Câu kiều là nghề đã có từ lâu ở Cà Mau, đây là loại hình khai thác thủy sản ven bờ khá phổ biến. Hình thức đánh bắt khá đơn giản, nhưng điểm đặc biệt là lưỡi câu dùng để bắt cá không cần đến mồi. Và để làm được dụng cụ câu cá này cần đến sự tỉ mỉ và khéo tay của những người thợ.
Câu kiều sử dụng 1 dây dài, cứ khoảng 20cm thì mắc 1 lưỡi câu, đoạn dây buộc lưỡi có độ dài khoảng 20-30cm, cách khoảng 2m gắn 1 trái phao nhỏ; khi thả xuống biển giàn câu sẽ nổi cách mặt đáy biển từ 20-30cm. Cách khoảng 100m thì có 1 cột cờ đánh dấu đường câu đi qua và báo hiệu cho các phương tiện khác biết.
|
Một gấp câu kiều thành phẩm có chiều dài khoảng 30m. (Ảnh: Chúc Ly).
|
Lưỡi câu kiều là một vũ khí bí mật của dụng cụ này, lưỡi được làm bằng thép cứng, uốn thành móc tương tự như các loại lưỡi câu khác, nhưng có độ nhạy vướng mắc nhanh. Câu kiều không cần mồi nhưng các loại cá vẫn dính vào dựa vào nguyên lý nước chảy dưới biển.
Chị Phan Ngọc Bích (ấp Cái Cám, xã Tân Hải, huyện Phú Tân, Cà Mau), người có hơn 20 năm gắn bó với nghề làm câu kiều, nhớ lại: “Ngày trước gia đình sống ngoài xóm biển, ai mướn gì làm nấy, cuộc sống bấp bênh. Sau đó, có người quen từ Kiên Giang sang chơi và chỉ tôi cách làm câu kiều”.
“Ban đầu tôi chỉ định làm để kiếm thêm thu nhập, nhưng dần thành nghề chính của gia đình. Sau đó, tôi hướng dẫn lại cho một số chị em xung quanh làm theo. Nhờ vậy, không chỉ gia đình tôi mà nhiều hộ khác cũng có thu nhập ổn định từ nghề làm câu kiều” - chị Bích chia sẻ.
Cũng theo chị Bích, làm câu kiều không khó, chủ yếu cần đến sự tỉ mỉ và khéo léo của người làm. Mỗi gấp (giàn) câu kiều sẽ có tổng cộng 160 lưỡi câu, 11 trái phao và dài khoảng 30m. Trước tiên mua lưỡi về sẽ làm công đoạn tóm lưỡi câu, đây là công đoạn quan trọng nhất, tiếp đến sẽ cắt lưỡi câu, rồi vô viền, vô gấp, mài lưỡi và cuối cùng là gắn trái phao. Mỗi công đoạn sẽ giao cho một người làm, nhờ vậy sản phẩm làm ra có chất lượng ổn định.
|
Nghề làm câu kiều đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo của người thợ, lưỡi câu này không cần đến mồi nên phải nhạy và sắt. (Ảnh: Chúc Ly).
|
Dần dà, khi nghề mang lại thu nhập khá cho nhiều hộ gia đình, chính quyền địa phương và các hội đoàn thể đã vận động người làm nghề câu kiều tập hợp vào một tập thể. Cũng từ đó, tháng 6.2017, hợp tác xã sản xuất câu kiều xã Tân Hải được thành lập, với 10 thành viên. Hiện nay đầu ra của sản phẩm khá ổn định, với nhiều khách hành ở các tỉnh bạn. Những lúc đơn hàng nhiều, các xã viên phải tranh thủ làm ban đêm để kịp giao cho khách.
Chị Phạm Thị Đẹp, thành viên hợp tác xã sản xuất câu kiều xã Tân Hải, chia sẻ: “Ngoài thời gian canh tác vuông tôm hoặc đi ghe biển theo thời vụ, lao động ở đây có nhiều thời gian rảnh rỗi, nhất là phụ nữ. Được chị Bích rủ làm lưỡi câu kiều nên tôi tham gia, nhà tôi 3 người tranh thủ lúc rảnh làm câu kiều cũng kiếm được khoảng 200.000-250.000 đồng/ngày. Đây là nghề nhẹ nhàng lại tận dụng được thời giản rảnh nên nhiều hộ gắn bó”.
|
Bình quân hợp tác xã sẽ làm ra khoảng 800-900 gấp câu kiều/tháng, thu lợi nhuận hàng chục triệu đồng. (Ảnh: Chúc Ly).
|
Theo hợp tác xã sản xuất câu kiều xã Tân Hải, bình quân hợp tác xã bán ra được khoảng 800-900 gấp câu kiều/tháng. Mỗi gấp câu kiều thành phẩm được bán với giá từ 110.000-120.000 ngàn đồng, tùy vào độ lớn nhỏ của dây. Sau khi trừ chi phí, mỗi gấp cao kiều sẽ cho lãi từ 18.000-20.000 đồng.
Ông Huỳnh Minh Hùng - Bí thư chi bộ ấp Cái Cám, cho biết: “Thu nhập từ nghề làm câu kiều của các hộ dân ở đây rất ổn định. Nhờ sản xuất ổn định theo quy chuẩn nên sản phẩm làm ra có chỗ đứng ổn định trên thị trường”.
Theo Chúc Ly/Dân Việt