HLV Troussier quá khác biệt với người tiền nhiệm Park Hang Seo

Google News

Những ngày qua, sau thành tích không tốt của U22 Việt Nam tại SEA Games 32, câu chuyện so sánh giữa HLV Troussier và người tiền nhiệm là Park Hang Seo liên tục nổ ra và thu hút được sự chú ý.

U22 Việt Nam của HLV Troussier đã về đích ở SEA Games 32 với tấm HCĐ, đây là điều khiến NHM các chiến binh sao vàng không thể vui bởi 2 kỳ SEA Games gần nhất, đoàn quân do HLV Park Hang Seo dẫn dắt đã có liên tục 2 tấm HCV và thể hiện bộ mặt khiến khán giả được vỡ òa cảm xúc.
Nhìn từ SEA Games 32 và những đại hội thể thao Đông Nam Á trước, đặc biệt là thời điểm HLV Park Hang Seo còn cầm đội, nhiều người không khỏi ý nghĩ so sánh.
Đầu tiên hãy nhìn vào số bàn thua. Tại SEA Games 32, U22 gần như trận nào cũng để thủng lưới và chỉ 1 trận duy nhất có trận giữ sạch lưới (thắng Lào 2-0). Ngược dòng chảy về quá khứ, Việt Nam nhận 6 bàn thua tại sân chơi SEA Games thì cần phải lùi về tận năm 2011. Vấn đề nhiều bàn thua như vậy của U22 Việt Nam đến từ sự sai xót của cá nhân và cũng có những tình huống sai xót hệ thống.
HLV Troussier qua khac biet voi nguoi tien nhiem Park Hang Seo
 HLV Troussier nhận về vô số sự so sánh với người tiền nhiệm là Park Hang Seo.
Trong khi đó, trong 2 kỳ SEA Games gần nhất, Việt Nam chỉ để lọt lưới vỏn vẹn 4 bàn. Thậm chí, dưới thời HLV Park Hang Seo, Việt Nam xác lập kỳ tích với việc vô địch SEA Games 31 mà không một lần bị thủng lưới. Ở kỳ SEA Games 30, U22 Việt Nam có 4 bàn thua nhưng ghi đến 24 bàn thắng.
Đến Việt Nam làm việc, HLV Troussier mang nặng triết lý bóng đá tấn công, ghi nhiều bàn thắng để lấy công bù thủ. Nhưng khi chưa chắc nơi hàng thủ thì tấn công bao nhiêu cũng vô nghĩa, chưa kể đến việc các cầu thủ trên hàng công không phải cứ sút là có bàn thắng.
Có thể thấy các thông số của U22 Việt Nam thời HLV Troussier không ấn tượng. Tấn công chưa cho thấy được các mảng miếng sắc bén. Phòng ngự bộc lộ nhiều sai sót đáng quên. Đây là lý do U22 Việt Nam không thể đi đến trận chung kết, khi thủng lưới 3 bàn trước U22 Indonesia và không thể ghi bàn trong thế chơi hơn người, bàn gỡ hoà 2-2 đến từ tình huống Bagas lóng ngóng đốt lưới nhà.
HLV Troussier qua khac biet voi nguoi tien nhiem Park Hang Seo-Hinh-2
 Phải chăng cái bóng mà HLV Park Hang Seo để lại quá lớn.
Trong bóng đá, một đội bóng tấn công không hay thì phải thủ chắc chắn. Tức không nhận bàn thua trước khi nghĩ đến bàn thắng. Ngược lại, khả năng phòng ngự không ấn tượng thì tấn công cần thật tốt để ghi nhiều bàn hơn đối thủ. Đây là lấy công bù thủ.
Thời HLV Park Hang Seo, U22 Việt Nam chơi tấn công ở SEA Games 30 để mang đến những chiến thắng đậm. Hiệu quả rất cao với 24 bàn thắng. Nhưng ông Park cũng linh hoạt thay đổi cách chơi theo lứa cầu thủ, U22 Việt Nam đá kín kẽ ở SEA Games 31 và không bị thủng lưới suốt cả giải đấu. Đó là cái tài của ông Park trong việc áp dụng chiến thuật theo từng hoàn cảnh để tạo ra thành công.
Có lẽ “phù thuỷ trắng” Troussier cần thời gian để truyền tải tốt hơn về cách chơi lấy công bù thủ. Còn hiện tại nhà cầm quân người Pháp đã thất bại ở SEA Games 32 và số bàn thua đang nhiều hơn 1/2 số bàn thắng (6 bàn thua và 10 bàn thắng).
Thiên Anh