Bên cạnh việc mang đến sự vui vẻ và ngưỡng mộ, xu hướng này cũng làm xuất hiện nỗi lo liệu có là nguyên do tạo ra sự so sánh “độc hại”?
Cách để yêu sự nỗ lực?
Trào lưu “flexing” xuất phát từ cụm từ “flex” trong tiếng Anh, có nghĩa là khoe mẽ sự giàu có hoặc thành công khiến người khác cảm thấy khó chịu. Vốn “flex” không phải là khái niệm mới vì khá phổ biến trong những bài rap.
Thời gian gần đây, nó trở thành trào lưu tại Việt Nam khi một người nổi tiếng làm trong lĩnh vực truyền thông thường xuyên khoe về cuộc sống xa xỉ của mình trên mạng xã hội. Ban đầu, “flex” khiến cư dân mạng khó chịu, nhưng dần dà lại thấy hài hước và cùng tạo nên một xu hướng.
“Flexing” nổi lên vào khoảng cuối tháng 5/2023 và bắt đầu từ khi một nhóm Facebook có tên “Flex đến hơi thở cuối cùng” được thành lập. Tính đến nay, sau chưa đầy 2 tháng, nhóm này đã thu hút hơn 1,3 triệu thành viên và con số này vẫn đang tăng theo từng phút.
|
'Flexing' có thể gây ra sự áp lực không cần thiết và so sánh không lành mạnh giữa các cá nhân. Ảnh: ITN .
|
Đối tượng tham gia trào lưu này không giới hạn, nhưng chủ yếu là những cá nhân trẻ tuổi. Một vài ví dụ điển hình có thể kể đến như vận động viên thành danh, du học sinh chinh phục được học bổng toàn phần hoặc nghiên cứu sinh chuyên ngành về ung thư…
Và cả những nghệ sĩ nổi tiếng cũng không nằm ngoài “cơn sốt” khoe thành tích như: Hoa hậu Lương Thùy Linh, MC Khánh Vy, YouTuber Jenny Huỳnh, Hà Myo (Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2022), các nhà leo núi của gameshow Đường lên đỉnh Olympia, ca sĩ Hoàng Dũng,…
Nhạc sĩ Nguyễn Phúc Thiện, chủ nhân của loạt hit V-pop trăm triệu views trước khi liệt kê thành tích của mình có viết: “Tôi không hề giàu, chưa có nhà, cũng chẳng có xe, cũng như bao người khác thôi, rời bỏ nghề thầy giáo để giờ đây tôi có niềm tự hào của riêng mình”.
Hay như với MC Nguyễn Lâm Thảo Tâm, cô “flex” về việc được trở thành MC Đài Truyền hình Quốc gia và đã dẫn chương trình chuyên về tiếng Anh đến mùa thứ 10, nhưng trước đó cô viết: “Flex năm 7 tuổi theo má qua Úc vì má có học bổng thạc sĩ. Khi đi bập bẹ tiếng Anh, khi về nói tiếng Anh như gió vì ở bển thèm nói chuyện với các bạn mà không bạn nào biết tiếng Việt”.
Còn với Anh Thư (22 tuổi, Hà Nội), một thành viên thuộc nhóm “hóng hớt” đã tham gia nhóm “Flex đến hơi thở cuối cùng” từ những ngày đầu, chia sẻ: “Vào nhóm mới thấy nhiều bạn trẻ rất giỏi, khiến tôi cảm thấy ngưỡng mộ và từ đó có thêm động lực phấn đấu. Những chia sẻ của mọi người thường theo chiều hướng vui vẻ nên đọc cũng không thấy quá nặng nề hay khó chịu, dù biết rõ họ đang “khoe khoang”.
Trong nhóm cũng không hẳn chỉ gồm những người rất xuất sắc ở lĩnh vực nào đó mới có thể đăng bài mà còn có những bài kiểu như “flex ngón tay có 4 đốt” hay “flex danh sách bạn bè toàn người nổi tiếng”, đọc cũng thấy thư giãn và gần gũi”.
