Những người phản đối hiện tượng xã hội trên cho rằng, các khách du lịch "Tây ba-lô" giàu có đang tước mất tiền của những người khó khăn thật sự tại khu vực bị coi là nghèo trên thế giới này.
Theo họ, một người nào đó buộc phải ăn xin trên đường là vì đói nghèo, bệnh tật và nhu cầu cần tồn tại, chứ không phải là để trang trải cho một thú vui mà nhiều người coi là xa xỉ như đi du lịch.
Ngoài ra, những du khách kiểu này dường như đã phớt lờ các quy định nghiêm ngặt về ăn xin trên đường phố ở những nước họ tới thăm. Ví dụ, ở Singapore, chỉ có những du khách có visa làm việc mới được phép kiếm sống bằng cách chơi nhạc, vẽ tranh trên đường.
Maisarah Abu Samah, ở Singapore, đã đăng 2 tấm ảnh về những khách "Tây ba-lô" ăn xin trên Twitter, một người bán bưu ảnh và một người chơi nhạc. "Đây là lần đầu tiên tôi thấy những kiểu như vậy. Ở Singapore, có những quy định chặt chẽ đối với việc bán đồ lặt vặt hay chơi nhạc trên đường phố", Samah phẫn nộ nói với France24
"Và nếu bạn tình cờ thấy người bán rong hay các nghệ sĩ đường phố, họ thường tập trung ở trung tâm thành phố thay vì đứng gần các trạm xe buýt tại các khu vực trung lưu như vậy. Tôi chưa từng thấy người da trắng làm như vậy".
"Chúng tôi thấy cực kỳ lạ lùng khi hỏi xin tiền ai đó để đi du lịch. Bán hàng trên hè phố hay ăn xin để đi du lịch là hành vi không đúng đắn. Người nào đó đi ăn xin chỉ khi họ thực sự cần. Họ xin tiền để mua đồ ăn, trả học phí cho con hay trả nợ chứ không phải ăn xin để làm việc gì đó xa xỉ", Samah nói thêm.
Xu hướng này cũng diễn ra cả trên mạng. Nhiều người sử dụng các trang web từ thiện hoặc gây quỹ để xin tiền du lịch. Mới đây trên Internet xuất hiện lời rao nhan đề "David và Bash, Tây ba-lô cực kỳ tiết kiệm đi Đông Nam Á", trong đó xin 1.000 tới 2.850USD tiền vé máy bay, 850USD tiền ở và khoảng 1.000USD tiền tiêu vặt.
Theo Hoài Linh/Vietnamnet