Tạo thương hiệu riêng
Kể từ khi học lớp 5, Tâm An (20 tuổi, sống tại TP. HCM) đã bắt đầu làm quen với móc len. Đến nay, với gần một thập kỷ tích lũy kinh nghiệm từ bộ môn này, cô đã có cho mình thương hiệu kinh doanh riêng và một chuỗi các bộ ảnh mang tên Tui mặc đồ tui làm.
Tâm An chia sẻ: “Móc len có ý nghĩa rất quan trọng với mình. Có một số giai đoạn, khi mình gặp áp lực trong cuộc sống, mình dành hết tất cả thời gian rảnh để móc len. Vì khi đó, mình không phải suy nghĩ nhiều nữa, mà lúc nào mình cũng vui vẻ, phấn khích với sở thích”.
Theo An, móc len là một cách đơn giản để có thể tự tay làm ra các sản phẩm ứng dụng độc đáo mang tính cá nhân mà không yêu cầu quá nhiều về vật liệu, máy móc. Ban đầu, cô học móc các mũi cơ bản thông qua các video hướng dẫn trên YouTube. Sau đó, cô đọc thêm các hướng dẫn về mũi móc nâng cao trên các trang web nước ngoài.
Với phong cách cá tính, những sản phẩm móc len của An đã “phá vỡ” các quy tắc, định kiến về quần áo len. “Đồ len đã phát triển rất xa so với định kiến “các cụ bà cặm cụi ngồi đan len cạnh lò sưởi” rồi. Giới trẻ hiện nay đã biến tấu và làm mới công việc này bằng rất nhiều ý tưởng độc đáo, mới lạ. Với sự linh hoạt của mình, bạn trẻ hoàn toàn có thể tạo ra các sản phẩm từ phong cách dịu dàng, công chúa đến Grunge, Gothic mà không có bất kỳ giới hạn nào”, Tâm An nói.
Cô “bật mí”, đợt giãn cách xã hội kéo dài vừa qua, cô đã cho ra đời rất nhiều sản phẩm len do chính bản thân làm. Mùa Giáng sinh này, cô còn chuẩn bị sẵn sàng một bộ quần áo đón lễ gồm đầm, nón và túi làm từ len để diện cho mình.
Giải tỏa căng thẳng
Còn Phạm Vương Mỹ Linh (19 tuổi, sống tại Quảng Nam) hình thành sở thích móc len nhờ vào một môn học ở trường THCS. Tùy vào mức độ cầu kỳ, từng sản phẩm sẽ có thời gian hoàn thành khác nhau. Nếu sản phẩm đơn giản, Mỹ Linh thường mất khoảng 2 - 3 tiếng hoàn thành. Nếu sản phẩm phức tạp, việc móc len có khi sẽ mất đến vài ngày.
Mỹ Linh tâm sự: “Móc len giúp mình giảm căng thẳng sau những giờ học. Những lúc này, mình tập trung và tạm quên đi những khó khăn tại thời điểm đó. Đôi khi, mình còn mang tặng những sản phẩm làm được cho bạn bè, người thân. Móc len giúp mình khám phá thêm về sở thích của bản thân, điều mà trước giờ mình không nghĩ mình có thể thực hiện được. Nó còn mang đến cho mình niềm vui, cảm giác sảng khoái khi tự tay hoàn thành một việc gì đó”.
Cũng chung niềm vui với móc len, khoảng 5 tháng nay, Nguyễn Thảo Ly (19 tuổi, sống tại Bình Phước) cũng bắt đầu có những trải nghiệm tuyệt vời với bộ môn này. Cô cho biết, lý do khiến cô tập tành làm quen với bộ môn này là để “giết thời gian” trong khoảng thời gian dịch bệnh COVID-19 hoành hành vừa qua. Thêm vào đó, cô cũng muốn diện những sản phẩm do chính bản thân làm ra để đi chơi nhân dịp Giáng sinh.
Lúc mới tiếp xúc với móc len, Thảo Ly cảm thấy công việc này có hơi “khó chiều”, khiến cô loay hoay khá lâu mới có thể học được hai mũi cơ bản là móc đơn và móc kép. Tuy nhiên, sau nhiều lần tháo len làm lại, cô cũng dần quen tay và móc đều, đẹp hơn.
Nói về cảm nhận của bản thân về bộ môn này, Thảo Ly bộc bạch: “Móc len, với mình, vô cùng thú vị, vì nó giúp mình giải tỏa căng thẳng mang tên "deadline". Nó còn xoa dịu tâm hồn và giúp mình sống tích cực hơn mỗi ngày. Mình học được cách sống chậm rãi, kiên nhẫn và kiên trì hơn. Bên cạnh đó, việc móc len còn giúp mình thỏa sức sáng tạo với nhiều kiểu dáng và màu sắc khác nhau”.
Theo Bùi Nhi/ Sinhvienvietnam