Người trẻ luôn tò mò về tình dục. Và khi có thắc mắc, Internet thường là điểm dừng chân đầu tiên của họ. Trên không gian mạng, họ có thể tìm thấy nhiều nội dung, thông tin khiêu dâm trực tuyến rất đa dạng và cụ thể.
Tuy nhiên, cách truyền thông phác họa về tình dục đã phần nào tác động đến cái nhìn của người trẻ về sex trong quá trình trưởng thành.
Trò chuyện với Zing, 4 bạn trẻ đã chia sẻ về quá trình tiếp xúc với văn hóa phẩm có yếu tố khiêu dâm và việc chúng đã ảnh hưởng đến đời sống tình dục của họ như thế nào.
Bạn lần đầu tiếp cận với chủ đề sex từ bao giờ, thông qua phương tiện nào? Khi đó, bạn nghĩ gì về tình dục?
Nguyễn Vũ Nhật Linh (22 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội): Tôi có những mường tượng đầu tiên về sex từ cuộc trò chuyện với nhóm bạn thân, ngay sau khi một cô bạn trong hội trải qua “lần đầu” với bạn trai. Khi đó, chúng tôi mới 16 tuổi nên sex là chủ đề vừa mới lạ, vừa đáng sợ.
Trịnh Minh Anh (23 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM): Tôi còn nhớ rõ cảm giác tò mò xen lẫn chột dạ khi lần đầu hiểu “làm tình” là gì qua một bộ truyện tranh vào năm 16 tuổi.
Lúc đó, tôi vẫn nghĩ mình chỉ được phép tìm hiểu và trải nghiệm sex khi chạm ngưỡng 25-30 tuổi. Dần dần, tôi bắt gặp chủ đề này xuất hiện thường xuyên trên phim ảnh, trong các cuộc nói chuyện với bạn bè và cuối cùng là từ trải nghiệm cá nhân.
Nhật Linh biết về sex thông qua các cuộc trò chuyện với bạn bè.
Đàm Quang Minh (24 tuổi, TP.HCM): Tôi tiếp xúc lần đầu với văn hóa phẩm có yếu tố tình dục từ hồi tiểu học. Các bạn cùng lớp bàn tán về chủ đề sex giữa nam và nữ, chỉ cho nhau những trang web có thể truy cập. Tôi cũng tò mò vào xem, rồi thấy một cảm giác rạo rực lạ lẫm xuất hiện trong cơ thể.
Đến năm lớp 7, tôi thích một bạn nam. Khi ấy, tôi dần nhận thức về xu hướng tính dục của mình và bắt đầu tìm hiểu về quan hệ đồng giới, cả về thông tin lẫn phim ảnh liên quan.
Thắng Lê (30 tuổi, Hà Nội): Tôi biết đến sex lần đầu khi mới học lớp 6 và ở ngoài quán net. Nó gắn liền với kỷ niệm bị bố mẹ phát hiện và “no đòn”.
Tôi chủ động tìm kiếm từ khóa liên quan trên Internet và những website cứ thể hiện ra. Và thế là, tôi như Alice ở Xứ sở diệu kỳ rơi thẳng vào hố thỏ - nơi đầy rẫy văn hóa phẩm khiêu dâm.
Đến năm lớp 8, tôi mới thực sự xem phim sex. Từ ngày ấy, tôi đã cảm thấy hứng thú nhiều hơn với nội dung liên quan tới quan hệ đồng tính, thay vì dị tính luyến ái.
Tới thời điểm hiện tại, bạn từng trải qua bao nhiêu mối tình? Bạn suy nghĩ gì về vai trò của tình dục trong tình yêu?
Nhật Linh: Tôi từng hẹn hò với 3 người, nhưng chưa bao giờ đặt nặng sex trong mối quan hệ. Do tính cách có phần truyền thống và từ trải nghiệm cá nhân, tôi không coi tình dục như cách để duy trì cảm xúc với nửa kia.
Minh Anh: Tôi đã ở bên tình đầu của mình được hơn 2 năm. Trước kia, tôi có xu hướng lẩn tránh chủ đề sex vì cảm thấy lạ lẫm, lo sợ khi nghĩ đến cảnh tiếp xúc thân mật với người khác.
Nhưng kể từ khi bước vào mối quan hệ, tôi dần cởi mở và tin tưởng đối phương hơn, có nhiều trải nghiệm tình dục thú vị. Giờ, tôi thực sự nghĩ rằng tình dục là khía cạnh quan trọng trong tình yêu.
Quang Minh: Tôi đã trải qua 7 mối quan hệ nhưng đến bây giờ vẫn chưa gặp được ai gắn bó về mặt tình cảm. Hầu hết chỉ dừng lại ở giai đoạn tìm hiểu ngắn ngủi, bao gồm trò chuyện và quan hệ tình dục.
Có những chàng trai đem lại khoái cảm cho tôi. Tuy nhiên, khi thấy họ không đồng điệu về tâm hồn, tôi chủ động chấm dứt. Tôi đặt tình cảm ở vị trí ngang hàng, thậm chí hơn một chút, so với của tình dục.
