Hai cái Tết xa nhà của du học sinh Việt

Google News

Mỗi khi bắt gặp những bài viết đếm ngược đến Tết trên mạng, Nguyễn Cao Tấn (21 tuổi, du học sinh tại Phần Lan) lại thở dài.

Năm nay, Tấn tiếp tục đón giao thừa với ba mẹ qua màn hình điện thoại. Tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, cộng thêm sự xuất hiện của biến chủng mới tại châu Âu chính là lý do khiến hành trình về Việt Nam của Cao Tấn gặp nhiều trắc trở.

“Những năm đầu, mình chọn ở lại vì trùng nhiều lịch học cũng như muốn tiết kiệm chi phí. Tới khi mình sắp xếp được thời gian thì dịch bệnh bùng phát rồi kéo dài đến tận bây giờ.

Các đường bay quốc tế bị hạn chế, thủ tục nhập cảnh ngặt nghèo, chưa kể mình cũng lo cho sức khỏe người thân nên kế hoạch về nhà vẫn chưa thể hoàn thành”, Tấn nói.

Tâm sự với Zing, Cao Tấn cho hay dù đã trải qua nhiều mùa Tết xa quê, anh vẫn có chút chạnh lòng khi nhìn hình ảnh bạn bè check-in ngày đầu năm.

Hai cai Tet xa nha cua du hoc sinh Viet

Tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường khiến nhiều bạn trẻ quyết định đón Tết ở nước ngoài thay vì về nước. Ảnh minh họa: Việt Linh.

Để cùng chia sẻ nỗi nhớ nhà, hội du học sinh Việt tại Phần Lan thường tổ chức những buổi tiệc tất niên và thưởng thứcbánh chưng. Riêng Tấn, anh thường đăng kí lịch làm việc trùng với các ngày Tết Nguyên đán ở Việt Nam vì cho rằng “bận rộn sẽ đỡ buồn”.

“Hy vọng đây là năm cuối mình phải đón năm mới online. Nếu mọi chuyện suôn sẻ, cả nhà mình sẽ được cùng nhau chụp ảnh check-in mừng xuân Quý Mão”, Cao Tấn nói thêm.

Giống như Cao Tấn, nhiều bạn trẻ đang học tập ở nước ngoài cũng mong muốn về Việt Nam đón Tết cùng gia đình. Thế nhưng, do dịch bệnh phức tạp, lệnh hạn chế đi lại ở nhiều quốc gia, không ít du học sinh phải gác lại kế hoạch về nước.

Nhớ Tết ở Việt Nam

Những ngày gần đây, Minh Anh (19 tuổi) thường xuyên xem tin tức, trang web đặt vé máy bay để tìm kiếm cơ hội về Việt Nam thăm bố mẹ.

Tuy nhiên, khi Australia ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng mạnh, nhiều khu vực bị phong tỏa diện rộng, mọi hy vọng của Minh Anh gần như biến mất.

“Lại một cái Tết xa nhà”, nữ sinh hụt hẫng nói.

Là con một trong nhà, Minh Anh luôn mong được sum họp cùng gia đình vào dịp Tết Nguyên đán sau thời gian dài học tập ở nước ngoài.

“Bố mẹ hay tin mình không về được cũng rất buồn. Nhưng dịch căng thẳng quá mình nghĩ an toàn là trên hết. Lúc còn ở TP.HCM, cứ Tết đến là nhà mình đi thăm họ hàng, xem kịch, dạo phố… Nhắc đến là kỷ niệm ùa về”, cô gái chia sẻ.

Hai cai Tet xa nha cua du hoc sinh Viet-Hinh-2

Minh Anh đã đón Tết ở Australia được 2 năm. Ảnh: NVCC.

Chung tâm trạng, Tạ Uyển Linh (21 tuổi), du học sinh tại Đài Loan, cũng buồn bã mỗi khi nghe gia đình bàn chuyện đón năm mới.

