Không chịu được áp lực thành phố hay vì muốn sống cạnh gia đình, nhiều người chọn về quê nhà để sinh sống và làm ăn sau thời gian dài lập nghiệp xa xứ.
Lý do nào khiến người trẻ muốn từ bỏ thành phố?
Trước khi bỏ phố về quê, Bảo Anh (25 tuổi, Hà Nội) đang làm nhân viên văn phòng. Sau 3 năm gắn bó với môi trường làm việc, thu nhập hàng tháng của cô nàng là khoảng 12 triệu đồng. Tuy nhiên, với mức chi tiêu đắt đỏ của Hà Nội, Bảo Anh không thể tiết kiệm được đồng nào. Ngoài ra, cô nàng không có lộ trình thăng tiến rõ ràng.
Để có cuộc sống dễ thở hơn, Bảo Anh chọn bỏ phố về quê. Cách đây 1 năm, cô nàng đã nộp đơn vào một doanh nghiệp ở quê rồi chuyển về gần nhà sinh sống. Dù mức lương chỉ có 7 triệu đồng/tháng nhưng cô thấy cuộc sống hiện tại thoải mái hơn nhiều so với ở Hà Nội.
Ở một trường hợp khác, Kim Ngân (30 tuổi, Bảo Lộc) cũng chọn trở về quê hương sinh sống sau 10 năm lập nghiệp trên TP.HCM. Đáng nói, thời điểm đưa ra quyết định này là khi Ngân đã trở thành quản lý của phòng Kinh doanh thuộc một công ty Thương mại Điện tử, nhận mức lương hơn 30 triệu đồng/tháng.
|
Kim Ngân chuyển về quê sống dù thời điểm đó, cô đã có mức lương hơn 30 triệu đồng/tháng
|
Kim Ngân từng là một Digital Nomad (những người thường xuyên di chuyển, không làm việc cố định tại 1 nơi). Cụ thể hơn, cô làm công việc freelance về phát triển kênh online và xây dựng các dự án về du lịch trải nghiệm tại địa phương.
Kim Ngân tâm sự về nghề: "Mình quyết định về quê cách đây hơn 1 năm. Lúc đó mình nhận ra bản thân không còn phù hợp với môi trường văn phòng bó buộc nữa. Đặc trưng công việc không chỉ là ngày làm 8 tiếng mà ngoài thời gian làm tại công ty, mình còn thường xuyên làm việc online tới khuya để đảm bảo chiến dịch đạt doanh số tốt nhất.
Thậm chí mình còn không có ngày nghỉ cuối tuần. Sức khỏe suy giảm, không có thời gian cho bản thân và các mối quan hệ xung quanh. Mình cảm thấy bản thân không thể tiếp tục hướng đi này lâu dài được".
Cũng thời điểm đó, nhận thấy tiềm năng của lĩnh vực du lịch địa phương nên Kim Ngân dứt khoát chọn về quê hương làm việc tự do. Trong 6 tháng đầu nghỉ việc, mức lương freelancer của cô nàng chủ yếu dựa trên kinh nghiệm có sẵn. Thậm chí có tháng Kim Ngân không có thu nhập. Tiền chi tiêu của cô chủ yếu dựa vào khoản tiết kiệm có sẵn từ khi đi làm. Tuy nhiên, do mức sống ở quê thấp, Ngân lại không cần lo tiền thuê nhà, xe cộ đi lại nên không gặp quá nhiều áp lực tài chính.
Bỏ phố về quê, giới trẻ nhận lại điều gì?
Đối với Kim Ngân, thời gian đầu rời thành phố, cô nàng gặp không ít khó khăn vì nguồn thu nhập và cơ hội nghề nghiệp giảm. Ngoài ra, cô còn chịu nhiều cái nhìn đánh giá từ người thân khi chọn về quê ở tuổi 30.
Kim Ngân tâm sự: Về quê, thu nhập của mình không được như trước. Mình cũng đã có khoảng thời gian áp lực, nghi ngờ khả năng của bản thân. Ngoài ra, còn một số áp lực khác như người thân không hiểu đặc tính công việc, nên nghĩ mình đang thất nghiệp và gặp thất bại trong công việc. Hay trong vấn đề tuổi tác và lập gia đình vì mình đã 30 tuổi mà vẫn còn độc thân. Những vấn đề này mình đã lường trước được nên cũng đã dễ dàng vượt qua".
|
Ảnh minh họa. |
Tuy nhiên, tạm bỏ qua những khó khăn ban đầu, Kim Ngân thấy chọn về quê sinh sống đem lại nhiều lợi ích hơn cả.
Thứ nhất, chuyển về quê sống cùng gia đình giúp cô nàng tiết kiệm chi phí sinh hoạt, bởi mức chi tiêu ở quê thấp hơn nhiều so với thành phố. Hơn nữa, cô nàng cũng không cần bận tâm phải lo tiền nhà và mua xe.
Thứ hai, ở quê có môi trường sống yên tĩnh và xanh sạch. Bản thân Ngân cũng có thể dành nhiều thời gian cho gia đình.
Thứ ba, giao thông ở vùng quê đã phát triển hơn trước rất nhiều. Do đó, nếu Kim Ngân nhớ thành phố, muốn gặp mặt bạn bè hay cần sử dụng dịch vụ mà quê chưa có, cô chỉ cần sắp xếp chút thời gian là có thể dễ dàng "làm người thành phố" một vài ngày.
Sau cùng, Kim Ngân cho rằng việc bỏ phố về quê để làm freelencer mở ra nhiều cơ hội nâng cao tài chính, chẳng hạn như kinh doanh online các sản phẩm hữu hình, làm affiliate marketing...
Cùng chịu cảnh thu nhập giảm khi nghỉ việc ở thành phố, tuy nhiên Trần Thương (1997, Nghệ An) nhận định bản thân không hối hận khi chuyển về sinh sống. Trước đó, cô nàng luôn đặt mục tiêu làm vệc ở thành phố lớn, nhưng sau vài năm trải nghiệm, cô thấy mình không còn phù hợp với môi trường này nữa.
Công việc có nhiều thay đổi, định hướng không còn giống với mục tiêu ban đầu. Vì thế, Thương đã chuyển công tác về Nghệ An, vừa giải quyết vấn đề công việc, vừa được gần gũi cùng gia đình hơn.
Sau khoảng thời gian về quê, Thương cảm thấy dễ thở hơn với cuộc sống hiện tại. Dù thu nhập giảm chỉ còn 1 nửa, nhưng tài chính có phần dễ xoay xở hơn. Thương chia sẻ: "Công việc cũng có khả năng thăng tiến, thu nhập ít hơn nhưng tích lũy lại được nhiều hơn. Do vậy, mình thấy khá vui với cuộc sống hiện tại".
Theo Vân Anh/Phụ nữ Việt Nam