Thắng Lê: Với tôi, tình yêu và tình dục đi đôi với nhau tựa như 2 mặt của đồng xu. Trong mối quan hệ tình cảm, chuyện sex không được thỏa mãn sẽ dẫn những cảm xúc không mấy vui vẻ và cả sự bất mãn.
Phim ảnh, sách truyện... chứa yếu tố tình dục từng khiến bạn hình dung thế nào về sex? Từ trải nghiệm cá nhân, bạn thấy những hình dung đó có chính xác không, hay bị “vỡ mộng” ở những lần làm tình đầu tiên?
Nhật Linh: Sex trên phim, truyện… trong mắt tôi thường được thể hiện khá cuồng nhiệt. Nó có thể diễn ra ở bất cứ đâu hay thời điểm nào, bầu không khí giữa hai người lúc nào cũng mất kiểm soát và có phần đề cao ham muốn hơn tình cảm.
Nhưng trên thực tế, sex không đem lại cảm giác “mất trí” như tôi tưởng tượng lúc ban đầu, mà trái lại cần có xúc tác của tình cảm thì mới có ham muốn với người ấy được.
Minh Anh: Trước đây, tôi hiếm có trải nghiệm yêu đương nên phải tìm kinh nghiệm từ phim ảnh, sách truyện. Vì thế, tôi từng nghĩ lần sex nào cũng sẽ diễn ra với nến và hoa, cả hai sẽ hiểu cơ thể đối phương một cách tự nhiên, bản năng. Song, thực tế lại hoàn toàn ngược lại.
Tôi từng lúng túng trong những lần đầu làm tình vì không biết nên đặt tay, chân ở đâu, phải chạm vào những điểm nào trên cơ thể người yêu để họ cảm thấy thỏa mãn. Cảm giác bối rối, lúng túng và ngại mở lời hỏi nửa kia từng khiến tôi bị stress trước mỗi lần sex.
Dần dần, tôi nhận ra rằng trò chuyện về vấn đề tình dục là cách hiệu quả nhất để cả hai hiểu đối phương cần gì, muốn gì.
Ngoài ra, tôi từng có nhiều phen xấu hổ vì một vài “tai nạn nhỏ” trên giường. Nếu là trước kia, tôi sẽ lo lắng vì cuộc yêu không diễn ra hoàn hảo, nhưng giờ thì mọi thứ khá bình thường.
Quang Minh: Trước đó, tôi từng nghe bạn bè xung quanh bàn tán rằng “sex ở đời thực không giống trên màn ảnh, nên đừng hy vọng nhiều”. Ban đầu, tôi không tin và bỏ ngoài tai, cho đến khi chính mình trải nghiệm sự thất vọng đó ở những lần làm tình đầu tiên.
Chẳng hạn, các diễn viên luôn hừng hực, quan hệ với cường độ mạnh và tỏ ra đang đạt khoái cảm. Nhưng thực tế, nếu mô phỏng tương tự, tôi và bạn tình sẽ chỉ cảm thấy đau đớn.
Người trẻ thường tìm đến Internet đầu tiên khi muốn biết thêm về tình dục. Ảnh: Ketut Subiyanto/Pexels.
Thắng Lê: Tình dục trên phim ảnh luôn được khắc họa một cách mãnh liệt, nhanh và mạnh bạo. Những người tham gia quan hệ cũng sở hữu ngoại hình điển trai, cơ bắp và năng lượng rất cuốn hút.
Đây là một khuôn mẫu phổ biến mà giới truyền thông sử dụng trong các sản phẩm đa phương tiện. Nó từng khiến tôi suy nghĩ rằng mình sẽ bị hấp dẫn bởi những mẫu người như vậy. Ngoài ra, nó cũng khiến tôi suy nghĩ rằng chuyện tình dục chỉ nảy sinh giữa những người đẹp với nhau.
Do đó, những lần đầu làm tình không như những gì tôi kỳ vọng, tưởng tượng. Tôi không được thỏa mãn như những gì phim ảnh, sách truyện thường phản ánh. Sự hấp dẫn, mãnh liệt bị thay thế bởi sự rụt rè, chậm rãi khám phá cơ thể của mình và đối phương.
Bạn cảm thấy thế nào về những vấn đề tình dục của giới trẻ được phác họa trên truyền thông đa phương tiện?
Nhật Linh: Theo tôi, những quan điểm khác nhau về tình dục được khai thác trên phim, truyện… đã mang đến cho chúng ta những tình huống để tự đặt bản thân mình vào đó và rút ra những kết luận, bài học cho bản thân.
Vì vậy, dù ủng hộ vấn đề cởi mở trò chuyện tình dục với người thân hay không ủng hộ ONS, FWB thì các quan điểm nhiều ý kiến trái chiều ấy càng cần được phim, truyện.. khai thác để mọi người có nhiều góc nhìn hơn về vấn đề.
