Đến giờ, N.P. (sinh năm 1996) vẫn không thể tin, mình sắp cùng cô lớp trưởng giỏi giang mà đanh đá, từng “ám ảnh” anh từ đời thực đến trong mơ, sắp “về chung một nhà”.
Những tưởng, số phận định đoạt họ thuộc về hai thế giới khác nhau, một bên trong mắt chỉ có sách vở, còn một bên chỉ có game, nào ngờ, chỉ vì một sự sắp xếp của giáo viên chủ nhiệm, “cho người xuất sắc nhất kèm cặp người cá biệt nhất” mà họ dần xích lại gần nhau.
P. và U. chung lớp, chung trường vào năm lớp 8. Ngồi cách nhau chỉ hai mặt bàn nhưng họ hoàn toàn không biết gì về nhau, có chăng chỉ là vài thông tin cơ bản như: U. là lớp trưởng, học giỏi nghiêm khắc, P. là học sinh cá biệt, không quậy phá nhưng rất mê game.
Giữa năm lớp 8, cả hai bất ngờ bị "cột chặt vào nhau” theo phong trào “đôi bạn cùng tiến”. U. có trách nhiệm “thuần hóa” con ngựa hoang là P. trở thành học sinh khá.
Tự nhiên bị áp chế bởi một cô gái chẳng mấy quen biết, P. rất hậm hực. Càng ghét, anh càng khiến cho lớp tưởng phải bực bội, khó chịu bằng mọi cách. Cô lớp trưởng của anh cũng không vừa, rất nghiêm khắc, không ngại dùng điểm số, sổ đầu bài, hạnh kiểm ra để gây sức ép lên anh.
“Ngày nào cô ấy cũng hằm hè, đe đọa “liệu mà học, tớ mệt mỏi với cậu lắm rồi”. Đó là năm đầu tiên U. làm lớp trưởng nên rất nỗ lực, mà cô ấy càng cố gắng thì mình càng mệt, càng mệt lại càng phá”, P. kể.
|
Anh chàng cá biệt quyết định tán cô lớp trưởng để đỡ bị kèm cặp |
Đến lúc không phá được nữa, anh chàng cá biệt quay sang hợp tác nhưng cái cách hợp tác của anh không phải là học chăm hơn mà “tán” luôn lớp trưởng.
Vẫn “chày bửa” chuyện học bài cũ nhưng P. đã nghiêm túc hơn trong giờ học khiến U. khá hài lòng. Không những thế, sáng nào anh cũng mua đồ ăn đến cho cô bạn, lúc kèm học không còn nhăn nhó chống đối mà ngoan ngoãn hơn, thi thoảng còn trổ tài hài hước khiến cho nàng lớp trưởng luôn vui vẻ.
“Một tháng, mình tốn tận 50.000 đồng mua đồ ăn sáng cho U., định cưới xong thì đòi lại mà không thấy động tĩnh gì”, P. hài hước nói.
Ba tháng sau, U. “đổ rạp”, dù cũng có không ít lưỡng lự khi P. quyết định học hết cấp 2 sẽ nghỉ, đi làm kiếm tiền. 16 tuổi, U. tiếp tục con đường học tập, P. đã lăn lộn với trường đời và vẫn họ ở cạnh nhau.
Thế nhưng, ngay từ khi lựa chọn hai con đường khác biệt, P. và U. đã chuẩn bị sẵn tâm thế cho việc chia tay. P. đi làm xa, ít thời gian gặp mặt, nói chuyện, còn U. vẫn là cô học trò mới lớn, hàng ngày có vô vàn thứ muốn kể, muốn khoe.
Họ lẳng lặng rời xa nhau, không một lời chia tay, không một giọt nước mắt. P. có bạn gái, U. cũng có bạn trai mới và gần như xác định kết hôn với người đó.
“Chia tay nhưng mình và U. vẫn thi thoảng gọi điện cho nhau hỏi thăm. Cô ấy và người kia cũng chẳng thành đôi vì gia đình họ đi xem tuổi, bảo hai người không hợp. U. rất buồn, mình cũng biết chuyện, cũng tâm sự chia sẻ”, P. nói.
Học xong cấp 3, U. quyết định không vào đại học mà đi học làm bánh, nấu ăn. Họ vẫn ở cạnh nhau, chia sẻ mọi điều trong công việc. Ở U. có một điểm tính cách khiến P. vẫn mê mệt bao năm qua, đó là rất mạnh mẽ, cứng rắn trước mọi người nhưng lại cực kỳ nhẹ nhàng và yêu đuối khi ở cạnh anh.
“Bởi thế mà mình cứ vấn vương mãi không quên được. U. đi làm được mấy tháng thì tình xưa, nghĩa cũ trỗi dậy, mình không tán lại nữa mà gạ gẫm cưới luôn. Chỉ có cưới mới chắc ăn chứ yêu thì vẫn dễ chia tay nữa. Gắng mãi mình cũng có thành quả là hôm nay đây”, P. cười.
Gắn bó với nhau từ khi còn xưng “cậu – tớ” đến giờ, hai người đã quá hiểu nhau, cuộc sống vợ chồng chẳng còn điều gì khúc mắc. P. yêu vợ bởi sự hiền lành, ngoan ngoãn, hiếu kính bố mẹ chồng. Cả sự nghiêm khắc đến đáng yêu của vợ cũng khiến anh chàng mê mệt.
“Xưa chỉ bị lớp trưởng kèm cặp một năm, giờ thì mình đã có lớp trưởng của cả đời rồi”, P. hài hước nói.
Theo Hạ Nhiên/Dân Việt