Theo The Korea Herald, trong bộ trang phục đơn giản, Lee Sang-hyeok (22 tuổi) trông không có gì đặc biệt so với những thanh niên Hàn Quốc ở độ tuổi 20 khác. Tuy nhiên, khi anh bước đi trên đường phố Seoul, nhiều người đã nhận ra và reo hò tên anh một cách đầy phấn khích.
Không phải là Lee Sang-hyeok, hầu hết đều gọi anh là Faker - Game thủ nổi tiếng nhất Hàn Quốc với danh sách dài các danh hiệu và giải thưởng về thể thao điện tử (eSports). Danh tiếng của Faker đã vượt xa khỏi biên giới Hàn Quốc, phổ biến ở Trung Quốc, Bắc Mỹ và châu Âu những năm qua.
Không nhận là thần đồng
Trở thành game thủ chuyên nghiệp từ năm 17 tuổi, Faker là một trong những người chơi Liên minh huyền thoại (LMHT) - game chiến đấu trực tuyến do Công ty Riot Games của Mỹ phát hành năm 2009 - nổi tiếng nhất tại Hàn Quốc.
Trong 6 năm qua, "ngôi sao eSports" xứ Hàn đã dẫn dắt đội chơi SK Telecom T1 "quét sạch" 3 danh hiệu vô địch chung kết thế giới LMHT trong các năm 2013, 2015 và 2016. Game thủ 22 tuổi còn là người có thu nhập cao nhất ngành eSports Hàn Quốc với mức lương 3-5 tỷ won/năm (khoảng 2,7-4,4 triệu USD).
Để lý giải cho tài năng đặc biệt của Game thủ nổi tiếng nhất Hàn Quốc, nhiều người vẫn nói anh là "thần đồng". Dù từ chối danh xưng này, anh chàng tiết lộ mình thích chơi các trò chơi điện tử từ khi còn học mẫu giáo. Nhiều năm luyện tập đã giúp 9X phát triển sự nhạy bén mà anh tin là yếu tố bẩm sinh cần thiết đối với tất cả game thủ chuyên nghiệp.
"Một cầu thủ bắt đầu chơi bóng từ khi còn bé thường sẽ dễ thành công hơn một người mới bắt đầu chơi sau này. Theo cùng một logic, tôi nghĩ người đã cố gắng trở thành game thủ từ khi còn nhỏ có nhiều khả năng thành công hơn, mặc dù nó không phải yếu tố duy nhất hay quyết định", anh chia sẻ.
Faker tin rằng tài năng thiên bẩm và quá trình nỗ lực là những thứ quan trọng quyết định thành bại của mỗi người. Trong bất kỳ lĩnh vực nào, kể cả eSports, người thành công đều phải hội đủ cả 2 yếu tố này.
"Hiện tại, có rất nhiều người muốn trở thành game thủ chuyên nghiệp nhưng thực tế, tỷ lệ những người thành công là rất nhỏ. Tuy vậy, tôi sẽ không ngăn cản những ai quyết định theo đuổi con đường này dựa trên đánh giá thực tế về kỹ năng của họ.
Tôi chỉ muốn cảnh báo những người mong muốn trở thành game thủ chuyên nghiệp chỉ vì họ thích trò chơi điện tử rằng hãy xem xét nghiêm túc sự lựa chọn của mình và đưa ra quyết định sáng suốt để không bao giờ hối tiếc về nó", nam game thủ thẳng thắn nói.
Cuộc sống không có gì ngoài game
Thành công, nổi tiếng hay thu nhập triệu đô không phải những gì báo chí mô tả về Faker. Theo tờ Korea Herald, ngoài tài năng nổi bật, "siêu sao LMHT còn thu hút sự chú ý đặc biệt từ người hâm mộ, công chúng bởi tính cách khiêm nhường và lối sống nề nếp".
Giống như nhiều game thủ chuyên nghiệp khác, Faker dành 10-12 giờ/ngày luyện game và còn rất ít thời gian cho những sinh hoạt, công việc khác. Tuy nhiên, ngay cả trong thời gian rảnh của mình, anh cũng không có quá nhiều việc để làm, ngoại trừ ngủ và đọc sách do fan gửi tặng.
Vào cuối tuần, Faker chỉ ở nhà, ngủ 12 giờ/ngày, đọc sách và thỉnh thoảng chơi StarCraft - trò chơi yêu thích thứ 2 của anh sau LMHT.
