Thác Trái Tim là một cảnh quan thiên nhiên độc đáo, thu hút nhiều du khách thích chinh phục, khám phá thiên nhiên hoang sơ. Thác nằm uốn lượn giữa núi rừng Tây Bắc trùng điệp, ẩn mình dưới những tán cây cổ thụ sum suê.
Trước đây, con đường đi vào thác khá cheo leo, trắc trở. Ngày nay, những người dân địa phương sống dưới chân con thác đã cùng nhau mở đường, tạo thành lối đi thuận tiện giúp du khách dễ dàng đi vào tham quan thác nước. Các bảng, biển chỉ dẫn trên đường đi đều được tận dụng từ những nguyên liệu tự nhiên, sẵn có. Từ bản đi vào ngọn thác sẽ mất khoảng nửa giờ đồng hồ đi bộ.
Thác Trái Tim là một cảnh quan thiên nhiên độc đáo, thu hút nhiều du khách thích chinh phục, khám phá thiên nhiên hoang sơ. Ảnh: CTV Thạch Thảo
Trên con đường đi đến thác Thái Tim, du khách sẽ được chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên núi rừng thơ mộng, kỳ ảo, bởi cảnh vật và nhiệt độ nơi đây thay đổi linh hoạt theo từng mùa khác nhau. Con đường di chuyển này dài khoảng 1500m, dọc theo dòng suối phía dưới thác.
Vào mùa xuân, con đường trở nên lung linh hơn nhờ nét đẹp kiêu hãnh của những bông hoa lan, mùa hạ lại hiện lên thật thơ mộng với những chùm hoa sim tím. Hay khi thu sang, vào mùa thảo quả, chắc chắn du khách sẽ cảm thấy vô cùng thú vị khi được chứng kiến cảnh những người dân địa phương cùng nhau mang gùi, mang dao lên rừng thu hoạch thảo quả. Còn nếu đến thác Trái Tim vào mùa đông, du khách sẽ cảm thấy như đang đặt chân đến chốn bồng lai tiên cảnh, tất cả cùng nhau hòa quyện tạo nên bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ.
Sở hữu cảnh sắc thiên nhiên ấn tượng nên thác Trái Tim là điểm đến yêu thích của khá nhiều bạn trẻ. Từ bản vào đến thác, du khách sẽ bắt gặp khá nhiều con suối nhỏ nằm rải rác ở bên đường. Điều đặc biệt là thác Trái Tim còn gắn liền với câu chuyện tình yêu cảm động của một đôi trai gái người dân tộc Mông ở nơi đây.
Sở hữu cảnh sắc thiên nhiên ấn tượng nên thác Trái Tim là điểm đến yêu thích của khá nhiều bạn trẻ. Ảnh: CTV Thạch Thảo
Tương truyền rằng, bản người Mông nằm phía dưới chân ngọn thác này có một chàng trai khỏe mạnh, khôi ngô tuấn tú và rất giỏi săn bắt. Chàng trai đem lòng yêu một cô gái cùng bản, cô gái này cũng là người xinh đẹp, giỏi may vá. Câu chuyện tình của hai người được ví đẹp như hoa nở mùa xuân, họ nhận được sự chúc phúc và yêu mến của cả bản làng.
Tuy nhiên, khi chiến sự ập đến, cũng như nhiều trai tráng khác trong bản, chàng trai cũng mang cung tên, giáo mác lên đường đi đánh giặc, để lại cô gái xinh đẹp ở lại chờ đợi trong mỏi mòn, nhớ mong. Một thời gian sau, cô gái nhận được tin chàng trai đã tử trận nơi chiến trường. Nỗi đau đớn chẳng thể nguôi ngoai, cô gái đã tìm đến ngọn núi nơi hai người hò hẹn ngày xưa, khóc thương cho chuyện tình của mình. Sau đó, cô gái ấy đã hóa thành thác nước, mãi mãi ở lại nơi đó, ngày đêm cất lên bản nhạc buồn về tình yêu đôi lứa bị chia cắt do chiến tranh.
Từ bản vào đến thác, du khách sẽ bắt gặp khá nhiều con suối nhỏ nằm rải rác ở bên đường. Điều đặc biệt là thác Trái Tim còn gắn liền với câu chuyện tình yêu cảm động của một đôi trai gái người dân tộc Mông ở nơi đây. Ảnh: CTV Thạch Thảo
Thời gian qua đi, chàng trai thắng trận trở về nhưng lại nghe tin người yêu đã bỏ mình nơi rừng thiêng nước độc do quá nhớ mong chàng. Chàng trai đau khổ, khóc thương cho chuyện tình lứa đôi dang dở.
Tiếng khóc khiến lòng người đau xót ấy dường như cũng khiến đất trời phải cảm động, để rồi chàng trai cũng hóa thành một tảng đá hình trái tim, nằm ngay bên trong thác nước, toại nguyện ước mong được ở bên cô gái. Đôi tình nhân từ đó được bên nhau mãi mãi, trở thành biểu tượng của tình yêu lứa đôi đẹp đẽ, được nhiều thế hệ người dân tộc Mông kể lại cho thế hệ con cháu mai sau.
Vì vậy, khi đến với thác Trái Tim, đập ngay vào mắt du khách sẽ là tảng đá lớn có hình trái tim phân tách chia đôi dòng nước, tạo thành cảnh quan thiên nhiên vô cùng độc đáo, thơ mộng. Ngọn thác đổ xuống vách đá, tạo bọt nước trắng xóa, tiếng nước chảy ầm ầm tạo nên thanh âm vang vọng núi rừng.
