Những người già nhất tại địa phương cũng không biết Vực Rào có từ bao giờ, chỉ biết rằng từ xa xưa, Vực Rào đã hiển hiện với dòng nước mát, trong lành, nhiều hang, đầm, thích hợp cho các loại cá nước ngọt như: Trắm, mè, chép… trú ngụ, sinh sôi, phát triển.
Là lạch nước men theo chân núi nên nước tại Vực Rào vô cùng trong, mát.
Ông Nguyễn Thanh Nam (62 tuổi), trú tại địa phương cho hay, từ nhỏ, ông đã theo bạn đến đây tắm, chơi đùa và bắt cá. Kỳ lạ là ở chỗ, cá ở Vực Rào rất to, thịt dai ngon, nước trong mát quanh năm.
Vực Rào gắn liền với kí ức tuổi thơ của những người dân địa phương.
Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống, UBND huyện Nghi Xuân đã tổ chức lễ hội bắt cá Vực Rào vào hàng năm. Năm nay, lễ hội này được tổ chức vào cuối tháng 6 vừa qua, thu hút hàng trăm người tham gia.
Hàng năm, vào dịp lễ đánh cá Vực Rào, hàng trăm người dân mang theo lưới cụ, đến từ sáng sớm để bắt cá.
Được biết, đây là hoạt động truyền thống, xuất hiện từ đầu thế kỷ XVIII. Tuy nhiên, đến nay, lễ hội bắt cá Vực Rào vẫn giữ được bản sắc riêng, thu hút đông đảo người dân địa phương và khách thập phương tham gia.
Đặc điểm riêng biệt là cá ở Vực Rào rất to, thịt dai, thơm ngon.
Ông Triệu Thanh Khoa (70 tuổi), quê tỉnh Phú Thọ cho biết, khi nghe tin về lễ hội này, gia đình ông và hàng xóm đã thuê ô tô khách 16 chỗ vào Hà Tĩnh để tham dự.
“Chúng tôi kết hợp vào thăm gia đình thông gia và tham dự lễ hội. Đây là một lễ hội giữ gìn nét văn hóa vùng quê rất đẹp và ý nghĩa, tạo không gian giao lưu, thắt chặt tình đoàn kết giữa người dân với nhau”, ông Khoa nói.
Ngoài người dân địa phương, lễ hội đánh cá Vực Rào còn thu hút khách nước ngoài tham gia.
Đối với người dân địa phương, Vực Rào còn là bản sắc văn hoá...
… gắn bó và là niềm tự hào.
Theo Bùi Thị Ngân/Người Đưa Tin