Khám phá sản phẩm độc lạ của làng nghề dệt cói Kim Sơn

Google News

Ngoài địa danh nổi tiếng nhà thờ đá Phát Diệm, Kim Sơn còn là vùng đất có truyền thống trồng cói và làm hàng thủ công mỹ nghệ từ cây cói đã có từ lâu đời.

Đến Ninh Bình du khách ghé qua thăm làng nghề dệt cói Kim Sơn để hiểu thêm về công việc cũng như những câu chuyện về cuộc sống của những người dân nơi đây.
Kham pha san pham doc la cua lang nghe det coi Kim Son
 
Trên vùng đất Kim Sơn cây cói đã có mặt ở đây gần hai thế kỷ. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, hằng trăm năm quai đê lấn biển. Người dân nơi đây đã tạo nên những cánh đồng cói mênh mông trên những bãi bồi. Những bãi bồi trải dài, rộng thênh thang, tầng tầng những cây cói xếp dài lung linh trong nắng chiều. Cây cói mềm mại, óng ả, nó như là sợi nối giữa biển với bờ. Thân thương rất đỗi quen thuộc gắn liền khăng khít như một phần cuộc sống của những con người cần cù nơi vùng đất nắng gió này.
Theo những người dân nơi đây cây cói có chu kỳ sinh trưởng tựa cây lúa. Cói chiêm thu hoạch vào dịp tháng Năm, cói mùa vào dịp tháng Mười (âm lịch). Lúc hoa nở trắng trên những bãi bồi ven biển cũng là lúc người nông dân bắt đầu cắt cây cói ngoài đồng về. Quy trình trồng cói cũng giống như cây lúa: cày, xới, phơi ải, tháo nước, cấy cói, rồi làm cỏ, sục bùn, bón phân. Cói tươi thu hoạch về được chẻ nhỏ, phơi khô và đem ra chợ bán, rồi từ đó dệt thành chiếu hoa và các sản phẩm từ cói.
Kham pha san pham doc la cua lang nghe det coi Kim Son-Hinh-2
Để có được một sản phẩm cói mỹ nghệ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, kỹ thuật trồng và sản xuất cói của Kim Sơn rất công phu tỉ mỉ mang tính đặc thù riêng. Đó là cả một quy trình đòi hỏi tính chính xác ngay từ lúc trồng cói, thu hoạch cói, chọn cói, chẻ cói, phơi cói, nhuộm cói. Tưởng như những sợi cói dài loằng ngoằng không có giá trị, nhưng chỉ qua bàn tay khéo léo người dân nơi đây đã tạo ra những sản phẩm độc, lạ như: mũ, dép, túi sách, hộp, cốc... Nổi bật nhất trong các sản phẩm từ cói của Kim Sơn phải kể đến chiếu cói. Dệt chiếu cói là cả một quá trình lao động sáng tạo đây cũng là dịp để người thợ thủ công Kim Sơn thể hiện hết tài hoa trên từng tấm cói.
Hiện nay, sản phẩm cói mỹ nghệ Kim Sơn đã được xuất khẩu đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Cây cói giờ đây không chỉ giúp người dân có thêm nguồn thu nhập cải thiện được đời sống, mà còn là niềm vinh dự tự hào khẳng định vị thế của mình. Tin rằng với tình yêu vô cùng lớn đối với nghề dệt cói, niềm tự hào quê hương. Người dân nơi đây vẫn phát huy tinh thần bảo tồn lưu truyền nghề qua các thế hệ, tiếp tục đưa nghề dệt cói ngày một phát triển lớn mạnh.
Theo Xuân Thu/ TTTTXTDL Ninh Bình