Luang Prabang, thành phố của những ngôi chùa vàng linh thiêng

Google News

Nếu bạn muốn rời xa nơi thị thành phồn hoa tấp nập, áp lực mệt mỏi thì Luang Prabang có thể là sự lựa chọn hoàn hảo...

Du lịch là cách mà mọi người chọn lựa để tìm thấy sự thư giãn sau những mệt mỏi, áp lực trong cuộc sống. Có người lựa chọn điểm đến là những nơi phồn hoa náo nhiệt ngập tràn dịch vụ giải trí. Tuy nhiên, cũng có người muốn đi đến những vùng đất bình yên, nơi chỉ có không gian thiên nhiên rộng lớn để tìm sự nghỉ ngơi đúng nghĩa. Và Luang Prabang là một trong số đó. Tuy không mạnh về các dịch vụ du lịch nhưng Luang Prabang có sự thu hút đặc biệt với du khách bởi những ngôi chùa cổ linh thiêng, kiến trúc cổ kính và đời sống giản đơn tại nơi đây. Trong không gian đó, mọi mệt mỏi của cuộc sống vô thường sẽ nhường chỗ cho sự tĩnh tâm ngự trị trong tâm hồn bạn.
Luang Prabang, thanh pho cua nhung ngoi chua vang linh thieng
 
Con đường dẫn đến Luang Prabang cũng chẳng khó khăn. Từ Hà Nội, bạn có thể chọn xe bus đi đến Thủ đô Viên Chăn rồi từ đó đi tiếp đến Luang Prabang. Với năm cửa khẩu đường bộ tiếp giáp với Việt Nam, không cần visa và việc đi lại bằng xe bus hiện tại khá thuận tiện thì một chuyến du hành đến Lào không quá khó.
Vượt qua chặng đường quanh co từ thủ đô Viên Chăn, chúng tôi đến Luang Prabang khi thành phố đã lên đèn. Nằm nép mình bên hai dòng sông Nậm Khan và Mê Kông, Luang Prabang có lịch sử hơn 200 năm là kinh đô của Lào trước khi kinh đô được chuyển về Viên Chăn. Tuy nhiên, thành phố này vẫn bảo tồn được địa thế của nó như một cái nôi của Phật giáo và nền văn hóa, kiến trúc đa dạng của Lào.
Vẻ đẹp bình yên của những ngôi chùa
Luang Prabang được biết đến như một trung tâm Phật giáo vì ở đây hiện diện gần 40 ngôi chùa được xây dựng từ những triều đại khác nhau. Mỗi công trình đều mang nét kiến trúc riêng, đa phần vẫn được gìn giữ nguyên vẹn. Từng ngôi chùa Lào là kết tinh của niềm thành kính và bàn tay khéo léo của các người thợ, vì thế việc viếng thăm hàng loạt các ngôi chùa ở đây là một việc nên làm: Từ Wat Mai đẹp lộng lẫy đến ngôi chùa Vat Visoun cổ nhất Luang Prabang hay Vat Xieng Thong, ngôi chùa linh thiêng với nhiều tượng Phật và những bức tường trang trí tinh xảo.
Kiến trúc mái ngói nhiều tầng, lấp lánh hàng cột, xà nhà sơn son thiếp vàng mang lại nét đẹp “hoàng gia“ cho các ngôi chùa ở Lào. Khác hẳn với những ngôi nhà giản dị có phần cổ kính của người dân, dường như mọi thứ đẹp đẽ trong nhân gian đều được tập hợp trong chùa. Vì thế chúng tôi có thể thỏa thích ngắm những bức tượng Phật làm bằng ngọc khối nguyên chất hay những bức tường dát vàng được chạm khắc tỉ mỉ.
Luang Prabang, thanh pho cua nhung ngoi chua vang linh thieng-Hinh-2
 