Du khách có thể ngâm chân, đắm mình trong làn nước mát mẻ của dòng suối dưới chân thác và tận hưởng, hít hà bầu không khí trong lành, chắc chắn sẽ cảm thấy vô cùng thư giãn sau những tháng ngày làm việc vất vả nơi phố thị ồn ào, náo nhiệt.
Trẻ em rất thích tắm mát nơi chân thác. Ảnh: CTV Thạch Thảo
Bạn Trần Trung Hiếu, một khách du lịch đến từ Thái Bình chia sẻ: “Mình có dịp đến thác Trái Tim trong một ngày hè nắng nóng oi ả. Khi đến chân núi và bắt đầu đi bộ vào thác, mình thấy không khí đã trở nên mát mẻ hơn rất nhiều. Và quả thật khi đến được thác thì mọi nóng bức, mệt mỏi trước đó đã hoàn toàn bay sạch. Được ngâm chân trong dòng nước mát, lắng nghe tiếng chim hót, mình thấy rất thoải mái và cực kỳ yêu thích không khí trong lành, sạch sẽ của nơi đây’’.
Đến tham quan thác Trái Tim, nhiều du khách thường kết hợp ghé thăm trải nghiệm bản Sin Suối Hồ. Đây là bản làng của người H’Mông nằm cheo leo ngay dưới chân núi Sơn Bạc Mây, ngọn núi cao 1.400m so với mực nước biển. Người dân nơi đây sống hiền hòa, chủ yếu làm nghề trồng lúa, ngô, canh tác nông nghiệp.
Những ngôi nhà tại bản Sin thường được xây bằng gỗ, dựa vào núi, ở phía trước là thung lũng, bao xung quanh là những gốc đào và táo mèo. Vào mùa xuân, hoa đào nở rợp cả góc sân khiến cảnh vật càng thêm thơ mộng, hữu tình.
Ngày nay, với sự phát triển của các phương tiện truyền thông, thác Trái Tim ngày càng được nhiều người biết đến hơn, số lượng khách du lịch cả trong và ngoài nước cũng ngày một tăng lên. Ảnh: CTV Thạch Thảo
Ngày nay, với sự phát triển của các phương tiện truyền thông, thác Trái Tim ngày càng được nhiều người biết đến hơn, số lượng khách du lịch cả trong và ngoài nước cũng ngày một tăng lên. Chính vì vậy, nhằm phát huy lợi thế của điều kiện tự nhiên và góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, hoạt động phát triển du lịch cộng đồng bao gồm khám phá cảnh quan thiên nhiên kết hợp với du lịch nghỉ dưỡng ở thác Trái Tim đã được đẩy mạnh.
Hiện nay, cả bản Sin Suối Hồ có khoảng 10 gia đình phát triển mô hình homestay, tạo nơi lưu trú, nghỉ ngơi, ăn uống cho hơn 100 du khách. Mỗi homestay đều được thiết kế một loại cổng chào khác nhau, trên đó có treo những biển báo bằng gỗ hoặc đan bằng dây thừng, dây mây,... có ghi thông tin của chủ nhà, số điện thoại, các loại hình dịch vụ,... Các homestay tại đây được trang trí rất đẹp mắt, gọn gàng và ấm cúng, mang lại cho du khách những giờ phút nghỉ ngơi thư giãn nhất.
Trao đổi với phóng viên, anh Vàng A Dư, một người dân sinh sống tại bản Sin Suối Hồ cho biết: “Trước đây, bản chúng tôi nghèo lắm, nhiều nhà còn không đủ ăn, đủ mặc. Từ ngày phát triển du lịch, homestay, có thêm tiền trang trải sinh hoạt hàng ngày, cuộc sống bà con thay đổi rất nhiều”.
Nếu có kế hoạch đến với thác Trái Tim, du khách hãy nhớ mang theo kem chống nắng, thuốc chống côn trùng và trang bị mũ nón đầy đủ để đảm bảo sức khỏe cho bản thân. Ảnh: CTV Thạch Thảo
Nếu là một tín đồ yêu thích khám phá các khu chợ truyền thống, du khách có thể đến trải nghiệm chợ du lịch truyền thống của người dân tộc Mông, được mở vào sáng thứ 7 hàng tuần. Khu chợ thường mở bán các sản vật của địa phương như mật ong rừng, xôi nếp nương, gà rừng, lợn rừng, măng tre gai,... các loại trang phục và trang sức người dân tộc Mông hay trải nghiệm vẽ sáp ong… qua đó thu hút rất nhiều khách du lịch đến tham quan, mua sắm.
Nếu có kế hoạch đến với thác Trái Tim, du khách hãy nhớ mang theo kem chống nắng, thuốc chống côn trùng và trang bị mũ nón đầy đủ để đảm bảo sức khỏe cho bản thân. Trong quá trình tham quan trải nghiệm tại thác, du khách hãy sử dụng giày leo núi để tránh bị trơn trượt, đồng thời mang theo một chút đồ ăn, thức uống để đảm bảo thể lực trong suốt quãng đường di chuyển. Nếu có thể, du khách hãy đi cùng người dân địa phương để có một hành trình khám phá an toàn và suôn sẻ nhất.
Theo Thanh Hoài/congluan