Câu chuyện về nguồn thu của LĐBĐ Việt Nam (VFF) luôn nóng hổi trên nhiều diễn đàn bóng đá. Đặc biệt, trong bối cảnh kỳ Đại hội khóa IX đã cận kề thì vấn đề tài chính càng được chú ý.
Mới đây theo tiết lộ từ Phó Chủ tịch phụ trách tài chính VFF - ông Lê Văn Thành, 209,5 tỷ đồng là con số mà LĐBĐ Việt Nam (VFF) thu về từ tài trợ, quảng cáo và bản quyền truyền hình. Với số tiền này giúp VFF khép lại khoá VIII với mức thu lớn nhất lịch sử.
|
VFF hoàn thành vượt chỉ tiêu kiếm tài trợ khi thu về nhiều hơn năm 2021 gần 50 tỷ đồng. |
Tổng giá trị mà VFF thu được trong năm 2018, năm cuối nhiệm kỳ VII là 92 tỷ đồng. Con số trên được nâng lên các năm sau lần lượt là 150,9 tỷ đồng, 158,1 tỷ đồng và 160,9 tỷ đồng và 209,5 tỷ đồng. Tổng thu từ tài trợ, quảng cáo và bản quyền truyền hình trong khoá VIII là 679,4 tỷ đồng, gấp đôi khoá trước.
“Bóng đá muốn phát triển phải có tiền đầu tư. Trong đó, khoản thủ từ tài trợ, quảng cáo và bản quyền truyền hình là chính. Những năm gần đây chúng ta chịu ảnh hưởng lớn bởi Covid-19, thậm chí có giai đoạn bóng đá “đóng băng”, nhưng doanh thu VFF vẫn tăng để đầu tư cho các đội tuyển, đó là niềm vui lớn”, ông Lê Văn Thành chia sẻ.
|
Phó Chủ tịch phụ trách tài chính VFF - ông Lê Văn Thành thông báo tín hiệu vui về nguồn thu của LĐBĐ Việt Nam. |
Có nguồn thu, VFF mạnh tay đầu tư cho các đội tuyển như chuyến tập huấn của U23 Việt Nam tại UAE, tuyển nữ Việt Nam tại Tây Ban Nha, tuyển futsal tại Thái Lan hay các trận giao hữu với Jordan, Ấn Độ hay Singapore cho tuyển Việt Nam…
Kết quả, bóng đá Việt Nam có giai đoạn thành công nhất lịch sử khi hai lần giành HC vàng SEA Games năm 2019 và 2022, đội tuyển lọt vào vòng loại cuối World Cup, là đại diện đầu tiên của Đông Nam Á có trận thắng khi hạ Trung Quốc 3-1, và khép lại giải với trận hòa 1-1 trên sân của “ông kẹ” Nhật Bản.
“Trước khó khăn COVID-19, VFF cũng đã sáng tạo ra nhiều cách để có thêm nguồn thu. Điển hình như khi Việt Nam không được tổ chức các trận đấu, chúng tôi liên hệ để đội đá giao hữu ở nước ngoài, vẫn tường thuật trực tiếp, vừa thu được tiền, vừa đáp ứng đủ số trận theo hợp đồng đã ký với các nhà tài trợ, để không phải đền.
Tin vui nhất là trước đây VFF từng phải trả tiền để truyền hình phát các trận đội tuyển, rồi được trả 50 triệu mỗi trận thì giờ con số đã lên nhiều tỷ đồng mỗi năm”, ông Lê Văn Thành nói thêm.
VFF hiện có hợp đồng với 13 đối tác tài trợ cho các đội tuyển quốc gia, trong đó có nhiều hãng lớn như Vinamilk, Hưng Thịnh, Bamboo…
|
Phó Chủ tịch phụ trách tài chính VFF - ông Lê Văn Thành. |
“Futsal và bóng đá nữ đã có vé dự World Cup, chúng ta phải cố duy trì. Đồng thời đó là thực hiện ước mơ để đội tuyển nam cũng được dự World Cup. Kế hoạch này không thể thực hiện ngay trong một sớm, một chiều, phải từng bước. VFF cần đầu tư cho các đội tuyển, nhất là cho bóng đá trẻ. Chúng ta phải vào top châu Á sau đó mới tiến tới World Cup. Muốn thực hiện điều này thì phải có tiền”, ông Lê Văn Thành nói thêm.
Đại hội VFF khoá IX sẽ diễn ra vào ngày 6/11. Ông Lê Văn Thành là một trong hai ứng viên tranh cử chức phó Chủ tịch phụ trách tài chính. Nói về vấn đề này, ông cho hay: “Đội ngũ tài chính của VFF đang làm tốt, tôi muốn duy trì và tiếp tục phát triển nên tham gia tranh cử để tiếp tục nhiệm vụ. Tôi không hứa con số sẽ kiếm bao nhiêu bởi nói thì dễ, làm mới khó. Chúng tôi sẽ tiếp tục những kế hoạch để kiếm tài trợ cho bóng đá Việt Nam năm sau nhiều hơn măm trước”.
Ông Lê Văn Thành là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thể thao Động Lực, có kinh nghiệm nhiều năm với thể thao Việt Nam. Ông từng làm Chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền, Trưởng ban vận động tài trợ Ủy ban Olympic, Ủy viên Ban chấp hành VFF, Trưởng ban Tài chính và vận động tài trợ VFF khoá 8, trước khi trúng cử làm Phó Chủ tịch phụ trách tài chính VFF tại Đại hội thường niên vào tháng 11/2020.
Thiên Anh