Thật tình cờ khi mới đây, hai nhân vật trong câu chuyện đầy tính giáo dục gây bão cộng đồng mạng đã gặp lại nhau và cùng được nhà trường tuyên dương trong ngày kỷ niệm 40 thành lập Trường THPT Trần Nguyên Hãn (1976-2016).
Em Nguyễn Thế Tùng hiện là học sinh lớp 11B1, niên khóa 2015-2018 còn anh Nguyễn Hữu Chung là cựu học sinh lớp 12A3, niên khóa 1992-1995.
|
Nam sinh làm vỡ gương và chủ ô tô hội ngộ bất ngờ. |
Niềm hân hoan của thầy và trò nhà trường như được nhân lên bội phần trong ngày kỷ niệm 40 năm ngày thành lập khi được ghi dấu thêm bằng việc làm cụ thể đầy ý nghĩa và rất đẹp của hai học sinh.
Trước đó, trưa ngày 11/11, sau giờ học, em Tùng đi xe đạp điện cùng các bạn về nhà.
Nhưng sau khi ra khỏi cổng trường một đoạn, em đã vô tình va chạm và làm vỡ chiếc gương ôtô đỗ cùng chiều với hướng đi về. Do lúc đó cũng đã trưa và không biết ai là chủ nhân của chiếc ô tô này nên em đã để lại lời xin lỗi: “Do vô tình cháu đâm vào gương ô tô. Cháu xin lỗi. Liên hệ với cháu qua số điện thoại…để cháu đền ạ. Do cháu không biết chủ ô tô là ai”.
Sau khi lời nhắn của Tùng được chia sẻ trên Facebook, hành động của em đã nhanh chóng nhận được rất nhiều chia sẻ, thậm chí là sự nể phục từ cộng đồng mạng đề cao sự trung thực và ý thức dám chịu trách nhiệm của em học sinh.
Đáng chú ý hơn, sau khi nhận được lời nhắn vô cùng đáng yêu và đầy trách nhiệm của em học sinh, anh Nguyễn Hữu Chung- chủ nhân của chiếc ô tô không những không “bắt đền” mà còn cảm thấy rất vui và nhắn em học sinh: “không phải lo đền gương mà cứ yên tâm học tập”.
Chia sẻ về điều này, thầy Nguyễn Minh Quý, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, từ nhiều năm nay, Trường THPT Trần Nguyên Hãn đã chú trọng giáo dục toàn diện cho học sinh, trong đó tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống và ứng xử văn hóa.
"Học sinh THPT Trần Nguyên Hãn hằng ngày được rèn luyện trong một môi trường giáo dục thân thiện, đề cao tính trung thực, nâng cao chỉ số EQ (chỉ số cảm xúc). Nhà trường quan tâm dạy học sinh kỹ năng cảm nhận cuộc sống một cách nhạy bén và giàu trắc ẩn để từ những điều học được ở nhà trường sẽ có những ứng xử phù hợp với những tình huống muôn hình vạn trạng ngoài cổng trường.
Quan điểm của nhà trường trong việc giáo dục đạo đức học sinh là không hình thức, không hô khẩu hiệu mà phải bằng việc làm cụ thể để thuyết phục học sinh. Giáo dục nhân cách phải bằng nhân cách, bằng những tấm gương sáng của thầy cô và những người xung quanh”, thầy Quý nói.
Mời quý độc giả xem video trào lưu đánh vào không khí (nguồn Youtube):
Theo Thanh Hùng/Vietnamnet