Ưa thích khám phá những điều mới mẻ về thiên nhiên, nhóm của anh Lê Thuận đã bàn bạc, lên kế hoạch kỹ càng và họ quyết định chọn chinh phục đỉnh núi Brăh Yàng ở huyện Di Linh cho chuyến hành trình lần này của mình.
Bắt đầu hành trình khám phá leo núi Brăh Yàng của nhóm người trẻ.
Trong cái nắng oi ả, sau vài giờ di chuyển từ TP HCM, nhóm anh Thuận đã đến được Di Linh, điều anh cảm nhận đầu tiên khi đặt chân đến đất Lâm Đồng là từng cơn gió thoáng qua phà hơi mát lạnh dịu cả người, thời tiết trên cao nguyên gió ngàn luôn cuốn hút những người thích xê dịch, khám phá, sinh tồn trong những khu rừng già.
Theo anh Lê Thuận, đồng hành với nhóm anh trên hành trình chinh phục núi Brăh Yàng có anh Mul K’Vang, anh K'Brẻoh và anh Nhoi Mur- đây là những người K’Ho bản địa rất vui vẻ, tận tình, mến khách.
Trong hành trình lên núi, du khách sẽ được chiêm ngắm thác nước Bobla tuyệt đẹp.
Theo người dân địa phương kể lại truyền thuyết, Brăh là tên một chàng trai người K’Ho, còn Yàng nghĩa là thần. Ngày nọ, cô tiên từ trên núi xuống tắm suối và lấy cá của chàng. Khi chàng phát hiện, nàng hứa sẽ đền bất cứ thứ gì nhưng chàng không chịu, chỉ muốn được theo cô lên núi ở cùng và cai quản núi, từ đó núi có tên là Brăh Yàng.
Đỉnh núi này có độ cao 1.879m so với mực nước biển, cao nhất ở Di Linh, núi này đã trở thành điểm du lịch trekking (đi bộ trong rừng) khám phá, thử thách nhiều bạn trẻ.
Phóng tầm mắt nhìn những ngọn núi ở cao nguyên Di Linh.
“Để lên được đỉnh Brăh Yàng, chúng tôi phải lội bộ, băng qua những ruộng lúa, những đồi cà phê, lội suối, vượt đèo, băng qua rừng thông, leo lên từng con dốc dựng đứng. Dưới cái nắng gắt, chúng tôi vẫn hừng hừng cuốc bộ trong rừng sâu, mồ hôi nhễ nhại ướt như tắm”. Anh Thuận chia sẻ.
Đường lên đỉnh núi hiểm trở.
Vừa leo núi, nhóm du khách đến từ TP HCM được các anh đồng hành người K’Ho kể lại những câu chuyện huyền thoại của thần núi, thần rừng cũng như kinh nghiệm sinh tồn trong rừng như; tìm nguồn nước uống và thức ăn, rau cỏ. “Trong quá trình leo núi có những lúc mỏi mệt chúng tôi đã dừng ở khu đất trống để chế biến, tìm thức ăn từ nấm, cây rừng hay săn bắt, hái lượm như người rừng, một cảm giác thật tuyệt vời chưa từng có”. Anh Thuận cười nói.
Tại điểm dừng chân, nhóm của anh Thuận không quên chụp ảnh kỷ niệm.
Trong hàng trăm thảm thực vật trong rừng nguyên sinh trên núi Brăh Yàng, anh Thuận ấn tượng nhất với loài cây sống ký sinh được gọi là "cây đa bóp cổ" hoặc "quái vật rừng xanh". Loại cây này là hạt mầm mà loài chim hoặc dơi ăn xong thả trên thân cây cổ thụ, sống ký sinh ôm ấp nhau tưởng như tình yêu vĩnh cửu.
“Chiều dần buông xuống cũng là lúc lượng nước mang theo vào rừng cạn dần. Những người con của Brăh Yàng dẫn chúng tôi đến giếng nước thần gần đỉnh núi, nơi có nguồn nước mát quanh năm không bao giờ cạn”. Anh Thuận cho biết thêm.
Sau khi dừng chân ở giếng nước thần, nhóm anh Thuận tiếp tục hành trình lên gần đỉnh núi thì trời đã về chiều tối, sương mù bắt đầu bao phủ dày đặc cả khu rừng, khung cảnh trông hãi hùng nhưng không kém phần lãng đãng.
Du khách Lê Thuận bên "cây đa bóp cổ".
Khi sương mù tan dần, họ chia nhau đi lấy nước nấu cơm, nấu thức ăn, chế biến những món ăn đặc sản trên núi Brăh Yàng. Anh K'Brẻoh cho biết, khi mình đi rừng, trước lúc ăn uống thường phải mời thần núi, thần rừng bát cơm, chén rượu để những vị thần dùng trước giúp mọi người bình an.
Người dân bản địa tìm nấm để làm bữa ăn trên rừng.
Bởi chúng mình là con cháu của Yàng nên khi đi rừng, đi núi lên thăm Yàng như những người con trở về thăm nhà, nên trước khi ăn uống cần bày tỏ lòng biết ơn đến Yàng.
“Giữa đêm, chúng tôi theo chân K’Brẻoh vào rừng…Đi suốt đêm chúng tôi chỉ phát hiện vài con ếch, vài loài chim còn những loài thú lớn rất khó bắt gặp. Đêm giữa rừng thật hoang vắng, chỉ cần những tiếng động mạnh cũng làm vang động cả một góc rừng”. Lê Thuận kể lại.
Nhóm du khách từ TP HCM đã chinh phục được đỉnh núi Brăh Yàng.
Thức giấc sau một đêm ngủ, nhóm người trẻ lại tiếp bước lên rừng, với sức khỏe dẻo dai không bỏ cuộc giữa chừng, cuối cùng họ đã chinh phục được đỉnh núi thiêng Brăh Yàng trong niềm vui sướng và tự hào.
Huyện Di Linh nằm cách TP Đà Lạt khoảng 80km, nơi đây có tài nguyên nước, hệ thống hồ đập, thác nước tự nhiên, cánh rừng nguyên sinh. Di Linh có thác nước nổi tiếng bậc nhất Tây Nguyên là Bobla (đầu ngà voi) rộng 20m và cao hơn 50m cùng danh lam thắng cảnh cấp tỉnh- hồ Ka La, nơi đây diễn ra các hoạt động dã ngoại, ẩm thực, giao lưu văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
Theo Bảo Hân/tcdulichtphcm