Ở tuổi 22, Faker gần như xa rời các thú vui thu hút bạn bè đồng trang lứa. Không rượu bia, thuốc lá, 9X cũng chẳng đam mê những món đồ đắt tiền. Nhiều năm một kiểu tóc, anh chàng không có ý định theo đuổi các xu hướng thời trang. Hẹn hò cũng là điều xa xôi khi anh dành hầu hết thời gian cho công việc.
Theo Faker, chính tính cách hướng nội đã giúp anh trở thành game thủ chuyên nghiệp thành công.
"Tôi luôn thích chơi game hơn là đi chơi, thích ngủ nhiều hơn là gặp gỡ bạn bè. Và tôi nghĩ rằng những đặc điểm như vậy làm cho tôi phù hợp với công việc hiện tại", Lee nói.
Tuổi "về hưu" trung bình cho các game thủ chuyên nghiệp thường vào khoảng 27. Dù thừa nhận, với một nụ cười, rằng bản thân đã đủ tiền tiết kiệm để có thể nghỉ hưu sớm, anh chàng chưa hề nghĩ đến vấn đề này.
Anh cho biết: "Tôi muốn tiếp tục cho đến khi tôi 27 tuổi. Và tTôi tự tin rằng mình vẫn có thể làm tốt ở tuổi đó, hoặc thậm chí khi đã lớn tuổi hơn".
'Đại sứ' eSports
Nổi tiếng trong làng game thế giới, Game thủ Faker không chỉ là biểu tượng của LMHT, mà còn là cái tên đại diện cho văn hóa và cộng đồng eSports nói chung. Nhiều người nói rằng một siêu sao như Faker là cần thiết để giúp eSports được công nhận trên toàn thế giới, trở nên thân thiện hơn trong mắt công chúng.
Game thủ 22 tuổi được đặt nhiều kỳ vọng tại ASIAD 2018 - nơi 6 game, bao gồm cả LMHT, của thể thao điện tử được chính thức đưa vào thi đấu thử nghiệm, diễn ra từ ngày 18/8 đến 2/9 vừa qua tại Jakarta, Indonesia.
"Tại ASIAD, khán giả đa dạng hơn. Tôi cảm nhận được rất nhiều người đang theo dõi chúng tôi. Áp lực ở các trận đấu chắc chắn cũng lớn hơn. Nhưng từ tất cả sự chú ý đó, tôi cảm thấy ngày càng có nhiều người chấp nhận và quan tâm đến eSports".
Mặc dù đội Hàn Quốc thua trong trận chung kết, Faker cho rằng việc góp mặt trong sự kiện thể thao này vẫn rất ý nghĩa. eSports đã bước ra thế giới rộng lớn và cũng có tương lai hứa hẹn hơn.
"Nhìn về phía trước, tôi nghĩ rằng eSports chắc chắn sẽ trở thành môn thể thao chính thức tại Đại hội thể thao châu Á và thậm chí là Thế vận hội trong tương lai", Lee nói.
Nam game thủ cũng bày tỏ quan điểm của anh về việc Tổ chức Y tế thế giới công nhận nghiện game là bệnh tâm thần - một công bố có thể ảnh hưởng đến cách nhìn nhận của xã hội với các trò chơi điện tử.
Faker cho biết: "Tôi nghĩ chúng ta đang phải đối mặt với tình huống 2 chiều. Sự hỗ trợ chơi game và eSports ngày càng tăng nhanh, trong khi các nghiên cứu về y tế cho rằng nghiện game là bệnh tâm thần đang ngày càng được nhắc đến nhiều hơn.
Cả 2 bên đều đúng theo cách riêng của họ. Bởi game rất thú vị nhưng chúng có thể gây nghiện (ở mức độ nguy hiểm) dễ dàng hơn bất kỳ môn thể thao nào khác. Tôi nghĩ rằng những vấn đề nói trên phải được điều chỉnh để tìm đến một sự cân bằng".
Với tư cách là game thủ chuyên nghiệp, điều tốt nhất 9X có thể làm là "chăm chỉ và làm tốt công việc".
"Tôi hy vọng chúng tôi có thể đóng góp vào việc hình thành những nhận thức tích cực hơn về chơi game", anh nói.
Theo Huệ Lâm/Zingnews