Các cổ động viên đến Cologne, thành phố phía tây nước Đức, rất kinh ngạc khi được phục vụ bia trong chiếc ly được gọi là "ly champagne trong thế giới bia". Ly thủy tinh 200 ml truyền thống này có kích thước chỉ bằng 1/3 pint của người Anh (pint là đơn vị đo lường bia, khoảng 568 ml ở Anh và 473 ml ở Mỹ).
Ở Cologne, các quán bar phục vụ kolsch - loại bia truyền thống chỉ có thể được sản xuất ở thành phố 2.000 năm tuổi này và một số khu vực lân cận. Tại Đức, thưởng thức kolsch cũng cầu kỳ tương tự như uống champagne ở Pháp.
Kolsch chỉ được phục vụ trong những chiếc ly hình trụ nhỏ được gọi là "stange", vì bia sẽ mất đi vị ngon nếu đựng trong ly lớn hơn, để quá lâu trong không khí. Loại bia này thường được mang ra cho khách trên chiếc khay tròn được gọi là "kranz", có thể chứa 8-10 ly.
Khoảng 50.000 người hâm mộ đã đến Cologne trước trận đấu cuối cùng ở bảng C của đội tuyển Anh gặp Slovenia vào ngày 25/6 (giờ địa phương).
Người hâm mộ Anh ở Cologne thưởng thức bia đựng trong ly nhỏ.
Trong khi một số quán bar gần khu vực dành cho người hâm mộ đang phục vụ các loại bia khác trong cốc có thể tích gần 1 pint phổ biến trong bóng đá, thì hầu hết quán rượu ở Cologne vẫn giữ truyền thống, bao gồm cả các quán bia nổi tiếng bậc nhất thành phố.
Một số người hâm mộ đã phàn nàn việc uống hết bia chỉ trong vài ngụm, nhưng việc xếp hàng, mua thêm đồ uống sẽ khó khăn hơn khi số lượng cổ động viên đến thành phố đang tăng dần.
Người hâm mộ cũng sẽ phải trả nhiều tiền hơn, với một số quán bar tính phí 3,5 euro (3,76 USD) cho 200 ml, tương đương gần 10 euro (10,73 USD) mỗi pint.
"Tôi uống hết trong 3 ngụm. Nó có vị ngon nhưng nếu phục vụ trong ly bình thường thì tốt quá. Sẽ rất tốn thời gian nếu chúng tôi lại xếp hàng để gọi món ở quán bar", Liam Terriington, cổ động viên 23 tuổi đến từ Anh, nói.
Trong khi đó, Pierre Hazel, cổ động viên 52 tuổi, và hai con trai vẫn hài lòng với những ly bia mini. "Đó là một loại bia tuyệt vời. Thực ra uống thế này cũng tốt. Nó giúp giữ được hương vị và độ mát lạnh của bia", ông nói.
Đức nổi tiếng với các loại bia lâu đời.
Đức được mệnh danh là "vương quốc của bia" không chỉ vì số lượng lớn nhà máy sản xuất, mà còn vì chất lượng bia ở đây. Đa phần các nhà đều có lịch sử lâu đời, được truyền nghề qua nhiều thế hệ.
Chất lượng được duy trì bằng một quy định có phần lạ lùng mang tên Reinheitsgebot (Luật Tinh khiết) ra đời từ năm 1516, quy định rằng chỉ có 4 thành phần được cấp phép trong sản xuất bia: nước, lúa mạch, hoa bia và men. Hơn 500 năm sau, quy định này vẫn còn hiệu lực.
Tại Đức, uống bia còn là một nét văn hóa. Người Đức uống bia ở nhiều địa điểm khác nhau từ những quán biaerkeller trong hang, vườn biergartens rợp bóng cây cho đến kneipen (quán rượu) và stuben (quán bar) ấm cúng. Theo The Telegraph, người Đức thích bia nhưng hiếm khi say khướt vì đa số có tửu lượng cao, đồ ăn kèm đa dạng. Bàn nhậu cũng là nơi khá cởi mở để trò chuyện và kết bạn.
EURO 2024 dự kiến mang lại cho nền kinh tế Đức khoản tăng trưởng trị giá 2,75 tỷ bảng Anh (3,5 tỷ USD) với doanh số bán bia, rượu không cồn hoặc có nồng độ cồn thấp đạt mức kỷ lục cho một giải đấu lớn.
Theo Lê Vy/ Znews