Ở căngtin của Google (Mỹ) có một tấm bảng ghi lịch sử món phở và bún của Việt Nam cùng những dòng thế này: “Các quốc gia láng giềng có những ảnh hưởng đến quá trình phát triển ẩm thực Việt Nam, bao gồm Trung Quốc, Thái Lan và Campuchia. Những nét tương đồng trong ẩm thực của các nước này có thể thấy rõ, nhưng ẩm thực Việt Nam vẫn chứa đựng những đặc điểm riêng biệt, giúp ẩm thực Việt Nam khác biệt so với các anh em láng giềng”.
|
Bản tóm tắt lịch sử món phở và bún ở căngtin Google. |
Nguyễn Minh Tú (21 tuổi, sinh viên ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM) đã hoàn thành kỳ thực tập tại trụ sở chính Googleplex, Mountain View, California, cho biết dù ở nước Mỹ xa xôi, còn nhiều điều mới lạ, bỡ ngỡ, Tú vẫn cảm thấy ấm lòng như ở chính quê hương Việt Nam vì được ăn những món thuần Việt.
Tổ hợp căngtin của Google có 36 nhà hàng với thực đơn từ khắp nơi trên thế giới. Món ăn được luân phiên thay đổi và chọn lọc chế biến làm sao vừa giữ được hương vị truyền thống mà tất cả mọi người trên thế giới đều có thể thưởng thức được. Tại đây, mỗi nhân viên được phục vụ ba bữa ăn miễn phí mỗi ngày. Đặc biệt, phở và bún chả là hai món đặc sản được bạn bè quốc tế yêu thích trong căngtin món Việt. Ngoài ra, còn có cơm tấm và bún bò nữa.
Google đã trưng bày một bảng lịch sử vắn tắt về món Việt: phở được cho là có nguồn gốc từ Hà Nội vào khoảng thập niên 1880. Qua thời gian, công thức truyền thống đã được đưa ra khỏi biên giới Việt Nam, tiếp nhận thêm việc kết hợp các nguyên liệu địa phương khác. Từ “phở” có nét tương tự đến đáng ngạc nhiên với từ “feu” trong tiếng Pháp, từ cụm “pot au feu” có nghĩa là “nồi ở trên lửa”. Nước dùng phở được ninh hàng giờ để cho ra được thứ nước dùng đậm đà, thứ nước dùng làm cho món ăn này trở nên độc nhất vô nhị.
Cũng theo bản mô tả này, bún chả là món ăn trưa với mì loại sợi mỏng thường đi kèm với thịt heo xắt lát nướng, ăn kèm cùng đĩa rau thơm và một chén nước chấm. “Món ăn này ẩn chứa các nguyên tắc về sự cân bằng, điều đã xây dựng nên thương hiệu ẩm thực Việt”.
Trong các bảng chỉ dẫn ở phòng ăn, nhà vệ sinh, bên cạnh các ngôn ngữ phổ biến như tiếng Anh, Trung, Tây Ban Nha, còn có tiếng Việt. Một số bạn ở các nước rất thích thú với việc thử phát âm tiếng Việt vì họ cho rằng nói chuyện như đang hát.
Theo Tuổi Trẻ