Hậu đại dịch đồng nghĩa với việc nhiều quốc gia mở cửa biên giới để chào đón du khách, đây cũng là thời điểm thuật ngữ "du lịch trả thù" ra đời.
"Du lịch trả thù" là thuật ngữ phổ biến từ năm 2021. Khi đó, các quốc gia trên thế giới dần mở cửa, và mọi người quyết tâm du lịch thật nhiều để bù đắp cho khoảng thời gian bị kìm kẹp. Thuật ngữ này liên quan đến sự thất vọng, tức giận khi mọi người phải hủy bỏ loạt kế hoạch vui chơi vì COVID-19.
Thuật ngữ này phổ biến vì nó mô tả sát nhất tâm trạng của mọi người sau dịch. Sau nhiều năm trời giãn cách và bí bách, người du lịch chọn cách đi thật nhiều để bù lại những gì đã mất. Đây là điều đã gây ra nhiều tranh cãi trong cộng đồng mạng thời gian qua.
"Du lịch trả thù" để thoả mãn đam mê
Khi những thú vui thường ngày hay các phương thức giải tỏa áp lực bị kìm kẹp, hạn chế trong thời gian quá dài, họ lựa chọn du lịch "trả thù" sau đại dịch để tranh thủ tìm lại những gì đã mất. Xu hướng này mang lại những giá trị tích cực cho sức khỏe cũng như tinh thần của không ít người.
Bàn về vấn đề này không ít cư dân mạng để lại bình luận ủng hộ, đồng tình với cách giải toả áp lực sau đại dịch là lựa chọn đi du lịch. Thậm chí có bạn trẻ đi dài ngày, tránh xa chốn xô bồ thường ngày để tìm lại sở thích, đam mê của bản thân đã vô tình bị đánh cắp trong khoảng thời gian đại dịch.
|
Đà Lạt chật cứng khách du lịch trong năm vừa qua. Ảnh: Internet |
"Mỗi chuyến, mình thường đi tối thiểu là 3 ngày 2 đêm. Mình thích cái cảm giác được thả mình vào những nơi có không khí trong lành và gần gũi thiên nhiên. Được đi du lịch nhiều trở lại sau khoảng thời gian dịch bệnh, mình thật sự cảm thấy rất phấn khích và hạnh phúc", Quang Huy chia sẻ.
"Nếu như trước đại dịch mình thường đi vài chuyến du lịch mỗi năm thì sau khi đại dịch qua đi, mình đã dùng gần như hết tiền tiết kiệm để thoả mãn đam mê xê dịch, "xả hơi" sau chuỗi ngày chỉ ở nhà", một netizen tên Ngọc Mai chia sẻ.
Du lịch dễ dàng nhưng chưa hẳn dễ chịu
Trái ngược luồng ý kiến đồng tình với thuật ngữ "du lịch trả thù" không ít bạn trẻ thể hiện sự phản đối, bởi theo họ thuật ngữ này quá vớ vẩn.
|
Sân bay đông đúc khách du lịch xếp hàng check-in sau đại dịch. Ảnh: Internet |
"Việc du lịch ồ ạt sau đại dịch là quá sai lầm, thời điểm này nhiều điểm vui chơi chưa cải thiện, ổn định lại chỉ khiến bản thân thêm khó chịu mà thôi. Có thể dành số tiền đó làm những việc ý nghĩa khác", Diệu Linh bày tỏ.
Đồng tình với Diệu Linh, một netizen tên Tuấn Linh cho biết: "Gia đình mình cũng theo trào lưu "du lịch trả thù" như mọi người và kết quả là sự khó chịu từ lúc đi đến lúc về. Không chỉ đông đúc, chật chội và chất lượng dịch vụ ở các điểm du lịch cũng xuống thấp".
Hiện tại "du lịch trả thù" đã dần ổn định lại, thế nhưng thuật ngữ này còn gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận.
Hạ Nhiên