Minh Anh: Tôi không phản đối những quan điểm tình dục mà phim ảnh, sách truyện khắc họa như ONS, FWB, ngủ với nhau từ lần hẹn hò đầu tiên… Mỗi người đều có những nhu cầu và sở thích tình dục riêng, phim ảnh hay sách truyện chỉ dựa vào đó để phản ánh. Tuy nhiên, tôi không thấy mình phù hợp với những mối quan hệ phức tạp như vậy.
Các bộ phim khắc họa chuyện tình dục nơi học đường ngày càng phổ biến và được người trẻ ủng hộ. Ảnh: Netflix, HBO.
Quang Minh: Tôi thực sự thấy một số sản phẩm truyền thông có yếu tố tình dục, như Euphoria, Sex Education… phản ánh đúng cuộc sống giới trẻ hiện nay. Người trẻ, đặc biệt lứa thanh thiếu niên, luôn tò mò và muốn tìm hiểu về tình dục.
Đương nhiên, phim ảnh hay sách truyện xuất xứ từ phương Tây thường sẽ cởi mở hơn so với phương Đông. Nhưng điều đó không đồng nghĩa rằng giới trẻ châu Á nói chung, Việt Nam nói riêng, không hứng thú khám phá tình dục.
Thắng Lê: Các loại hình truyền thông đa phương tiện, nhất là phim ảnh, ngày càng mô tả nhiều về câu chuyện người trẻ chủ động tìm hiểu và có trải nghiệm tình dục. Chẳng hạn, họ đưa vào đa dạng kiểu mối quan hệ thiên về tình dục hơn, như tình một đêm (ONS), mối quan hệ trên mức bạn bè (FWB), yêu không ràng buộc (NSA)...
Tuy nhiên, họ mới chỉ dừng lại ở mức phản ánh, chưa đi sâu vào bản chất của từng mối quan hệ. Một mặt, truyền thông đang giúp xóa bỏ những định kiến về đời sống tình dục. Mặt khác, họ vô tình khiến một bộ phận công chúng có cái nhìn tiêu cực về chuyện tình dục của người trẻ, đặc biệt là những mối quan hệ thiên về sex.
Điểm yếu này xuất phát từ việc những đạo diễn, người viết kịch bản, soạn nội dung… chưa trải qua hoặc chứng kiến kiểu mối quan hệ đó để có thông tin, góc nhìn đầy đủ nhất.
Thắng Lê cảm thấy truyền thông chưa khắc họa đầy đủ, sâu sắc về chuyện tình dục của người trẻ.
Liệu các văn hóa phẩm có yếu tố tình dục có tác động đến cái nhìn của bạn về sex?
Nhật Linh: Là một người ít có trải nghiệm về sex, tính cách khép kín, phim ảnh, sách truyện... khắc họa nên những vấn đề về tình yêu, tình dục mà tôi tò mò nhưng chưa từng trải qua. Điều đó giúp tôi bớt định kiến hơn.
Ví dụ, giờ tôi hiểu rằng FWB hay ONS cũng có thể dẫn đến những mối quan hệ lành mạnh, lâu dài và gắn kết chứ không phải những cuộc tình chớp nhoáng, không đích đến như tôi nghĩ.
Minh Anh: Thực tế, phim ảnh hay sách truyện khiến tôi cảm thấy tự ti nhiều hơn tự tin. Là một người có ít trải nghiệm tình trường, tôi luôn cảm thấy lo lắng rằng bản thân “không đủ xinh đẹp, không đủ từng trải, không có kỹ năng sex” như các nhân vật giả tưởng và điều đó có thể khiến nửa kia thất vọng.
Hơn nữa, phim ảnh, sách truyện cũng “tô hồng” các mối quan hệ khiến tôi nhiều lần “vỡ mộng”. Vì thế, tôi nghĩ rằng mình không nên để những quan điểm tình yêu, tình dục giả tưởng ảnh hưởng tới bản thân quá nhiều. Thay vì đó, tôi muốn tự mình khám phá và đúc rút kinh nghiệm riêng để thực sự ăn khớp với nửa kia của mình.
Quang Minh: Tất nhiên, tiếp xúc với những nội dung này ở độ tuổi tiểu học như tôi là sớm. Thế nhưng, tôi nghĩ mình khó tránh được chúng, nhất là khi nó dễ tìm kiếm trên Internet, xuất hiện trong phim ảnh và là chủ đề bàn tán của các thanh thiếu niên.
Mặt khác, văn hóa phẩm khiêu dâm phần nào cung cấp một số thông tin, giúp tôi bớt những định kiến về tình dục trong quá trình trưởng thành.
Thắng Lê: Tôi nghĩ mình đã tiếp xúc với các nội dung có yếu tố tình dục hơi sớm. Thay vì tuổi 11-12, tôi ước mình được biết chúng ở tuổi 15-16, khi đã trưởng thành hơn, được trang bị một số kiến thức nền tảng về giới và giới tính.
Tôi cũng trở nên cởi mở với chủ đề tình dục từ khi còn trẻ. Tuy nhiên, tôi từng quá tự tin với những thông tin mình biết được từ sách báo, phim ảnh. Do đó, ở lần đầu trải nghiệm thực tế, tôi có chút thất vọng và “vỡ mộng”.
Theo Hồng Chang - Trang Minh/Zing