“Đây là Tết thứ 2 mình không được cùng mẹ và các chị dọn nhà ăn Tết. Thú thật, trước đây mình khá ‘sợ’ khoản này, vậy mà giờ lại thấy nhớ. Ở đây mọi người không ăn mừng tưng bừng như Việt Nam nên mình thèm không khí năm mới ở nhà lắm”, Linh bộc bạch.

Dù Đài Loan và Việt Nam đã có những nới lỏng về quy định nhập cảnh, Uyển Linh vẫn gặp khó khăn khi giá vé máy bay tăng cao, vượt quá khả năng chi trả của cô.

“Tết vừa rồi, mình cứ nghe đi nghe lại bài ‘Đi về nhà’ của Đen Vâu rồi khóc vì tủi thân. Đó cũng là lần đầu tiên mình bày tỏ nỗi nhớ nhung dành cho ba mẹ và các chị nên mọi người bất ngờ lắm. Dù mong được về sớm, mình vẫn phải tính lại vấn đề visa nên mọi thứ vẫn còn mông lung”, cô chia sẻ.

Hai cai Tet xa nha cua du hoc sinh Viet-Hinh-3

Uyển Linh không thể về Việt Nam đón Tết vì giá vé máy bay tăng cao. Ảnh: NVCC.

Lo ngại cảnh tập trung đông đúc tại sân bay cộng thêm việc lịch học bị ảnh hưởng, Ngọc Mai (20 tuổi) cũng quyết định ở lại xứ sở chuột túi thay vì về nước ăn Tết. Hai năm liền đón năm mới xa gia đình, cô gái không tránh khỏi cảm giác nhớ nhà và hụt hẫng.

“Thời gian đầu là do 2 nước phong tỏa nên mình không bay về được. Sau đó khi các chuyến bay thương mại giữa 2 bên mở lại thì bố mẹ sợ mình bị kẹt lại Việt Nam học online nên cũng khuyên đợi mọi thứ ổn định hơn hẵng về”, Mai cho hay.

Đón Tết xa nhà

Không thể về nước, Minh Anh cùng bạn bè tổ chức nhiều hoạt động vào đêm giao thừa và đầu năm mới như trang trí nhà cửa, nấu ăn để xua bớt nỗi cô đơn khi đón Tết xa gia đình.

Ngoài ra, cô cũng thường xuyên gọi điện thoại tâm sự với mẹ về những câu chuyện thường ngày.

“May mắn là mình sống gần khu người Hoa nên họ trang hoàng rất nhộn nhịp. Mình còn mua một số đặc sản ngày Tết như bánh chưng về ăn cho đỡ thèm. Mình cũng khá buồn nhưng nghĩ đến những bạn không được ăn Tết từ năm 2019 thì thấy bản thân vẫn may mắn hơn nhiều”.

Còn với Ngọc Mai, do sống một mình tại Australia, vào ngày Tết, cô không trang trí nhiều, chủ yếu chỉ dọn dẹp lại nhà cửa. Bên cạnh đó, do Tết Âm lịch rơi vào khoảng gần cuối hè nên ở đây không có không khí se lạnh như ở Việt Nam.

Hai cai Tet xa nha cua du hoc sinh Viet-Hinh-4

Ngọc Mai cùng bạn bè ở Australia tổ chức nhiều hoạt động vào dịp Tết để đỡ nhớ nhà. Ảnh: NVCC.

Năm nay, Mai dự định rủ bạn bè mở tiệc vào đêm giao thừa, nấu món ăn truyền thống của dịp Tết và cùng xem Táo Quân, bắn pháo bông.

“Tụi mình đều xa nhà lâu nên cũng hiểu cảm giác ăn Tết ở nơi xa xứ. Tất nhiên mình cũng thường xuyên gọi về nhà nói chuyện với gia đình để được chia sẻ một chút không khí Tết ở Việt Nam. Nếu dịch bệnh hạ nhiệt vào mùa hè thì mình sẽ về thăm nhà”, Mai bộc bạch.

Riêng Uyển Linh, cô dự định tham gia gói bánh tét, tổ chức tiệc cuối năm cùng hội du học sinh Việt Nam và tranh thủ gọi video về nhà đếm ngược đến giao thừa.

Theo Phương Thảo - Hồng Anh/ Zing