Theo chia sẻ của ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tại Hội nghị về công tác quản lý, bảo vệ và phòng chống cháy rừng năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024 diễn ra chiều ngày 5/5, tháng 4 vừa qua được ghi nhận nóng nhất trong lịch sử, tính từ năm 1980.
Trong tháng này, 50/63 tỉnh, thành phố ghi nhận nhiệt độ kỷ lục, trong đó có 29 nơi ghi nhận nhiệt độ kỷ lục của năm. Xét phạm vi toàn quốc, nhiệt độ trung bình tháng 4 đạt 28 độ C, vượt giá trị lịch sử cũ 27,1 độ C vào cùng kỳ năm 2019.
Thậm chí, trong tháng 5, khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ (nơi có một số tuyến du lịch trọng điểm) nắng nóng có khả năng xảy ra nhiều và gay gắt hơn so với trung bình, khả năng sẽ xuất hiện nhiều kỷ lục về nhiệt độ cao nhất tuyệt đối.
Đây cũng là khởi đầu cho mùa du lịch hè. Thời tiết cực đoan khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu những du khách cuồng chân có "chùn bước"? Và nếu không, họ sẽ đi đâu để tránh nóng?
Càng nóng, càng đi nhiều
Khi được Tạp chí Tri thức - Znews hỏi về tác động của nắng nóng đến tình hình du lịch nội địa, bà Nguyễn Thị Trang, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Du lịch BestPrice, cho biết thời tiết nóng hơn không làm giảm kế hoạch du lịch của khách, thậm chí càng là lý do để người dân đi chơi giải nhiệt.
Tuy nhiên, năm nay, các doanh nghiệp lữ hành ghi nhận số lượng khách đi nước ngoài (outbound) cao hơn hẳn so với nhu cầu du lịch nội địa.
|
Các vùng biển ấm áp tại Việt Nam như Phú Quốc, Nha Trang... được nhiều du khách quốc tế lựa chọn vào mùa hè năm nay. Ảnh: Vinh Gấu.
|
Cụ thể, tại Vietravel, bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng giám đốc công ty, cho biết vào hai tháng cận hè 5 và 6 năm nay, tổng lượng khách đăng ký mua tour tại đơn vị có chiều hướng tăng trưởng nhanh với hơn 25.300 lượt khách xuất ngoại và khoảng 14.000 khách đi du lịch trong nước.
Tương tự, tại BenThanh Tourist trong tháng 5, bà Trần Phương Linh, Giám đốc Tiếp thị Công nghệ Thông tin, cho rằng 70% lượt đặt tour của công ty là khách outbound, 30% còn lại là tệp du khách quốc tế đến Việt Nam du lịch (inbound).
Về lý do khiến khách nội quyết định xuất ngoại vào giai đoạn đầu hè, bên cạnh yếu tố về mặt thời tiết, bà Linh cho biết việc giá vé máy bay nội địa vẫn tiếp tục neo cao là một trong số yếu tố thúc đẩy du khách cân nhắc chọn tour nước ngoài nhiều hơn.
Trong đó, đa phần lượng khách đi theo dạng tự túc. Nhóm khách gia đình đi du lịch không nhiều bởi khoảng thời gian này trùng với lịch trình thi cuối kỳ của học sinh.
Dưới tác động của nắng nóng, châu Âu và các nước Đông Bắc Á như Nhật Bản, Trung Quốc là thị trường được khách Việt tại các đơn vị trên ưu tiên lựa chọn nhờ thời tiết vùng ôn đới dễ chịu.
Tuy nhiên, nằm ở "chảo lửa" Đông Nam Á với nhiệt độ liên tục vượt ngưỡng cao nhất lịch sử, Thái Lan vẫn là địa điểm được nhiều khách Việt yêu thích, đặt tour trong đầu hè này.
|
Thái Lan vẫn là điểm đến yêu thích của du khách Việt bất chấp quốc gia này đang đối mặt nắng nóng lịch sử. Ảnh: Bloomberg.
|
Phía công ty CP Truyền thông Du Lịch Việt cũng ghi nhận tỷ lệ khách outbound nhiều hơn hẳn so với khách nội địa, ông Phạm Anh Vũ, Giám đốc truyền thông doanh nghiệp này cho biết.
Theo ông Vũ, trong khi dòng khách nội có xu hướng chọn xuất ngoại để tránh nóng, khách quốc tế ở các nước có khí hậu mát mẻ như châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc… lại đến Việt Nam - nơi có khí hậu nhiệt đới - để nghỉ dưỡng.
"Trong đó, du khách ngoại thích tới các vùng biển ấm của Việt Nam như Nha Trang, Phan Thiết, Phú Quốc, Hạ Long, Đà Nẵng… Vào mùa nóng, khách có nhu cầu du lịch biển. Vì vậy, lượng khách tại những địa phương này chiếm tỷ lệ cao hơn. Số ngày lưu trú nhiều hơn so với các tuyến du lịch khác", ông Vũ chia sẻ với Znews.
Đối với các điểm đến trong nước, du khách Việt vẫn ưu tiên chọn các điểm đến có biển, thuận tiện di chuyển bằng xe khách hoặc núi rừng hoang sơ như Đà Lạt, Bảo Lộc, Buôn Ma Thuột, các khu vực thuộc miền Bắc... để "giải nhiệt".
Ngoài ra, các điểm đến du lịch xanh như miền Tây và Côn Đảo cũng được du khách quan tâm và lựa chọn.
"Giải nhiệt" cho hành trình
Trước tình hình nắng nóng gay gắt, một số đơn vị lữ hành đưa ra các phương án nhằm đảm bảo sức khỏe của du khách.
Theo đó, các doanh nghiệp điều chỉnh lịch trình tour tuyến, tránh những hoạt động ngoài trời vào giờ nắng gắt nhất, tăng cường các hoạt động trong nhà hoặc dưới bóng cây.
Riêng Vietravel còn tăng cường các tour đến những khu vực có khí hậu mát mẻ như khu resort ven biển, tận hưởng không gian xanh mát ở khu vực vùng núi Tây Bắc… Còn BenThanh Tourist thực hiện hoán đổi thứ tự địa điểm tham quan cho du khách để tránh nắng.
|
Những tour nội đô TP.HCM vào buổi tối hoặc đến các địa điểm mát mẻ được một số công ty lữ hành ưu tiên nhằm đem lại trải nghiệm thoải mái cho du khách. Ảnh: Nguyễn Kỳ Anh.
|
Ngoài ra, việc cung cấp thêm nước uống là rất quan trọng. Đại diện công ty Du lịch Việt chia sẻ đã tăng lượng nước suối cho du khách từ 2 lên 4 chai/ngày.
Đơn vị này cho biết còn làm việc với các đối tác như nhà hàng để điều chỉnh thực đơn phù hợp, bổ sung thêm món chè mát, tăng lượng hoa quả tráng miệng cho du khách.
Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm du lịch nội đô mới, gắn với thế mạnh của TP.HCM như các tour đêm ngắm các điểm tham quan nổi bật bằng xe buýt 2 tầng, bằng tuyến buýt sông, trải nghiệm bảo tàng đêm, các chương trình du lịch xanh… tạo thêm sức hấp dẫn mới cho du khách trong và ngoài nước khi đến vui chơi dài ngày tại thành phố.
Những cơn mưa "vàng" vào tuần đầu tiên của tháng 5 góp phần xua tan bầu không khí nắng nóng trước đó, tạo sự thoải mái cho khách khi tham quan khu vực nội đô TP.HCM.
Theo Tường Vi - Linh Huỳnh/Zing.vn