Riêng tiền biếu, mừng tuổi cũng hơn chục triệu
Lên chi phí kế hoạch chi tiêu Tết Nguyên đán, chị Hoàng Thị Dung (một dân công sở tại Q. Cầu Giấy, Hà Nội) bàng hoàng không tin vào mắt mình.
Biếu ông bà nội: 4 triệu.
Biếu ông bà ngoại: 3 triệu
Sắm sửa quần áo gia đình ba người: 2 triệu.
Sắm quà Tết: 1 triệu.
Mua cây cảnh: 1 triệu.
Mừng tuổi ông bà nội: 1 triệu
Mừng tuổi ông bà ngoại: 1 triệu.
Mừng tuổi anh em, họ hàng, các cháu: 3 triệu.
Chi phí đi lại: 1 triệu.
Tổng cộng: 17 triệu đồng, chưa tính các chi phí phát sinh khác. Theo đó, khoản 16 triệu đồng này sẽ được dùng trong ba ngày Tết cao điểm. Đó là ngày 29, 30, mùng 1 Tết.
|
Ngày Tết có quá nhiều khoản phải chi tiêu khiến chị em đau đầu. Ảnh minh họa. |
“Tết rất nhiều khoản phải chi. Cứ ra đường là tiêu tiền như mất cắp. Tưởng mình đánh rơi tiền nhưng về tính ra thì đâu vào đấy. Tiết kiệm đến mấy cũng phải có hai chục triệu mới xong cái Tết”, chị Dung đúc kết.
Bản thân chị rất mong muốn bố mẹ hãy coi Tết như ngày bình thường nhưng điều này thực sự khó. Bởi theo tâm lý của người già, ai cũng muốn có ngày đầu năm mới thật tươm tất, đủ đầy, không ai muốn “đói khổ, thiếu thốn như ngày xưa”.
Vì thế, các ông bà luôn thích “sắm Tết cho đã tay”. Nếu để bố mẹ chi trả tiền Tết, con cái lại áy náy. Mà con trả hết thì…tiếc của vì dù sao khoản chi phí đó cũng vô cùng lớn. Mỗi thứ một ít cộng lại là “bay” cả tháng lương.
Tiêu tưng bừng, hết Tết…không dám ra quán ăn sáng
Cứ tháng Tết là gia đình chị Thu Phương (Q. Hoàng Mai, Hà Nội) lại chóng mặt vì các khoản chi tiêu, biếu Tết.
Biếu ông bà nội: 4 triệu.
Biếu ông bà ngoại: 4 triệu.
Biếu sếp cả hai vợ chồng: 11 triệu.
Mừng tuổi đôi bên nội ngoại: 4 triệu.
Sắm bánh kẹo, quà cáp: 2 triệu.
Tổng cộng chi cả cái Tết là 25 triệu đồng. Chị Phương cho hay, trong đó khoản biếu Tết là “nặng đô” nhất nhưng không có không được.
Chi tiêu cho một cái Tết hoành tráng, ra Tết là những nỗi lo mấy ai thấu hiểu. Bởi có bao nhiêu tiền đã “nướng” cả vào cái Tết.
“Ra Tết, tủ lạnh còn gì ăn nấy. Nhà mình cũng thực hiện chế độ tiết kiệm triệt để sau Tết, cả nhà không ăn sáng bên ngoài mà tự nấu nướng ăn ở nhà. Buổi trưa hai vợ chồng mang cơm hộp đi ăn, không ra quán và hạn chế tối đa các khoản phát sinh để “sống sót” đến khi có lương tháng 2”, chị Phương nói.
Theo nguyện vọng của chị Phương, nghịch lý chi tiêu Tết ở chỗ nhà nào cũng sắm ào ào, tích trữ đủ loại thực phẩm, lương cao mỹ vị nhưng chỉ cần đến chiều mùng 1 là cảm thấy ngán bánh chưng, thịt thà mà “thèm cái gì đó man mát”.
Nhưng ngặt nỗi nhà nào cũng nấu nướng ê hề vì tâm lý “no ba ngày Tết”, sợ bị chê cười “sắm Tết hẻo”. Nên dù sợ đồ mỡ màng, luôn than vãn chi tiêu tốn kém nhưng cả thiên hạ vẫn lao vào cơn lốc sắm Tết và kết quả là hàng chục triệu, thậm chí mấy chục triệu “đi tong” chỉ trong vài ngày.
Theo Thu Hà/Em Đẹp