Cảnh giác mối nguy
Dù nhận được những đánh giá và thực tế phản ánh khá tích cực song một số chuyên gia đưa ra cảnh báo khi nhận định phong trào “flexing” như một mối lo ngại tác động đến tâm lý của những người trẻ.
Nhận xét về thực trạng ngày càng trở nên phổ biến của trào lưu “flexing”, thạc sĩ Đặng Hoàng An - nguyên giảng viên Khoa Tâm lý học Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh cho rằng, vốn tinh thần ban đầu của “flexing” không xấu nhưng nếu không kiểm soát được bản thân mà nói quá sự thật vốn có sẽ làm cho người ta tự cao, tự đại và trở thành kiêu ngạo. Và với các bạn trẻ khi đọc những nội dung về “flex” có thể dễ áp lực hoặc tủi hổ, tự ti về bản thân trước thành tựu của người khác.
Lấy ví dụ như trường hợp YouTuber Jenny Huỳnh - người sở hữu 3,22 triệu người theo dõi trên YouTube, một cái tên có sức ảnh hưởng với giới trẻ. Cô đã có bài “flex” trên YouTube với nội dung “thấy mọi người flex quá là đỉnh còn mình chỉ có một shop slime nhỏ lúc 12 tuổi” để khoe về việc mình đã có một cửa hàng kinh doanh từ rất sớm. Đây là trường hợp “khởi nghiệp” không phổ biến, nhưng Jenny Huỳnh đã làm được nhờ sự năng động từ khi còn nhỏ và có sự hỗ trợ tích cực từ phía gia đình.
Dẫu vẫn biết rằng, có khi cả triệu người Việt Nam mới có một Jenny Huỳnh may mắn và thuận lợi trong việc khởi nghiệp như thế song cách chọn thông tin này để “flex” vẫn có thể khiến những bạn đồng trang lứa, thậm chí người lớn tuổi hơn cảm thấy mình thua kém, thất bại vì vẫn chưa có gì trong tay khi mang tâm lý so sánh chưa có “một cửa hàng”.
|
Nghệ sĩ cũng nhiệt tình 'flex'. Ảnh chụp màn hình.
|
Hay như Phạm Trang - người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội với 2,1 triệu người theo dõi “flex” với nội dung: “21 tuổi bạn bè xung quanh ai cũng flex có biệt thự, siêu xe, nhìn lại mình chỉ có 5 chi nhánh cửa hàng, chuẩn bị khai trương chi nhánh thứ 6. Thật là tủi thân quá đi, hihi”.
Chia sẻ của Phạm Trang chỉ mang tính vui vẻ, nhưng có lẽ vẫn vô tình làm cho không ít người đọc, nhất là các bạn trẻ cảm thấy ngượng ngùng, lo lắng khi có những suy luận kiểu như: Bạn ấy 21 tuổi đã có tới 6 chi nhánh kinh doanh mà vẫn “tủi thân” vì bạn bè xung quanh đã có nhà có xe. Trong khi mình 21 tuổi và vẫn còn chưa tốt nghiệp đại học, chưa thể tự lực tài chính, vậy có phải mình quá yếu kém hay không?
Dù là “flex” một cách bông đùa, ngẫu hứng nhưng nếu chủ thể sử dụng từ ngữ, diễn đạt không khéo léo sẽ dễ gây áp lực, tự ti và so sánh độc hại với đối phương tiếp nhận thông tin. Nhất là với những người có sức ảnh hưởng rộng rãi, một bài đăng hay một lời của họ thường có tác động rất lớn tới cộng đồng người trẻ đang theo dõi họ.
Khi sức chi phối tâm lý của thế giới ảo rất mạnh với nhiều người thì điều cần ở đây là những cá nhân “flex” cần chú trọng về ngôn từ để không đi quá xa, không trở thành khoe mẽ và hạ thấp cá nhân khác.
Và với những bạn trẻ nói chung, hãy đón nhận trào lưu này bằng cái nhìn thoải mái, dành sự ngưỡng mộ tới người xuất sắc nhưng cũng lấy đó để làm “động lực” chứ không phải là “áp lực”.
Theo Linh Chi / Giáo dục & Thời đại