Luang Prabang, thanh pho cua nhung ngoi chua vang linh thieng-Hinh-3
 

Luang Prabang, thanh pho cua nhung ngoi chua vang linh thieng-Hinh-4
 

Luang Prabang, thanh pho cua nhung ngoi chua vang linh thieng-Hinh-5
 
Khám phá Luang Prabang bằng xe đạp, bạn sẽ được len lỏi trong dãy phố cổ (mà tôi có cảm giác thân thương như đang ở Hội An) với những ngôi nhà gỗ của người Lào xen lẫn những ngôi nhà kiến trúc Pháp dấu ấn của một thời thuộc địa, tĩnh lặng trong không gian của các ngôi chùa. Nếu không, bạn nên đi thuyền cắt dòng Mê Kông sang những làng nghề làm lồng đèn, nấu rượu bên kia sông.
Hành trình của du khách có thể khác nhau nhưng kết thúc luôn bằng niềm háo hức vượt qua 328 bậc đá để chinh phục đỉnh Phousi, thăm ngôi chùa nằm trên đỉnh núi và ngắm hoàng hôn buông trên dòng Mê Kông. Tôi vẫn thường đùa với đám bạn rằng Phousi chính là nơi mà chúng tôi có thể gặp được toàn bộ khách đến thăm thành phố trong ngày hôm ấy. Từ đây có thể ngắm trọn Luang Prabang cổ kính dần chìm vào ánh hoàng hôn.
Triết lý hành khất
Luang Prabang, thanh pho cua nhung ngoi chua vang linh thieng-Hinh-6
 
Hiện diện trên các bức tranh về Luang Prabang luôn là hình ảnh của các nhà sư trong sắc áo vàng cam ung dung giữa đời thường. Đến đây tôi mới biết vào mỗi sáng sớm khi mặt trời còn chưa thức dậy, các nhà sư sẽ hành lễ khất thực trên các con phố. Mỗi sáng sớm người dân ở đây với tấm lòng thành kính sẽ trải một chiếc chiếu trước hiên nhà, chuẩn bị các thực phẩm cúng dường, thông thường sẽ là xôi, bánh kẹo, hoa quả.
Các nhà sư đi theo từng đoàn dài, mặc áo cà sa đỏ, tay nâng một chiếc bát to, từng bước trên đôi chân trần đi qua các con phố nơi mà người dân đang chờ đợi để được dâng lên thức ăn. Khi các nhà sư đến, những người dâng thức ăn sẽ quỳ xuống, nâng đồ ăn lên ngang trán và khấn nguyện. Mỗi nhà sư nhận một ít thức ăn rồi đọc một câu kinh hoặc một lời chúc phúc. Không nhà sư nào nhận quá nhiều thức ăn, chỉ vừa đủ, nhường lại cho nhà sư tiếp theo.
Truyền thống khất thực này đã có từ thời đức Phật và vẫn tồn tại ở các quốc gia theo truyền thống Phật giáo Nam truyền. Nhà sư đi khất thực không đơn giản là hành khất xin thức ăn, đó là quá trình thực tập, hạnh nguyện của các nhà sư. Khất thực vừa là phương tiện sinh sống vừa là thời gian để các nhà sư hành đạo.
Đối với các Phật tử, hình thức cúng dường cũng là cơ hội để thực hiện công hạnh, hướng đến thiện nguyện. Vì thế, họ không bao giờ làm điều đó với thái độ ban ơn hay bị bắt buộc. Trước khi cúng dường, người ta phải sửa soạn thân thể sạch sẽ, chuẩn bị thực phẩm với tất cả tấm lòng thành kính trân trọng. Người cúng dường sẽ có những lời cầu phúc cho người thân chứ không cầu chúc cho riêng mình.
Luang Prabang, thanh pho cua nhung ngoi chua vang linh thieng-Hinh-7
 
Nếu là người yêu đạo Phật, có lẽ bạn nên đến nơi đây, bạn sẽ tìm thấy những giây phút yên bình và ý nghĩa nhất, cùng với người dân nước Lào.
Thông tin thêm
Chọn hành trình: Hà Nội – Viên Chăn – Luang Prabang – bằng máy bay hoặc xe bus liên vận Việt Lào ở bến xe nước ngầm (Hà Nội). Hoặc qua các cửa khẩu khác tại Nghệ An, Hà tĩnh, Thanh Hóa…
Nên đổi tiền Kip Lào từ nhà hoặc các cửa khẩu để được tỉ giá tốt nhất. Có thể thanh toán bằng thẻ tín dụng ở các thành phố lớn như Viên Chăn – Luang Prabang.
Nên thưởng thức bia Lào và món Lạp (một loại salat rau thịt ăn với xôi trắng) và món cá sông Mê Kông tươi nướng tuyệt ngon.
Theo Elle VN