Chẳng phải ngẫu nhiên mà người xưa có câu: "Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ". Bởi lẽ, trẻ em luôn ngây thơ, thật thà và những gì con trẻ nói ra dù muốn hay không cũng đều là sự thật được chúng nhìn nhận bằng đôi mắt khách quan, trong sáng.
Và chính vì sự ngây thơ chẳng biết dối lừa, thêm bớt này đã khiến không ít ông bố bà mẹ phải "cười ra nước mắt" khi bị chính con ruột "bán đứng", tả thật về mình với người ngoài - hệt như ông bố trong câu chuyện dưới đây.
Tuy nhiên, thay vì giấu bài văn tả bố của cậu con trai, một ông bố - giám đốc truyền thông của một công ty lại đăng tải lên facebook với lời chú thích hài hước:
"Nhân dịp sinh nhật, trung niên mới nói với thằng con: "Ba không cần quà, chỉ cần con viết ra những cảm xúc chân thực nhất về ba".
Thằng nhỏ vâng dạ, lên lầu hý hoáy viết. Trung niên ngồi rung đùi, nghĩ, kiểu gì cũng có vài mẩu hay hay để đọc.
Không được hoành tráng kiểu "Công cha như núi Thái Sơn" thì ít ra cũng phải có vài lát cắt cảm động.
Nhưng hóa ra lại là một cái kết Đắng!
Định dìm luôn, nhưng rồi nghĩ lại, cả đời sống ảo trên facebook thì cũng nên sống thật một lần. Lấy hết dũng khí gõ lại toàn v.ăn, full không che (à, thực ra có che một vài con số vô nghĩa), không biên tập cắt cúp"
|
Trên mạng từng xuất hiện nhiều bài văn tả bố "bá đạo" của các con khiến dân mạng không khỏi nhịn cười khi đọc (Ảnh: Internet) |
Sau đây là nội dung bài văn viết về bố nhân dịp sinh nhật đấng sinh thành của con trai anh :
"Giới Thiệu
Đối tượng: Ba
Cung: Thiên yết (Bò cạp)
Nhóm máu: B
Sở thích: Thích làm việc, đúng giờ, chăm chỉ
Ghét: Ghét "TV, phone, game", nhạc Pop
Tính cách: bình tĩnh, cần cù, nghiêm khắc
Tính cách tiêu cực: nóng nảy, dễ giận, cầu kỳ, thanh nhã quá đáng.
Mô Tả
Một người trạc trung niên, mắt hí, môi dày, mắt đen, để tóc under-cut và có thân hình "chắc nịch".
Hay mặc áo thun, quần bò khi ở nhà, mặc áo vest, quần kaki ở cơ quan. Tính nết khá quyết đoán, thông minh nhưng lại rất hay cằn nhằn về một việc gì đó, nhất là hay vặc vợ về việc mua đồ thừa rồi không xài đem vứt, và vặc con về việc đạo đức, nề nếp.
Điểm xấu nên khắc phục
1. Khi bố giận lên, nhìn trông rất đáng sợ: "Mắt long sòng sọc, môi cong lên, mặt tím lại". Toát ra sát khí ngùn ngụt, tôi khuyên ông nên kềm chế lại và suy nghĩ xem như vậy có đáng để phô trương khuôn mặt ấy ra hay không?
2. "Quá cầu kỳ nhưng vẫn luôn nghĩ mình đơn giản": Bắt phải học nhiều vào, nếu chỉ cần mắc sai sót nhỏ thì ông cằn nhằn, chứ lớn thì "ông ấy" cho sấp mặt.
3. "Quá cao sang, lịch sự đến nỗi không dám Sống thoải mái " - Đi đâu cũng bị ám ảnh bởi suy nghĩ: người ta phải nghĩ tốt về gia đình mình, không được ăn dơ, kém sang, nói nhiều và các thứ;...
Lịch sự quá mức cần thiết, lúc nào cũng phải quan tâm đến việc người ngoài nghĩ gì mặc dù đây có thể là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng gặp những người lạ ấy."
Thông thường, nếu như trong các bài văn tả mẹ, nhân vật người mẹ dưới đôi mắt của con thường rất đẹp, dịu hiền, chu đáo... được miêu tả bằng những ngôn từ mỹ miều, tình cảm nhất thì với bài văn tả bố, cậu bé này lại viết một cách chân thực, súc tích.
Sau khi đọc bài văn, nhiều người không khỏi bật cười trước những dòng văn tả thực "thật như đếm" của cậu con trai.
Đặc biệt, ở phần "kể tội" bố để nhắc nhở và yêu cầu khắc phục, giọng văn của cậu bé có phần dí dỏm, trào phúng, sử dụng yếu tố hài hước để kể ra một loạt "điểm xấu" của bố.
Là lãnh đạo một công ty lớn nên ông bố này thường rất cầu toàn, cẩn trọng mỗi khi làm bất kỳ việc gì. Nhưng dưới cách nhìn nhận của con trai thì đó dường như là điểm cần khắc phục, chẳng hạn như: "Quá cầu kỳ nhưng vẫn luôn nghĩ mình đơn giản"; "Quá cao sang" hay "Lịch sự đến nỗi không dám sống thoải mái".
Được biết, con trai anh chỉ mới học lớp 6, nhưng cậu bé tỏ ra rất say mê đọc sách, do đó những bài văn của con mà ông bố này đăng tải trên mạng xã hội đều thể hiện giọng văn sắc sảo, ngôn từ đa dạng, trí tưởng tượng phong phú.
Hiện bài văn tả bố dí dỏm của cậu học sinh này đang được rất nhiều người quan tâm. Bài viết ngắn gọn, hồn nhiên của cậu bé mang lại những phút giây hài hước, nhưng cũng khiến các ông bố, bà mẹ chú ý cân nhắc, điều chỉnh nếp sống, cách cư xử của mình để trở thành Tấm gương tốt cho con cái noi theo.
Theo Ngân Hà/Thế Giới Trẻ