mắt Thần còn được gọi là Phja Piót (có nghĩa "núi Thủng" theo tiếng dân tộc Tày). Ngọn núi sừng sững, uy nghiêm nằm trong lòng của quần thể hồ Thang Hen, thuộc Công viên địa chất Non nước Cao Bằng.
Lỗ thủng trên núi to, tròn tựa con mắt. Nơi đây có thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp được mệnh danh là "Tuyệt tình cốc" của Cao Bằng.
Bao quanh núi là thung lũng rộng lớn, thảm cỏ xanh trải dài, khung cảnh hoang sơ, tĩnh lặng với những đàn ngựa gặm cỏ.
Đoạn rẽ vào núi hơi khó tìm, du khách nên hỏi trước người dân địa phương để không bị lạc. Trên đường đến núi, bạn sẽ đi ngang qua đèo Mã Phục, một điểm ngắm cảnh đẹp khi di chuyển bằng xe máy.
Khám phá động Ngườm Ngao
|
Động Ngườm Ngao hấp dẫn du khách bởi những hang động kì bí, những tảng nhũ đá đẹp lung linh. Ảnh: Minh Hạnh Phan. |
Động Ngườm Ngao ẩn mình trong ngọn núi hùng vĩ tại bản Gun, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng. Đây là hang động đá vôi được hình thành cách đây khoảng 300 triệu năm.
Theo khảo sát của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh, hang động này có tổng chiều dài 2.144 m với 3 cửa chính gồm Ngườm Ngao, Ngườm Lồm và Bản Thuôn.
Hang động đá vôi này nổi tiếng với các nhũ đá và măng đá ấn tượng, những dòng sông ngầm và hệ sinh thái độc đáo.
Đắm mình trong màu xanh ngọc bích của suối Lê Nin
|
Suối Lê Nin như viên ngọc với màu xanh trong mát, tạo vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt sắc giữa núi rừng. Ảnh: Anh Đào. |
Cách trung tâm thành phố Cao Bằng khoảng 50 km về phía Bắc, suối Lê Nin thuộc di tích lịch sử Pác Pó, huyện Hà Quảng. Khung cảnh hoang sơ, thơ mộng nơi đây ngày càng thu hút giới trẻ ghé thăm.
Con suối với làn nước trong vắt, tràn ngập vẻ đẹp thiên nhiên hoà quyện núi rừng.
Đến đây, bạn sẽ ngỡ ngàng với độ trong và sạch của nước suối. Đứng trên bờ nhìn xuống, bạn có thể thấy những đàn cá bơi lội, tất cả tạo nên không gian tự do, tự tại.
Ngoài chiêm ngưỡng vẻ đẹp của dòng suối, các phòng trưng bày tranh ảnh, kỷ vật lịch sử cũng là điểm dừng chân thú vị chờ bạn khám phá.
Chinh phục đèo 14 tầng
|
Con đèo ngoạn mục với 14 khúc cua ở Cao Bằng. Ảnh: Marine Poy, Linh Xinh. |
Đèo Mẻ Pia còn được gọi là đèo 14 tầng hoặc đèo Khau Cốc Chà. Đèo nằm trên quốc lộ 4A, đoạn nối từ xã Xuân Trường đến trung tâm huyện biên giới Bảo Lạc (Cao Bằng). Đây là một trong những cung đường đèo quanh co khúc khuỷu nhất khu vực Đông Bắc.
Mặc dù đường đã mở rộng, việc chinh phục đèo Mẻ Pia cũng không vì thế mà trở nên dễ dàng. Với những đoạn khúc khủy và cua gấp liên tục, mỗi đoạn đường trên Đèo Mẻ Pia đều đòi hỏi bạn phải có tay lái vững và sự tập trung cao độ.
Đối với những ai ưa thích mạo hiểm và mong muốn chinh phục cung đường đầy tính thách thức, đây là điểm lý tưởng hàng đầu.
Leo bộ theo đường núi đến điểm ngắm cảnh đèo mất khoảng 30 phút. Từ đây bạn có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn con đèo có 14 khúc cua uốn mình trên sườn núi cao.
Thưởng thức đặc sản miền sơn cước
Ẩm thực Cao Bằng là sự kết hợp độc đáo của các loại sản vật địa phương, mang dấu ấn hương vị riêng của đồng bào các dân tộc thiểu số.
▸ Phở chua
|
Phở chua Cao Bằng Ảnh: Zoom Travel. |
Món ăn này không sử dụng nước lèo, bánh phở được trộn cùng các loại đi kèm như thịt heo, thịt vịt quay, khoai chiên giòn thái sợi, đậu phộng giã nhỏ... Phần nước sốt tạo nên nét đặc trưng cho phở chua Cao Bằng.
Đặc sản có vị ngậy của mỡ vịt, vị chua của giấm, khoai ngọt bùi, quyện cùng thịt vịt, thịt heo thơm phức.
Phở chua còn hấp dẫn nhờ hương vị thơm nồng của lá mắc mật, đậu phộng, rau húng, mùi, dưa chuột...
▸ Bánh coóng phù
Bánh coóng phù có vỏ bánh được làm từ gạo nếp trộn gạo tẻ vừa dẻo vừa thơm. Nhân bánh gồm đậu phộng giã nhỏ, có loại nhân trộn thêm đường và vừng.
Bánh coóng phù truyền thống có màu trắng tinh. Ngày nay, người Cao Bằng thường trộn bột bánh với gấc hoặc ngâm gạo với lá nếp cẩm, lá dứa để tạo màu và hương vị tự nhiên.
▸ Lạp xưởng hun khói
Lạp xưởng hun khói nổi tiếng Cao Bằng được làm từ lòng heo non rửa sạch, phơi khô, sau đó nhồi nhân thịt heo tẩm ướp gia vị. Để tạo nên hương vị đặc trưng, các loại gia vị ướp thịt phải gồm mật ong, rượu trắng, nước gừng, quả mắc mật khô...
Sau khi nhồi thịt, lạp xưởng được phơi khô dưới 3 lần nắng rồi treo lên bếp lửa. Khói và hơi nóng của bếp lửa nhen từ mía giúp lạp xưởng thêm dậy vị, thịt săn hơn.
▸ Bánh cuốn
Bánh cuốn là món ngon quen thuộc với người miền Bắc. Tuy nhiên, ở Cao Bằng lại có cách chế biến, thưởng thức bánh cuốn độc đáo, khác lạ.
Không chấm nước mắm như cách ăn của người miền xuôi, bánh cuốn Cao Bằng phải chan với nước ninh xương và ăn kèm cùng măng ngâm mắc mật mới chuẩn vị.
Gạo làm bánh là gạo tẻ. Bánh được hấp nóng tại chỗ bằng nồi gang to có khuôn tròn, miệng nồi làm bằng cật tre già. Chả giò, trứng gà là thành phần kết hợp không thể thiếu, làm nên nét riêng của món bánh cuốn Cao Bằng.
Theo Khánh Vân/Znews