|
Nhiều người trẻ từ chối mặc đồ công sở truyền thống.
|
Trong video đăng trên TikTok gần đây, Dani Klarić, giám đốc sáng tạo ở một công ty thiết kế nội thất, đã chia sẻ trang phục đi làm của cô: chiếc váy ngắn màu trắng phối với áo sơ mi không cài cúc để lộ bra bên trong màu vàng ren và đeo tất chân cao đến đùi.
“Nếu có một công việc ở môi trường công sở thì đây là cách tôi sẽ mặc. Ai lại ngăn cản tôi chứ?”, Klarić tự tin nói trong đoạn clip thu hút hơn 200.000 lượt thích.
Sau đại dịch Covid-19, Gen Z đang dần trở lại văn phòng và thời trang đi làm của họ cũng thay đổi đáng kể, theo New York Post.
Trên mạng xã hội, hàng nghìn video được gắn thẻ #workoutfits cho thấy nhóm này và những người trẻ thuộc thế hệ Millennials khoe trang phục công sở với váy ngắn, áo sát nách, quần thể thao.
Điều đó được cho là không theo tiêu chuẩn truyền thống và khiến họ đôi lúc gặp rắc rối với bộ phận nhân sự về việc ăn mặc quá xuề xòa hoặc gợi cảm.
|
Klarić và Bouroncle cho rằng quy định trang phục theo tiêu chuẩn trước đây đã cũ kỹ. Ảnh: New York Post.
|
Keely Bouroncle (31 tuổi, sống ở Fort Lauderdale, bang Florida, Mỹ) cho rằng nguyên tắc trang phục cho giới văn phòng đã trở nên lỗi thời. Cô thích diện những bộ cánh tôn lên vóc dáng thanh mảnh với màu sắc tươi sáng.
“Tôi hiểu các quy tắc ở công ty. Nhưng tôi thấy mặc gì không quan trọng miễn là hoàn thành tốt công việc của mình. Cách một người ăn mặc khẳng định cá tính của họ. Tôi muốn trông thật đẹp để cảm thấy phấn khởi hơn”, Bouroncle bày tỏ.
Những người làm việc trong lĩnh vực nhân sự đang quan sát cách tiếp cận của thế hệ trẻ đối với thời trang công sở. Một số thoải mái với điều này trong khi số khác bày tỏ sự không hài lòng khi nhân viên diện đồ quá phản cảm.
“Tôi đã nhận thấy một vài vấn đề ở nhóm lao động trẻ về cách diện đồ thiếu trang trọng khi đi làm”, David Bradshaw (45 tuổi), chủ tịch của Northstar PMO, một công ty tuyển dụng có trụ sở tại Boston, cho biết.
Cindy O'Peka (41 tuổi), thuộc bộ phận nhân sự và tư vấn O'Peka ở California, từ lâu đã ủng hộ các quy tắc ăn mặc thoải mái hơn trong văn phòng, nhưng cô nghĩ rằng đôi khi Gen Z chưa nhận thức được những gì họ đang thực hiện.
Theo quan sát của Cindy, một số outfit thích hợp để đi bar, club hơn là xuất hiện trong môi trường công sở.
Trong khi đó, các thương hiệu quần áo đã nhanh chóng ghi nhận và quảng cáo theo những tiêu chuẩn thay đổi.
Nhãn hàng LA tạo ra trào lưu Reformation đã gây xôn xao trên mạng vào tháng trước khi tung ra bộ sưu tập gồm các người mẫu mặc váy quây, áo khoác và quần ngắn với nội dung dành cho giới văn phòng.
Suzanne Smallshaw, giám đốc cấp cao về thời trang và phong cách của Rent the Runway, một công ty cho thuê trang phục và phụ kiện thiết kế, ghi nhận khi mọi người bắt đầu đi làm trở lại, lượng khách hàng đến mượn quần áo gần như đạt một nửa so với năm 2019.
|
Những người làm việc trong ngành sáng tạo thường chú ý đến cá tính, phong cách bên cạnh công việc. Ảnh: Elle.
|
“Họ nói lời tạm biệt với bộ vest hoặc áo khoác màu đen cơ bản, thay vào đó chọn các outfit có họa tiết in đậm hơn. Việc sử dụng denim cũng tăng 56% kể từ năm 2020, cho thấy xu hướng thời trang đang dần đổi mới”, Smallshaw nhận xét.
Còn theo Bradshaw, nhiều công ty không can thiệp vào cách ăn mặc của nhân viên và để mọi người diện trang phục theo cách họ muốn như một đặc quyền. Nhờ đó, thế hệ Z được thỏa sức sáng tạo, khoe vóc dáng với quần áo đi làm hàng ngày.
“Một số ngành nghề rất quan trọng vẻ ngoài, đặc biệt là trong lĩnh vực sáng tạo. Họ không chỉ tập trung vào công việc mà còn chú trọng đến cá tính, phong cách”, Bradshaw nói thêm.
Theo Thảo Ngân/Zing.vn